Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Dự thảo Thông tư bao gồm 05 chương và 15 Điều.

Việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Biểu thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tại dự thảo Thông tư xây dựng Biểu thuế bao gồm cả thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo 04 nhóm thuế suất quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và có hướng dẫn chi tiết các lĩnh vực ngành nghề. Biểu thuế chi tiết được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa Biểu thuế GTGT và có bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề chưa được hướng dẫn cụ thể trong Biểu thuế GTGT đã phát sinh vướng mắc trong thời gian qua. Cụ thể Biểu thuế tại dự thảo Thông tư như sau:

Thứ nhất, đối với phân phối, cung cấp hàng hoá: Dự thảo bổ sung “Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cá nhân kinh doanh” có tỷ lệ % tính thuế GTGT là 1% và thuế suất thuế TNCN là 0,5%.

Triển khai Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-BTC ngày 28/02/2020 về việc Phê duyệt, tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án Mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ thực hiện đề án là xây dựng: “Thông tư hướng dẫn thuế, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong đó có các chương riêng quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn (có quy mô bằng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ) theo quy định mới của Luật Quản lý thuế và các Luật thuế hiện hành”.

Bộ Tài chính cho biết lý do bổ sung là để hướng dẫn rõ khoản thu nhập từ các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền cho cá nhân kinh doanh, cũng chịu thuế suất thống nhất với hoạt động kinh doanh thương mại. Do trước đây chưa có quy định cụ thể nên đang tạm thời căn cứ các quy định tại pháp luật thuế GTGT để hướng dẫn đối với cá nhân, theo đó các khoản thu nhập này không chịu thuế GTGT nên sẽ bất hợp lý trong trường hợp áp dụng đối với cá nhân.

Ví dụ cụ thể: đối với hộ khoán, hộ kê khai kinh doanh đại lý thức ăn gia súc đang kê khai, nộp thuế theo ngành thương mại là 1,5% (1% thuế GTGT và 0,5% thuế TNCN) nhưng đối với phần thưởng hỗ trợ đạt doanh số lại chỉ chịu thuế 1% (0% thuế GTGT và 1% thuế TNCN), mặc dù về bản chất khoản thưởng hỗ trợ đạt doanh số cũng là doanh thu từ hoạt động kinh doanh đại lý thức ăn gia súc. Các hướng dẫn hiện hành này đang tạm thời hướng dẫn.

Thứ hai, dự thảo cũng nêu rõ, dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game; dịch vụ may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ sửa chữa máy vi tính và các đồ dùng gia đình có mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%.

Thứ ba, dịch vụ cho thuê tài sản gồm: Cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi trừ dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển có mức thuế GTGT và TNCN đều là 5%. Trong đó, dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; dịch vụ ăn uống; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy… có mức thuế GTGT 3% và thuế TNCN 1,5%…

Theo Bộ Tài chính, những sửa đổi, bổ sung này sẽ không phát sinh thủ tục hành chính và đảm bảo hướng dẫn đầy đủ các mức thuế suất phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề theo đúng quy định.

Phương pháp tính thuế

Tại Điều 4 dự thảo Thông tư quy định các phương pháp tính thuế. Trong đó, quy định đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (bổ sung theo quy định Luật 38/2019/QH14), áp dụng theo các phương pháp sau:

Thứ nhất, phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự nguyện nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Thứ hai, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì được lựa chọn khai thuế theo quý (áp dụng theo nguyên tắc của doanh nghiệp). Trường hợp hộ, cá nhân mới ra kinh doanh thì khai thuế theo quý, từ năm thứ hai xác định khai thuế theo tháng hoặc quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nêu trên.

Thứ ba, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.

Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn cụ thể trường hợp cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh. Theo đó, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.

Kinh doanh không thường xuyên được xác định tuỳ theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại thông tư này.

Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi. Cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh bao gồm: Cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến); cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân vãng lai; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”; cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, tài liệu có liên quan để chứng minh hàng hóa hợp pháp kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.

Cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại khoản này thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.

Nộp thuế theo phương pháp khoán

Theo hướng dẫn của dự thảo, phương pháp nộp thuế khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không đáp ứng quy định về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn, hay nói cách khác, hộ kinh doanh có quy mô nhỏ sẽ thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán.

Hộ khoán không phải thực hiện chế độ kế toán. Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hoá, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.

Hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: Hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm dương lịch (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

Hộ khoán khai thuế theo năm, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế. Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì khai thuế đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn theo từng lần phát sinh.

Nội dung dự thảo Thông tư đính kèm: