Xu hướng phát triển công nghệ số trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những tác động, thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Xu hướng phát triển công nghệ số trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 – Những tác động, thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 218, Tháng 11/2021 của GS.TS. Đoàn Xuân Tiên – nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam}.

Tóm tắt

Công nghệ số (CNS) trong Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang phát triển một cách nhanh chóng, đã mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại và các quốc gia trên toàn thế giới – đó là thời đại số, đây cũng là cơ hội lịch sử, song cũng đầy khó khăn, thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, chúng ta sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực, tụt hậu về công nghệ, suy giảm năng lực sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế – xã hội. Chính phủ ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là chính thức khởi động quá trình chuyển đổi số để hướng đến nền quản trị thông minh, nền kinh tế số, xã hội số. Điều đó tác động trực tiếp đến tất các các ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực kế toán, kiểm toán chịu sự tác động không chỉ trực tiếp đến từng đơn vị, mà còn liên quan đến tất cả hoạt động kế toán, kiểm toán các đối tượng khác, nhất là khi Việt Nam bắt đầu đưa hệ thống Tổng Kế toán Nhà nước vào vận hành, từ năm 2020. Bài viết tập trung phân tích vai trò có tính quyết định của CNS, xu hướng phát triển; những thách thức, tác động của CMCN 4.0, những cơ hội và giải pháp cần thiết đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Từ khóa: CNS, kế toán, kiểm toán, CMCN 4.0.


Vai trò quan trọng, có tính quyết định của CNS và xu hướng phát triển

Công nghệ là nền tảng, là động lực, là mấu chốt đảm bảo cho sự thành công của công nghiệp hoá – hiện  đại  hoá đất nước. Lịch sử đã thừa nhận vai trò của công nghệ đối với sự phát triển của nhân loại. Đối với mỗi quốc gia, công nghệ trở thành công cụ chiến lược để phát triển kinh tế – xã hội một cách nhanh chóng và bền vững. Người ta đã rút ra quy luật: Trên thế giới, không phải những nước chiếm giữ nhiều đất đai và tiền bạc mà chính những nước chiếm giữ tri thức và công nghệ mới trở thành các quốc gia phát triển hàng đầu. Lịch sử cũng cho thấy, những quốc gia nào biết khai thác công nghệ một cách hữu hiệu thì sẽ giành được nhiều của cải và quyền lực. Chúng ta có thể rút ngắn thời gian và mức độ mạo hiểm khi áp dụng các công nghệ mới có sẵn bằng cách lựa chọn những công nghệ hiện đại nhưng tốn ít năng lượng và nguyên liệu hơn, ít phải đầu tư vốn và nhân lực cho nghiên cứu triển khai với chi phí bỏ ra rất lớn.

CNS với nhiều đột phá tạo nên cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing) và chuỗi khối (Blockchain)… đang có những tác động lớn đến phạm vi quốc gia và toàn cầu. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của CNS dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực như yêu cầu về đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định hay các yêu cầu cao hơn về an toàn, an ninh thông tin.

Cho đến nay, Điện toán đám mây đã không ngừng phát triển mạnh mẽ và trở thành tiêu chuẩn chung giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng xây dựng các ứng dụng hay hệ thống thông tin cho riêng mình trên nền tảng dịch vụ hạ tầng (IaaS), dịch vụ nền tảng (PaaS) và dịch vụ phần mềm (SaaS) mà các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đưa ra với các dịch vụ cơ bản về tính toán (computing) và lưu trữ (storage). Việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây sẽ giúp cho việc xây dựng một nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại đơn giản, hiệu quả, tin cậy.

Khác với mô hình xử lý dữ liệu truyền thống, công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) cho phép lưu trữ không giới hạn tất các các loại dữ liệu số từ nhiều nguồn khác nhau về một trung tâm dữ liệu và cho phép truy nhập, xử lý, trích xuất các thông tin quan trọng từ kho dữ liệu này. Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các đơn vị, tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số. Quá trình này sẽ tạo ra một khối lượng dữ liệu rất lớn trong bộ máy nhà nước.

Gần đây nhiều quốc gia thông báo chiến lược về AI (Trí tuệ nhân tạo) và lấy AI làm CNS cốt lõi trong thời chuyển đổi số. Trong giai đoạn tiến tới kế toán, kiểm toán số (digital audit), AI được nhiều quốc gia dùng như công cụ chính yếu của kế toán, kiểm toán, cùng các CNS tiêu biểu khác như điện toán đám mây, internet vạn vật, block chain, nhằm từng bước tăng phần tự động hoá công việc kế toán, kiểm toán và nâng cao chất lượng hoạt động kế toán, kiểm toán.

Internet kết nối vạn vật (IoT) là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới. Trong tương lai, IoT sẽ ứng dụng ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực; có thể tích hợp vào hệ thống CNTT và các hệ thống công nghệ vận hành có sẵn (IT/OT Integration) để nâng cao chất lượng quản lý, quản trị và năng suất lao động.

Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là công nghệ quản lý cơ sở dữ liệu phân tán, ghi lại mọi thông tin, giao dịch trong các block (khối) trong một chuỗi thời gian với đặc điểm là khi giao dịch đã được ghi vào các khối thì không ai có thể thay đổi hay làm giả mạo. Tính năng này đảm bảo không thay đổi hay giả mạo liên quan đến “an toàn” cho cả hệ thống.

Những thách thức đặt ra  

Sự phát triển công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là:(i) Thách thức thay đổi căn bản về nhận thức bản chất, tác động của cuộc CMCN 4.0, khả năng tư duy, quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc; mạnh dạn nghiên cứu và ứng dụng các trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực công nghệ mới, nghiên cứu các công nghệ mang tính đột phá trong lĩnh vực quản lý, quản trị, kế toán, kiểm toán cũng cần phải thay đổi nhận thức và tư duy: (ii) Thách thức về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghệ cao: cuộc CMCN 4.0 yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng và kỹ năng tay nghề. Đây là cuộc cách mạng số, nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành CNTT, kỹ thuật máy tính, tự động hóa chúng ta đang quá ít; đồng thời sự hiểu biết, năng lực, trình độ và kỹ năng sử dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, nhân viên còn yếu, không đồng đều, trong khi đó còn tư tưởng trì trệ, ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ, đây là thách thức không hề nhỏ, trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng rơi vào tình trạng này; (iii) Thách thức tụt hậu xa hơn: Cuộc CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chóng, nguy cơ tụt hậu trong phát triển so với thế giới và rơi vào thế bị động trong đối phó với những mặt trái của cuộc CMCN này; nếu chúng ta không thích ứng được sẽ bị tụt lùi, không cạnh tranh được với các nước. Hiện nay, nhiều đơn vị, tổ chức, ngành chưa thích ứng được với những thay đổi mới, chưa hiểu bản chất của CMCN 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng… Từ đó, thách thức đầu tư phát triển trang thiết bị để thích ứng với tiến bộ khoa học CNS lại đặt ra, đầu tư cho các thiết bị công nghệ sẽ giúp mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên chi phí đầu tư là vấn đề đáng quan tâm; (iv) Thách thức về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng: Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển ngày càng tinh vi của CNS sẽ làm tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động. Điều này đặt ra thách thức cho chúng ta về vấn đề an toàn cho hệ thống thông tin, vấn đề bảo mật thông tin, về các loại tội phạm công nghệ cao, cũng như thách thức về số lượng, chất lượng, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, kế toán viên, kiểm toán viên. (v) Thách thức về khuôn khổ pháp lý cho các vấn đề công nghệ mới: Cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó việc xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách quản lý để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ.