Thuế tài sản: Không có chuyện thuế chồng thuế

Thuế tài sản: Không có chuyện thuế chồng thuế

Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh khi bàn về dự án Luật Thuế tài sản. Theo ông, Luật Thuế tài sản đã có trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đã được cân đối với các sắc thuế khác, nên việc thuế chồng thuế là không xảy ra.

TS. Vũ Đình Ánh: Thuế Tài sản rất phổ biến trên thế giới. Ảnh: T.T.

PV: Dự án Luật Thuế tài sản vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Trên thực tế, mặc dù chúng ta chưa có luật nhưng thuế tài sản đã được đánh trên đất và từ năm 2000 cũng đã bàn đến dự án luật này. Ông có bất ngờ về dự án luật này hay không, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Theo tôi nhớ, từ năm 1991, tức là cách đây 30 năm chúng ta đã có Pháp lệnh thuế nhà đất với thuế suất 0,3% – 0,4% tương tự như hiện nay. Tuy nhiên, năm 1992 do nhiều lý do khác nhau chúng ta không thu thuế nhà và chỉ còn lại thuế đất. Như vậy, vấn đề không hoàn toàn mới.

Tôi cho rằng phản ứng của dư luận cũng là dễ hiểu. Mỗi khi có sự điều chỉnh, đặc biệt là tác động gánh nặng thuế lên một đối tượng đông đảo người dân thì sự phản ứng là bình thường. Đó cũng chính là việc tại sao Bộ Tài chính phải đưa dự thảo đó ra công bố trước để chuẩn bị lấy ý kiến xã hội cũng như các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Theo tôi, chúng ta cần giải thích rõ cho dư luận hiểu về bản chất của thuế tài sản, tại sao lại xác định mức thuế như vậy…

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn về thuế tài sản và mục đích của thuế này?

TS. Vũ Đình Ánh: Thuế tài sản nằm trong hệ thống thuế và đối tượng của nó là tài sản. Tài sản ở đây được hiểu nghĩa là những của cải vật chất sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, đánh thuế tài sản ở mức độ nào, còn tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia và không có sự đồng nhất. Tương tự, việc đánh thuế và lộ trình đánh thuế ra sao cũng phụ thuộc vào những điều kiện đó.

Do vậy, thuế tài sản là sắc thuế rất phổ biến trên thế giới và nằm trong hệ thống thuế. Ở Việt Nam, loại thuế này đã được ghi trong chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2020.

PV: Ngưỡng chịu thuế nhận được nhiều ý kiến khác nhau, theo ông ngưỡng chịu thuế bao nhiêu là phù hợp?

TS. Vũ Đình Ánh: Để bình luận vấn đề ngưỡng chịu thuế bao nhiêu là vừa, 600 triệu đồng, 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay thậm chí có đề xuất căn hộ 7 tỷ đồng mới phải chịu thuế… cần rất nhiều thời gian để phân tích. Có rất nhiều cách lập luận, mỗi cách có căn cứ, cơ sở khác nhau. Theo tôi, điều quan trọng là phải đưa ra cơ sở lập luận để lý giải tại sao chúng ta có một ngưỡng nhất định về giá trị nhà, cơ sở để đánh thuế là gì và phải đạt được thuyết phục chung.

PV: Nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng tình quan điểm cần phải có Luật Thuế tài sản, tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là có hay không việc thuế chồng thuế, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Như tôi khẳng định, Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra đã có trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020. Do đó, các nội dung về thuế tài sản đã được đặt cân đối với các sắc thuế khác, nên việc thuế chồng thuế đảm bảo không xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta thực hiện cần phải có lộ trình.

Ngoài ra, tôi cho rằng, người dân khi nộp thuế đều mong muốn đồng tiền thuế được sử dụng công khai minh bạch. Người dân vui lòng trả thuế, nộp thuế khi những đồng thuế đó được sử dụng đích đáng và tiết kiệm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (ghi)
TBTC