Triển khai hóa đơn điện tử – bước chuyển đổi số quan trọng trong quản lý thuế

Triển khai hóa đơn điện tử – bước chuyển đổi số quan trọng trong quản lý thuế

Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC (Thông tư 78) hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo Thông tư 78, từ ngày 01/7/2022 hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử.

Để triển khai Thông tư 78, ngày 21/9, Tổng cục Thuế đã công bố việc chính thức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống hoá đơn điện tử

Thông tư 78 có hiệu lực thi hành, theo đó, hóa đơn điện tử cũng được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh kể từ ngày 1/7/2022. Theo đó, thông tư khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại thông tư này và của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP trước ngày 1/7/2022.

Thông qua hệ thống hoá đơn điện tử, ngành Thuế hướng đến mục tiêu góp phần giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số khi tiến hành số hóa, tự động hóa tất cả các quy trình làm việc để thay thế phương thức làm việc thủ công, kém hiệu quả trước đây. Mọi hoạt động của doanh nghiệp từ sản xuất, quảng bá, tiếp thị, bán hàng, thanh toán cho tới xuất hóa đơn… sẽ được số hóa, tự động hóa, đồng thời đồng bộ lẫn nhau để tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, từ đó, tối ưu quy trình quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí.

Riêng trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Một điểm đáng lưu ý, đó là kể từ ngày 1/7/2022, các thông tư, quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hóa đơn được ban hành trước đó sẽ hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, để triển khai hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống hoá đơn điện tử để sẵn sàng tiếp nhận đề nghị và kết nối với tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định từ ngày 1/7/2022.

Song song với đó, đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu triển khai hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022, Tổng cục Thuế có trách nhiệm tận dụng mọi nguồn lực về cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện có để triển khai thực hiện. Khuyến khích các tổ chức có năng lực tham gia cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

In, khởi tạo và phát hành biên lai thuế

Tại Điều 9 Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn: Cục thuế in, khởi tạo và phát hành biên lai thuế theo hình thức đặt in, tự in, điện tử để sử dụng thu thuế, phí, lệ phí đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn đáp ứng điều kiện sử dụng biên lai và thu nợ đối với hộ khoán, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

Về tiêu chí xác định địa bàn đáp ứng điều kiện sử dụng biên lai thuế, theo hướng dẫn của Thông tư 78, những địa bàn được sử dụng biên lai thuế là địa bàn đáp ứng đồng thời 3 điều kiện: không có điểm thu, chưa thực hiện ủy nhiệm thu thuế và thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.

Trong quá trình quản lý thuế, phí, lệ phí theo quy định của Luật Quản lý thuế, trường hợp tổ chức có nhu cầu sử dụng các loại chứng từ khác thì tổ chức có văn bản gửi Tổng cục Thuế để được chấp thuận, thực hiện.

Đối với tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai điện tử trong trường hợp cần điều chỉnh một số tiêu thức nội dung trên biên lai thì tổ chức có văn bản gửi Tổng cục Thuế để được chấp thuận, thực hiện.

Trước đó, tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định, “trong quá trình quản lý thuế, phí, lệ phí theo quy định của Luật Quản lý thuế, trường hợp có yêu cầu các loại chứng từ khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện”.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cũng quy định, “đối với tổ chức thu phí, lệ phí sử dụng biên lai điện tử trong trường hợp cần điều chỉnh một số tiêu thức nội dung trên biên lai điện tử cho phù hợp với thực tế, tổ chức thu phí, lệ phí có văn bản trao đổi với Tổng cục Thuế xem xét và có hướng dẫn trước khi thực hiện”