Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán và mối quan hệ với chất lượng dịch vụ kiểm toán

Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán và mối quan hệ với chất lượng dịch vụ kiểm toán

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021 của PGS.TS. Phan Thanh Hải – Trường Kinh tế, Đại học Duy Tân}

Giá phí kiểm toán là một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng và tác động đến chất lượng dịch vụ kiểm toán (CLKT). Với mục tiêu giúp cho người đọc tổng quan được tình hình nghiên cứu có liên quan đến chủ đề này, tác giả đã sử dụng việc khảo cứu các công trình khoa học tiêu biểu đã công bố trong, ngoài nước và thực hiện việc phân tích, đánh giá để rút ra khoảng trống cho nghiên cứu có liên quan. Nghiên cứu này đóng góp nền tảng khoa học cho việc hình thành các mô hình nghiên cứu lý thuyết và khảo sát thực nghiệm, để đưa ra các hàm ý chính sách cho các nhà quản lý tại các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT), hội nghề nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ khóa: giá phí kiểm toán; CLKT; DNKT; tổng quan nghiên cứu.
Abstract:
In the field of independent audit, audit fee is an important factor that affects audit quality. The content of that study is to assess the situation of related research through the statistics of typical studies published in Vietnam and abroad. The author has used the method of analysis and evaluation to provide gaps for relevant research. This study helps to form theoretical research models and empirical studies to provide policy implications for managers at auditing firms, professional associations and state management agencies.
Keywords: audit fees, audit quality, auditing firms, literature review.



Từ trước đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán và CLKT, như các nghiên cứu: Hasan & Naser (2013), Gonthier-Besacier & Schatt (2007), Naser & Nuseibeh (2008), El-Gammal (2012), Mohammed & Saeed (2018), Samsuri & Arifin (2018). Trong khi đó, các nghiên cứu ảnh hưởng của giá phí kiểm toán đến CLKT, có thể kể đến là: Hoitash và các cộng sự (2007), Yuniarti (2011), Suprapto & Suwardi (2013), Corbella và các cộng sự (2015), Agus và các cộng sự (2020)… Tất cả các nghiên cứu này đều chung quan điểm cho rằng, giá phí kiểm toán có tác động đến CLKT và chịu sự ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau.

Thời gian qua, tại Việt Nam, đã có một số tác giả đề cập đến vấn đề giá phí kiểm toán và mối quan hệ với CLKT, tuy nhiên phần lớn là chỉ rõ mối quan hệ giữa giá phí có tác động ảnh hưởng đến CLKT của các DNKT hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tiêu biểu là các nghiên cứu của Pham và các cộng sự (2014), Hai (2014, 2016), Dung (2015), Hai và các cộng sự (2019), Ngoc và các cộng sự (2017). Tuy nhiên, số lượng các nghiên cứu đi sâu vào xác định các nhân tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán tại Việt Nam thì ngoại trừ nghiên cứu của Hong & My (2017) còn lại chưa có nhiều nghiên cứu nổi bật và công bố rộng rãi. Nghiên cứu của Hong & My (2017) cũng là nghiên cứu định lượng dựa trên số liệu phân tích thứ cấp trên báo cáo kiểm toán, hợp đồng kiểm toán, báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo thường niên của 71 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2013.

Khoảng cách thời gian nghiên cứu từ đó đến nay cũng đã khá xa và việc tiếp cận nghiên cứu về chủ đề các nhân tố ảnh hưởng đến giá phí kiểm toán, mối quan hệ của nó với CLKT, dưới góc độ khảo sát thực nghiệm tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn các thành phố lớn như TP. Đà Nẵng là còn khoảng trống.

Tổng quan một số nghiên cứu ở nước ngoài

Giá phí kiểm toán còn được xem là thù lao kiểm toán hoặc chi phí kiểm toán, tùy theo việc tiếp cận dưới quan điểm khách hàng sử dụng dịch vụ hoặc DNKT. Đây thực chất là số tiền mà khách hàng dự kiến phải chi trả cho việc sử dụng các dịch vụ được cung cấp, bởi các kiểm toán viên (KTV) độc lập của DNKT (Kusharyanti, 2013). Như vậy, giá phí kiểm toán luôn nhận được sự quan tâm đến từ phía khách hàng được kiểm toán và cả các DNKT. Bởi đây thực chất là sự thỏa thuận giữa hai bên, trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Qua quá trình khảo cứu các tài liệu có liên quan công bố, tác giả chia thành 2 hướng tiếp cận liên quan đến giá phí kiểm toán.

Thứ nhất, tổng quan các nghiên cứu về việc đo lường, xác định giá phí kiểm toán dưới góc độ các DNKT. Hướng nghiên cứu này chủ yếu là các nghiên cứu định lượng dựa trên các dữ liệu thứ cấp liên quan đến các DN khách hàng và DNKT, để xác định mối tương quan giữa giá phí với các nhân tố khác nhau để trên cơ sở đó, nhà quản trị tại DNKT làm căn cứ để xác định giá phí dịch vụ. Trong việc xác định giá phí, có các nghiên cứu đi sâu vào việc đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau đến việc xác định giá phí kiểm toán dựa trên các dữ liệu kết hợp thứ cấp và sơ cấp phỏng vấn các đối tượng khảo sát có liên quan như KTV, nhà quản lý.

Thứ hai, đó là tổng quan các nghiên cứu đo lường mối quan hệ giữa giá phí kiểm toán với CLKT. Hướng nghiên cứu này, nhằm xác định mối quan hệ tác động hay không tác động giữa mức giá phí với CLKT của các DNKT thông qua dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp.