Tổng cục Thuế đang rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay theo Nghị định 20

Tổng cục Thuế đang rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay theo Nghị định 20

Tổng cục Thuế đang rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20 để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của chính sách.
Trước ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp về Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần của kỳ nộp thuế (Nghị định 20), Tổng cục Thuế cho biết đang rà soát, đề xuất sửa đổi nếu cần thiết.

Theo tìm hiểu của phóng viên TBTCO, những kiến nghị của doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế tiếp nhận. Hiện Tổng cục Thuế đang rà soát, đánh giá kỹ các khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20 để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của chính sách.

“Tổng cục Thuế sẽ xác định tính xác thực trong phản ánh của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, tổng công ty… Kết quả phân tích, đánh giá này sẽ được báo cáo trực tiếp với Bộ Tài chính, qua đó Bộ Tài chính sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ có sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam” – nguồn tin cho hay.

Tổng cục Thuế cho biết, qua rà soát cho thấy, chỉ có hơn 4.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc diện phải kê khai theo Nghị định 20. Trong số này có khoảng 10% số doanh nghiệp kê khai không có lãi (đang lỗ).

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện có hơn 37.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là các công ty con của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, tuy nhiên hiện nay chưa nhận được một văn bản kiến nghị nào về vấn đề của Nghị định 20.

Nghị định 20 ra đời nhằm thay thế quy định trước đó về giá giao dịch liên kết, trong đó, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).

Mặc dù được quy định trong Nghị định 20 về giá giao dịch liên kết, nhưng điều khoản này được áp dụng đối với cả khoản vay từ bên liên kết và bên độc lập.

Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ, công ty con. Trong khi thực tế chuyển giá hiện nay chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài, do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế, nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp./.

Nhật Minh
TBTC