09 6월 1875 doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử
Đây là một trong những kết quả quan trọng được ghi nhận tại buổi họp giao ban của Tổng cục Thuế diễn ra ngày 8/6.
Tiến độ thu NS giảm
Theo đó, báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, trong tháng 5 tổng số thu NSNN do ngành thuế thực hiện ước đạt 66.965 tỷ đồng, bằng 6,9% dự toán, tăng 14,9%. Luỹ kế 5 tháng đầu năm, chưa tính phần thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các DN, ngành thuế thu NSNN được 398.400 tỷ đồng, bằng 41,1% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 18.900 tỷ đồng, bằng 49,3% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 379.500 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016. Xét theo cơ cấu nguồn thu, ngành thuế ghi nhận 8/17 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán cả năm (trên 43%) gồm: thuế TNCN 48%; tiền sử dụng đất 66%; tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 79%; tiền bán nhà ước 125,2%; thu phí, lệ phí 51,3%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản 55,4%; thu từ xổ số đạt 61,5%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, có 11/17 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu, tiêu biểu là: thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN tăng 7,1%; khu vực CTN-NQD tăng 12,9%; thuế TNCN tăng 24,5%; thu tiền cho thuê đất tăng 12,5%; thu cổ tức và lợi nhuận còn lại tăng 39,4%; thu phí, lệ phí gấp 2,62 lần…
Với diễn biến này, Tổng cục Thuế đánh giá, kết quả thu nội địa 5 tháng đầu năm nay nếu không kể các khoản thu liên quan đến đất đai, phí, lệ phí thì đạt thấp cả về tiến độ thu và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ các năm gần đây (5 tháng/2016 đạt 41,6% số thu cả năm, tăng 12% so với cùng kỳ; năm 2015: đạt 41,3%, tăng 12,6%; năm 2014: đạt 44%, tăng 11,9%). Riêng thu ngân sách trung ương dù lũy kế 5 tháng đã đạt 173.570 tỷ đồng, bằng 35,7% so với dự toán, tăng 23,9% so với cùng kỳ, nhưng đây vẫn là năm có tiến độ thu chậm nhất trong 3 năm gần đây (năm 2016 đạt 35,9%, năm 2015 đạt 39,1%, năm 2014 đạt 43,6%), chậm hơn tiến độ tổng thu do cơ quan thuế quản lý (đạt 41,1% dự toán) và chậm hơn tiến độ thu ngân sách địa phương (ước đạt 224.830 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán). Chính vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt dự toán thu NSNN được giao, Tổng cục Thuế đã chủ động xây dựng các kịch bản thu phù hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và biến động giá dầu thô để tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai trong toàn ngành.
Tăng tốc cải cách phục vụ DN
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã tích cực triển khai đồng bộ các nhóm công việc theo tiến độ tại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Theo đó, công tác cải cách thể chế đã ghi nhận nhiều kết quả khi Tổng cục Thuế đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết; Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau; Thông tư số 51/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 117/2012/TT-BTC về đại lý thuế; Quyết định số 942/QĐ-BTC ngày 24/5/2017 sửa đổi, bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử qua mạng. Chưa kể nhiều văn bản khác như: đề án sửa đổi các Luật thuế (GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB, Tài nguyên); dự thảo Nghị định sửa Nghị định số 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (phần hóa đơn điện tử); dự thảo Bộ tiêu chí và chỉ số phục vụ quản lý rủi ro; dự thảo Thông tư sửa Thông tư 156/2013/TT-BTC về kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với đơn vị kinh doanh xăng dầu; dự thảo Thông tư hướng dẫn kế toán thuế nội địa; Thông tư sửa Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 về hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế… đang được Tổng cục Thuế gấp rút hoàn thành để trình các cấp có thẩm quyền ban hành trong thời gian sớm nhất.
Theo sát tiến độ cải cách thể chế, công tác phát triển ứng dụng CNTT để cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá quản lý thuế đã có thêm những kết quả mới. Đáng kể nhất là tính đến ngày 31/5/2017, cơ quan thuế đã đăng ký cho 1875 DN sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trong đó đã giải quyết 492 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế GTGT được hoàn là 3.188,6 tỷ đồng. Cũng tính đến hết ngày 20/5/2017, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 580.211 DN, đạt tỷ lệ 98,90% tổng số DN đang hoạt động. Với 1.322.639 giao dịch nộp thuế điện tử, tổng số tiền đã nộp NSNN từ 1/1/2017 đến nay là 213.569 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 DN tại Hà Nội và TP HCM trong việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực, cơ quan thuế đã xác thực được 4.082.249 hóa đơn với số tiền thuế đã được xác thực là hơn 2.028 tỷ đồng. Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân điện tử đã được thí điểm áp dụng đối với 4.211 tờ khai của Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP HCM và các chi cục thuế trực thuộc, tạo cơ sở cho việc đánh giá và lập kế hoạch, lộ trình triển khai rộng trên toàn quốc. Riêng với đề án triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử, trong tháng 5, Tổng cục Thuế tiếp tục kiểm thử truyền nhận dữ liệu với Ngân hàng Agribank và Vietcombank, Cục Đăng kiểm và Cục Cảnh sát giao thông; đồng thời lập kế hoạch thống nhất các đơn vị để chuẩn bị thử nghiệm với một số đại lý xe.
Mặc dù nhận định, công tác phát triển ứng dụng CNTT đã đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử và tạo điều kiện thuận lợi để đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm số giờ tuân thủ về thuế cho DN và người dân, tuy nhiên Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án để đảm bảo hoàn thành tốt theo lộ trình, kế hoạch đề ra./.
TM
Tapchithue