Tình hình thực hiện thu NSNN đến hết tháng 10/2019

Tình hình thực hiện thu NSNN đến hết tháng 10/2019

Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN

Tổng thu NSNN lũy kế 10 tháng năm 2019 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.031.723 tỷ đồng, bằng 88,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể:

Thu từ dầu thô ước đạt 107,9% dự toán, chủ yếu do giá dầu bình quân đạt 67,6USD/thùng, cao hơn 4,1% so với dự toán; sản lượng đạt 90,6% dự toán.

Thu nội địa ước đạt 87,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018. Có 11/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 83%); Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh tăng 12%.

Các biện pháp quản lý thuế đã thực hiện để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 10 tháng năm 2019

Cùng với sự tích cực của kinh tế vĩ mô như kinh tế duy trì nhịp tăng trưởng khá, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp…, toàn ngành Thuế đã triển khai toàn diện các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, triển khai thực hiện tốt dự toán thu NSNN mà Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan thuế, phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao. Kết quả công tác quản lý thu như sau:

– Thường xuyên rà soát, theo dõi và cập nhật tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để đưa vào diện quản lý thuế, tránh bỏ sót nguồn thu. Tính đến cuối tháng 10, hệ thống quản lý thuế ghi nhận số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh là 751.917, tăng 54.322 doanh nghiệp so với thời điểm cuối năm 2018.

– Thực hiện 71.323 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; kiểm tra được 394.523 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra ước đạt hơn 43.700 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là hơn 11.800 tỷ đồng; giảm khấu trừ gần 2.000 tỷ đồng; giảm lỗ gần 30.000 tỷ đồng.

Trong đó, đã thanh tra 417 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; kiến nghị xử lý qua thanh tra gần 10.300 tỷ đồng.

– Thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và đã thu được 27.667 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền thuế nợ đã giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền thuế nợ, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của NNT đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.

– Thường xuyên chú trọng công tác cải cách hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế: Cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử; Toàn ngành đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với người nộp thuế; đặc biệt, trong tháng 11 Bộ Tài chính sẽ tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc đối thoại với các doanh nghiệp về thuế và hải quan.

=> Trong báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019.

Biện pháp quản lý thu NSNN những tháng cuối năm 2019

Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế. Triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu nộp phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp theo mô hình tổ chức bộ máy mới.

Tiếp tục theo dõi sát sao tiến độ thu ngân sách hàng tháng, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế, dự báo thu sát đúng với thực tế phát sinh để có phương án chỉ đạo, đôn đốc thu kịp thời. Tham mưu cho UBND các cấp tăng cường chỉ đạo hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế; chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách trong những tháng cuối năm.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ khâu cấp phép đăng ký, cấp mã số thuế, đến kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế; tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình sản xuất kinh doanh để chủ động đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời vào NSNN các khoản phải nộp NS của DN, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng qui định của Luật Quản lý thuế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra theo nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã đề ra. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các chuyên sâu, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các doanh nghiệp hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế; doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, có rủi ro cao về giá chuyển nhượng để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế; lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, các hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án…

Triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đánh giá, phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ theo quy định để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ tiền thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất… dây dưa kéo dài theo quy định của Luật Quản lý thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn trong việc thu hồi nợ đọng thuế; thành lập ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng, tập trung thu hồi các khoản nợ liên quan đến đất của các dự án do chính quyền địa phương quản lý. Thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

TCT