Ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế thanh kiểm tra trực tiếp tại DN

Ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế thanh kiểm tra trực tiếp tại DN

Mặc dù hết tháng 5, tiến độ thanh kiểm tra thuế mới đạt 20% kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với chủ trương tạo mọi điều kiện hỗ trợ người nộp thuế vượt qua khó khăn, ngành thuế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế (thanh kiểm tra tại bàn) để giảm tiếp xúc với DN.

Cảnh báo sai phạm để người nộp thuế tự khai bổ sung

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế cho biết, để chủ động triển khai nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thanh kiểm tra tại DN năm 2020, yêu cầu các cục thuế phấn đấu thực hiện đạt tối thiểu tỷ lệ 19,5% số DN đang hoạt động. Theo đó, tổng số DN thuộc kế hoạch thanh kiểm tra là 92.457, trong đó kế hoạch thanh tra là 7.755, kiểm tra là 84.702 DN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ số thực hiện công tác thanh kiểm tra 5 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết tháng 5, toàn ngành thực hiện được 18.638 cuộc thanh kiểm tra, đạt 20,1% kế hoạch, bằng 82% so với cùng kỳ; kiểm tra được 202.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Nếu không tính kết quả thu đột biến qua thanh kiểm tra 2 đơn vị đã được ngành thuế theo dõi, phân tích rủi ro một thời gian dài và chuyển kết quả vào năm 2020, thì số tiền kiến nghị xử lý qua thanh kiểm tra là 12.706,79 tỷ đồng, bằng 93% so với cùng kỳ; số tăng thu, truy phạt,  truy hoàn qua thanh kiểm tra là 3.143,68 tỷ đồng, bằng 77%; số giảm khấu trừ là 443,06 tỷ đồng, bằng 66% so với cùng kỳ. 

Mặc dù vậy khi dịch Covid ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, cũng như một bộ phận không nhỏ DN, để tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo toàn ngành tập trung thanh tra các DN có rủi ro cao, giảm thời gian thanh kiểm tra tại DN, không thực hiện thanh, kiểm tra định kỳ DN bị ảnh hưởng dịch bệnh… Theo hướng này, nhiều  cục thuế đã chủ động thay đổi phương pháp tiếp cận và chuyển đổi cách thanh kiểm tra theo hướng cảnh báo nghi vấn sai phạm qua giám sát kê khai để DN tự điều chỉnh, bổ sung nghĩa vụ thuế. Đơn cử, thời gian qua, dựa trên dữ liệu quản lý kê khai và thanh kiểm tra năm 2019, Cục Thuế Bình Định đã thông báo công khai đến các DN bằng nhiều hình thức để tự rà soát và điều chỉnh khai bổ sung nghĩa vụ thuế nếu có các sai phạm. Cụ thể, qua gửi cảnh báo đến 135 DN có dấu hiệu khai sai thuế GTGT, đã có 15 DN điều chỉnh kê khai bổ sung với số thuế là 37,4 triệu đồng; có 228 DN trên 239 lượt DN được gửi thông báo về thuế bảo vệ môi trường đã tự kê khai bổ sung 632,2 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan thuế cũng gửi cảnh báo đến 36 DN chưa điều chỉnh giảm khấu trừ và giảm lỗ qua thanh kiểm tra và yêu cầu tự rà soát, điều chỉnh số thuế giảm trừ là 1,8 tỷ đồng, giảm lỗ 8,4 tỷ đồng. Theo Cục trưởng Cục Thuế Bình Định Nguyễn Đẩu so với kết quả 39 cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, truy thu được 1,5 tỷ đồng, giảm khấu trừ 155 triệu đồng, giảm lỗ 10,1 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, thì việc cảnh báo và kiểm tra chủ yếu thực hiện trên ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả hơn. Đây là cơ sở để cơ quan thuế tiến tới quy trình điện tử hoá công tác thanh kiểm tra thuế. Với cách làm tương tự, Cục trưởng Cục Thuế Cà Mau Nguyễn Thành Sua cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát tại trụ sở cơ quan thuế, qua đó phát đi thông tin cảnh báo để người nộp thuế tự rà soát, kê khai bổ sung số thuế phải nộp.

DN cung cấp hồ sơ qua mail để cán bộ thuế tra soát

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ảnh hưởng sâu rộng đến người nộp thuế, ông Vũ Mạnh Cường cho biết, trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung vào hình thức thanh tra tại bàn. Theo đó, trên cơ sở kế hoạch thanh kiểm tra năm 2020 đã được phê duyệt, cơ quan thuế thực hiện phân tích chuyên sâu, phân loại rủi ro thông qua các báo cáo DN tích hợp trên các ứng dụng của ngành thuế và các thông tin thu thập khác. Đối với các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, DN có rủi ro thấp thì chưa thực hiện thanh kiểm tra, mà báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch theo quy định. Tuy nhiên, với các DN có rủi ro về thuế, thì ban hành quyết định kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế bằng phương thức điện tử. Theo đó, DN chịu trách nhiệm giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu qua thư điện tử cho cán bộ thuế để kiểm tra, rà soát. Cơ quan thuế không được yêu cầu DN cung cấp tài liệu đã có trong cơ sở dữ liệu của ngành thuế. Nếu DN không chấp hành, hoặc không giải trình được thì mới thực hiện thanh kiểm tra tại DN. Các DN có kiến nghị lùi thời gian làm việc thanh kiểm tra cũng thực hiện theo phương thức này. Riêng với các DN không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, cơ quan thuế sẽ liên hệ để sắp xếp thời gian làm việc trụ sở người nộp thuế. 

Ông Cường lưu ý, với phương thức kiểm tra mới, cán bộ thuế phải chú trọng công tác chuẩn bị trước khi thực hiện thanh kiểm tra, trên cơ sở phân loại rủi ro, tập trung phân tích chuyên sâu thông qua các báo cáo DN và thông tin thu thập từ nhiều bên liên quan, nhằm hạn chế tiếp xúc và giảm thời gian làm việc tại DN. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các quy định của Tổng cục Thuế về quy trình thanh, kiểm tra. Liên quan đến vấn đề này, trong nhiều cuộc họp, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, cán bộ thuế phải có từ 2 người trở lên khi tiếp xúc với người nộp thuế tại cơ quan thuế, hoặc trụ sở DN. Trường hợp tiếp xúc tại trụ sở người nộp thuế phải nằm trong kế hoạch thanh kiểm tra. Đối với trường hợp công chức vi phạm, tiến hành kỷ luật nghiêm theo đúng tính chất vi phạm và quy định của pháp luật