Tổng cục Thuế công bố kết quả pháp điển 03 đề mục: Thuế Tài nguyên, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tổng cục Thuế công bố kết quả pháp điển 03 đề mục: Thuế Tài nguyên, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Thuế sử dụng đất nông nghiệp

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG BỘ PHÁP ĐIỂN CỦA VIỆT NAM
Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề đang đặt ra như hệ thống pháp luật còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Thực tế hiện nay, chúng ta thậm chí chưa thống kê được chính xác, đầy đủ về tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đang còn hiệu lực.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Pháp lệnh pháp điển). Pháp lệnh pháp điển được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành ở cấp trung ương, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.Theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển, Bộ pháp điển là tập hợp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Các quy phạm pháp luật hết hiệu lực bị loại bỏ ra khỏi Bộ pháp điển và các quy phạm pháp luật mới ban hành được cập nhật vào Bộ pháp điển kịp thời. Bộ Pháp điển được xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế đồng thời cũng góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật.

Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2695/BTC-QĐ về kế hoạch thực hiện pháp điển QPPL thuộc lĩnh vực tài chính, Tổng cục Thuế đã thực hiện pháp điển đối với 03 đề mục: Thuế tài nguyên, Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ngày 16/10/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về việc phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề: Dân tộc, Môi trường, Ngân hàng, tiền tệ và 23 đề mục trong đó có 03 đề mục: Thuế tài nguyên, Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời kết quả pháp điển của 03 đề mục nêu trên đã được đăng tải lên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

NỘI DUNG KẾT QUẢ PHÁP ĐIỂN 03 ĐỀ MỤC
1. Kết quả pháp điển đề mục Thuế Tài nguyên

a) Tên chủ đề, đề mục thực hiện pháp điển:

Đề mục Thuế Tài nguyên (đề mục số 9, chủ đề số 33 về Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác)

b) Cơ quan, đơn vị chủ trì; cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện đề mục pháp điển:

Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển.

c) Nội dung chính của đề mục pháp điển:

Pháp điển đề mục Thuế tài nguyên là việc rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, kê khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế tài nguyên.

d) Các văn bản QPPL chính được đưa vào pháp điển:

– Luật Thuế tài nguyên năm 2009 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế);

– Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành;

– Nghị định 50/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế tài nguyên 2009 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 12/2015/NĐ-CP);

– Thông tư 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 12/2016/TT-BTC và Thông tư 174/2016/TT-BTC);

– Thông tư 44/2017/TT-BTC Quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.

Các văn bản trên đều do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành. Bên cạnh việc xác định các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện pháp điển, Tổng cục Thuế cũng đã xác định có 10 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quy phạm tại đề mục Thuế tài nguyên.

2. Kết quả pháp điển đề mục Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

a) Tên chủ đề, đề mục thực hiện pháp điển:

Đề mục Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (đề mục số 8, chủ đề số 33 về Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác)

b) Cơ quan, đơn vị chủ trì; cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện đề mục pháp điển:

Tổng cục Thuế là đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển. Các Vụ, đơn vị khác thuộc Tổng cục phối hợp thực hiện, tham gia ý kiến với Vụ Pháp chế trong quá trình thực hiện pháp điển.

c) Nội dung chính của đề mục pháp điển:

Pháp điển đề mục Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là việc rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; đăng ký, khai, tính và nộp thuế; miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

d) Các văn bản QPPL chính được đưa vào pháp điển:

– Luật 48/2010/QH12 Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

– Nghị định 53/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

– Thông tư 153/2011/TT-BTC Hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 130/2016/TT-BTC);

– Thông tư 45/2011/TT-BTNMT Hướng dẫn xác định diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất lấn, chiếm, diện tích đất chưa sử dụng theo đúng quy định để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

– Thông tư 76/2012/TT-BTC Quy định một số nội dung chi, mức chi trong hoạt động triển khai Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Các văn bản trên do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và có 01 văn bản do Bộ Tài nguyên và môi trường soạn thảo. Bên cạnh việc xác định các văn bản QPPL thực hiện pháp điển, Tổng cục Thuế cũng đã xác định có 07 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quy phạm tại đề mục Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

3. Kết quả pháp điển đề mục Thuế sử dụng đất nông nghiệp

a) Tên chủ đề, đề mục thực hiện pháp điển:

Đề mục Thuế sử dụng đất nông nghiệp (đề mục số 7, chủ đề số 33 về Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác)

b) Cơ quan, đơn vị chủ trì; cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện đề mục pháp điển:

Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì thực hiện pháp điển.

c) Nội dung chính của đề mục pháp điển:

Pháp điển đề mục Thuế sử dụng đất nông nghiệp là việc rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về những quy định chung; Căn cứ tính thuế và biểu thuế; Kê khai tính thuế và lập sổ thuế; Thu thuế và nộp thuế; Giảm thuế và miễn thuế; Xử lý vi phạm; Khiếu nại và thời hiệu; Tổ chức thực hiện; Điều khoản thi hành.

d) Các văn bản QPPL chính được đưa vào pháp điển:

– Luật không số Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993.

– 02 Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: Nghị quyết 55/2010/QH12 và Nghị quyết 28/2016/QH14 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12).

– Pháp lệnh không số Thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích.

– 05 Nghị định của Chính phủ quy định về thuế sử dụng đất nông nghiệp: Nghị định 73-CP, Nghị định 74/CP năm 1993, Nghị định 84-CP, Nghị định 20/2011/NĐ-CP, Nghị định 21/2017/NĐ-CP.

– 07 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định 619/TTg, Quyết định 326/TTg, Quyết định 105/2000/QĐ-TTg, Quyết định 199/2001/QĐ-TTg, Quyết định 11/2003/QĐ-TTg, Quyết định 19/2008/QĐ-TTg, Quyết định 23/2011/QĐ-TTg.

– 11 Thông tư, 01 Thông tư liên bộ, 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thông tư 89/TC-TCT năm 1993; Thông tư 03/TC-TCT; Thông tư 59/TC-TCT; Thông tư 21 – TC/TCT; Thông tư 60 TC/TCT; Thông tư 82-TC/TCT; Thông tư 117/1999/TT-BTC; Thông tư 79/2000/TT-BTC; Thông tư 105/2000/TT-BTC; Thông tư 09/2002/TT-BTC; Thông tư 120/2011/TT-BTC; Thông tư liên bộ 92/TT-LB và Quyết định 58/2008/QĐ-BTC.

Các văn bản trên đều do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, ban hành. Riêng có 01 Thông tư liên Bộ là Thông tư giữa Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm- Bộ Tài chính và Tổng cục Quản lý ruộng đất được ban hành từ năm 1993. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã đổi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục quản lý ruộng đất nay thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, Bộ Tài chính cũng chủ trì thực hiện pháp điển đối với Thông tư liên bộ nêu trên.

Bên cạnh việc xác định các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện pháp điển, Tổng cục Thuế cũng đã xác định có 08 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quy phạm tại đề mục Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Trên đây là nội dung công bố kết quả pháp điển 03 đề mục. Kết quả pháp điển chi tiết của 03 đề mục nêu trêu đã được Bộ Tư pháp đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển – Bộ pháp điển điện tử tại website: http://phapdien.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-bo-phap-dien.aspx .

Vụ Pháp chế – TCT