Vai trò của chính sách thuế trước yêu cầu vừa kháng chiến vừa kiến quốc

Vai trò của chính sách thuế trước yêu cầu vừa kháng chiến vừa kiến quốc

Do chiến tranh, kể từ ngày 19/12/1946, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra đến trước năm 1951, nền tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) non trẻ còn phân tán, thiếu tập trung. Ngoài cấp phát từ trung ương, các tỉnh, ngành tự lo một phần ngân sách, dẫn đến một số nguồn thu trùng nhau. Nhiều nơi số thu địa phương trùng lắp số thu trung ương, ảnh hưởng tới số thu chung của cả nước. Thêm vào đó, việc phát hành giấy bạc ngày càng tăng, khiến giá trị đồng tiền mỗi ngày một giảm, dẫn đến vật giá tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và cuộc kháng chiến gian lao.

Trước yêu cầu lớn “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, năm 1952 – cách đây tròn 70 năm (1952-2022), Chính phủ VNDCCH trong tứ bề khốn khó đã sáng tạo chuyển đổi chính sách tài chính, thuế để phù hợp hoàn cảnh thực tế. Theo đó, nhiều sắc lệnh tài chính, thuế ra đời trong năm, nhằm khắc phục việc huy động nguồn thu quá mức trong dân, song cũng không quá nhẹ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cho chiến trường đang bước vào giai đoạn quyết liệt, cam go. Đặc biệt, các chính sách phải đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương và phân định rõ ngân sách trung ương với ngân sách địa phương.

Biểu hiện sinh động về tính thống nhất tài chính trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ là thu, chi phải công bằng, hợp lý, không làm giảm nguồn thu công quỹ. Các địa phương chấm dứt đặt ra các khoản đóng góp chồng lên thuế, bởi thực tế đã có nơi huy động quá sức dân. Vì thế, năm 1952, Nhà nước ban hành các chính sách thuế mới, công bằng hợp lý, thích hợp với điều kiện thời chiến.

Mỗi người dân có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nhưng không phải là đóng góp bình quân, ngang nhau, mà người thu nhập nhiều đóng góp nhiều, thu nhập ít đóng góp ít, không có thu nhập thì miễn. Nhà nước tùy theo nguồn thu nhập của mỗi người mà định số thuế phải đóng góp với điều kiện mức thuế ấy không gây trở ngại tới đời sống xã hội. Theo chiều ngược lại, phải đảm bảo khuyến khích tăng gia sản xuất, làm ra nhiều của cải, lúa gạo, sắn khoai, nâng cao đời sống, có lợi cho bản thân và kháng chiến. Gia đình có người đang tham gia kháng chiến được áp dụng quy định riêng.

Từ chủ trương xuyên suốt ấy, năm 1952, Chính phủ ban hành và áp dụng 7 sắc thuế cụ thể, đó là thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế trước bạ và thuế tem. Trong đó, thuế nông nghiệp giữ vai trò chủ lực, thuế công thương chiếm khoảng 15% tổng số thu. Ngoài các sắc thuế trên, người dân không phải nộp khoản thu nào khác. Việc mua thóc do Nhà nước định giá vốn diễn ra rầm rộ từ mấy năm trước được bãi bỏ. Mọi hình thức quyên góp ở nông thôn đều bị cấm, trừ trường hợp nhân dân tự nguyện góp quỹ tình thương, cứu tế, từ thiện xã hội. Từ đây bãi bỏ thuế điền thổ, thuế công lương, quỹ hương túc, thóc bình dân học vụ, thóc nuôi bộ đội địa phương, thóc nộp cho quỹ xã, thóc đắp đường…

Để nhanh chóng đưa các chính sách vào cuộc sống, khắc phục hạn chế, cách nghĩ, cách làm cũ, ngày 27/1/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời kêu gọi đồng bào, chiến sỹ kiên quyết chống lại bệnh quan liêu, lãng phí qua bài viết “Chống quan liêu, lãng phí…” đăng trên báo Nhân Dân. Người viết: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Ngày 15/2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, thảo luận và phê duyệt ngân sách trong năm. Tại đây cũng đề cập đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ ngày 22 đến ngày 28/4/1952, Người chủ trì Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) với 3 nhiệm vụ lớn đề ra, trong đó có nội dung đẩy mạnh công tác tài chính, bồi dưỡng nguồn lực tại chỗ. Chưa hết, lần đầu tiên, ngày 30/4/1952, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ I khai mạc tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với sự tham dự của 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua cả nước. Lời hiệu triệu quen thuộc “Người người thi đua; ngành ngành thi đua; ta nhất định thắng; địch nhất định thua” xuất phát từ hội nghị này.

Về chính sách thuế, ngày 8/6/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 93-SL quy định mức thuế nông nghiệp đối với đồng bào làm nương rẫy tình nguyện nộp thuế, ủng hộ kháng chiến. Đặc biệt, ngày 14/6/1952, “chiếu Sắc lệnh số 13-SL ngày 1/5/1951 về thuế nông nghiệp; Sắc lệnh 40-SL ngày 15/7/1951 ban hành bản điều lệ tạm thời thuế nông nghiệp; Sắc lệnh 70-SL ngày 10/12/1951 giao cho các Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu quyền quyết định về việc xin giảm, hoặc miễn thuế; Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận…”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 96-SL nhằm cụ thể hoá giảm nhẹ đóng góp của đồng bào nhà nông, khuyến khích tăng gia sản xuất. Sắc lệnh có 5 điều quy định khá chi tiết về tỷ lệ nộp thuế trên sản lượng thóc hay tiền mặt; các trường hợp miễn giảm; trách nhiệm của Bộ Tài chính, Liên khu, các tỉnh chịu trách nhiệm thực thi.

Điều thú vị là, bằng các chính sách tài chính, thuế và công tác điều hành thu qua 2 sắc lệnh nêu trên, nền kinh tế nước VNDCCH từ năm 1952 ổn định rõ rệt. Theo báo cáo tại Hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, nếu năm 1951 vật giá tăng 4 lần so với năm 1950, thì đến 1953 chỉ tăng 1,15 lần so với năm 1952. Báo cáo nêu rõ: “Từ khi thi hành chính sách kinh tế tài chính mới, tuy không thêm một loại thuế nào trong khi thuế suất không tăng, thuế nông nghiệp năm 1952 hạ thấp tỷ lệ động viên, nhưng do sản xuất phát triển, do công tác quản lý thu có tiến bộ, nên số thu NSNN ngày càng tăng. Nếu số thu thuế nông nghiệp năm 1951 là 100, thì năm 1952 là 277, năm 1953 là 430; năm 1954 là 326; thuế công thương năm 1952 là 700; năm 1953 là 1720; năm 1954 là 2797.

Đi đôi với việc cải tổ, thay đổi chính sách thuế, Chính phủ cũng ban hành chế độ quản lý chặt chẽ các khoản thu khác, như chiến lợi phẩm, vật tư, tài sản ở những đô thị mới giải phóng để tập trung vào NSNN, tránh sử dụng lãng phí hoặc tham ô. Song song với chính sách tăng thu, Nhà nước kiên quyết giảm chi, tiết kiệm. Khoản chi lớn nhất lúc ấy là chi trả lương cho công nhân, viên chức, bộ đội. Muốn giảm chi, muốn tiết kiệm phải tinh giảm tổ chức bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, số dôi dư bổ sung vào các lực lượng vũ trang, quân đội.

Nguyên tắc chỉ đạo việc chi tiêu của Nhà nước lúc bấy giờ là kháng chiến, tiền tuyến trên hết. Việc gì không trực tiếp và thiết thực cho kháng chiến thì kiên quyết bỏ, giảm hoặc hoãn. Đây là lý do năm 1952 có tên là năm sản xuất và tiết kiệm.

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi lại, từ mùa xuân ấy, các chính sách ban hành trong năm, trong đó có chính sách tài chính, thuế, đã như một phép mầu diệu vợi. Trên khắp chiến trường, quân và dân cả nước giành nhiều thắng lợi giòn giã, vang lừng. Theo đó, chiến dịch Hòa Bình kết thúc ngày 25/2/1952, đánh bại kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của Pháp, phá vỡ phòng tuyến Sông Đà (hướng chủ yếu), tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc bộ. Chiến thắng Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952 mở toang cánh cửa vào Tây Bắc, tạo bàn đạp cho quân ta giải phóng Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, chiến dịch Tây Bắc, diễn ra từ ngày 14/10 – 10/12/1952 là mũi tiến công vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương, giải phóng một bộ phận đất đai, làm thất bại hoàn toàn ý đồ của thực dân Pháp muốn lập “Xứ Thái tự trị” tại đây, tạo thế và lực đánh tan tập đoàn cứ điểm tại Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam sau đó 3 năm. Tết đến, xuân sang, nhớ về 70 mùa xuân trước qua từng trang sử, trong đó có trang sử ngành Tài chính, Thuế mà thấy lòng nhẹ vợi, an nhiên khi đất nước chuyển mình. Từ mùa xuân ấy dân tộc đã sang trang