Vi phạm về thủ tục thuế có thể xử phạt tới 25 triệu đồng

Vi phạm về thủ tục thuế có thể xử phạt tới 25 triệu đồng

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã sửa đổi bổ sung một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế. Để góp phần đưa chính sách này sớm đi vào thực tiễn, hiện nay, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và đang lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị trong và ngoài ngành.

Cần ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính thuế, hóa đơn

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế. Cụ thể bổ sung nguyên tắc xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Quy định về biên bản vi phạm hành chính điện tử; quy định miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế cho người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức). Quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Đặc biệt, bổ sung quy định xử phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn. Tại Chương XV Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các Điều 138 (hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả); Điều 139 (thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế); Điều 140 (Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế); Điều 141 (Hành vi vi phạm về thủ tục thuế); Điều 146 (Xử phạt vi phạm hành chính về phí, lệ phí, hóa đơn trong lĩnh vực quản lý thuế).

Không chỉ có vậy thực tế trong thời gian qua việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn được quy định tại 2 Nghị định khác nhau nên việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn có nhiều bất cập trong áp dụng nguyên tắc xử phạt cũng như thẩm quyền xử phạt giữa 2 lĩnh vực. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là cần thiết, qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế, quản lý thuế của người nộp thuế, cán bộ thuế, cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước. Việc ban hành Nghị định cũng góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, công bằng trong áp dụng pháp luật; đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.

Vi phạm về thủ tục thuế có thể bị phạt tới 25 triệu đồng

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn gồm 5 chương và 51 điều. Nội dung của dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn tại Chương I Nghị định số 129/2013/NĐ-CP, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Luật Xử lý vi phạm hành chính và xử lý những tồn tại, bất cập phát sinh trong thực tế, cụ thể: dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt 1 lần. Về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ (Điều 4) trên cơ sở quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành, trong đó xác định vi phạm hành chính với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500 triệu đồng trở lên; vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên được xác định là vi phạm hành chính về hóa đơn có quy mô lớn.

Về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền (Khoản 3 Điều 5): dự thảo Nghị định quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính thuế gồm: phạt cảnh cáo; phạt tiền. Đồng thời, quy định rõ việc giảm trừ khi người nộp thuế vừa có tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc: một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Dự thảo quy định rõ mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn tại Nghị định này áp dụng đối với tổ chức (mức phạt tiền của cá nhân bằng ½ lần mức phạt tiền đối với tổ chức); bổ sung nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.

Về trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế (Điều 7) dự thảo nghị định bổ sung quy định về không xử phạt đối với trường hợp người nộp thuế vi phạm hành chính do thực hiện theo hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, theo số liệu thống kê thì số lượng vụ việc vi phạm về thủ tục thuế tăng nhiều theo từng năm. Đến năm 2018, tăng khoảng 5,6 lần so với năm 2014. Một trong những nguyên nhân là mức phạt tiền thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế. Trong khi số vụ vi phạm về hóa đơn lại ít hơn do mức phạt cao. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế với mức tối thiểu là 500.000 đồng (trước đây là 400.000 đồng) và mức cao nhất là 25.000.000 đồng (trước đây là 5.000.000 đồng). Cụ thể hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15.000.000đ đến 25.000.000đ để tương ứng với mức độ, tính chất của hành vi này (Khoản 5 Điều 11).

Điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với một số hành vi về hóa đơn

Trên cơ sở kế thừa toàn bộ hành vi vi phạm và mức phạt tiền đối với hóa đơn tự in, đặt in tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Chương III dự thảo nghị định này có bổ sung quy định về hành vi vi phạm quy định về hóa đơn điện tử với mức phạt tiền tương ứng với mức phạt tiền đối với hóa đơn giấy. Cụ thể điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với hành vi không lập hóa đơn tổng hợp và hành vi không gạch chéo, hủy, xóa bỏ đối với hóa đơn đã lập, hóa đơn chưa lập không còn giá trị sử dụng (điều chỉnh giảm mức phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng xuống mức phạt từ 0,5 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng để tương ứng với mức độ vi phạm nhẹ). Bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn nhưng tổ chức cá nhân đã tìm thấy hóa đơn trước khi cơ quan thuế ra quyết định xử phạt.

Nghị định cũng bổ sung hành vi vi phạm quy định về khởi tạo, đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử như: chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn; khởi tạo hóa đơn điện tử không đủ nội dung, không đúng định dạng quy định, không đủ các điều kiện quy định; không đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử sai; chậm bổ sung thay đổi thông tin trên đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ 10 ngày trở lên; hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền không có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; Lập hóa đơn điện tử khi chưa có thông báo chấp thuận của cơ quan thuế; lập hóa đơn sai loại hóa đơn giao cho khách hàng; ngày ghi trên hóa đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế; lập hóa đơn nhưng không giao hoặc chuyển cho người mua; không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ./

Trung Kiên
Tapchithue