30 năm Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Những Mùa Vàng

30 năm Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Những Mùa Vàng

30 năm, tính từ ngày Hội Kế toán Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 10/01/1994 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Kế toán Việt Nam, nay là Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức nghề nghiệp của các tổ chức, các cá nhân làm việc và hành nghề trong lĩnh vực tài chính – kế toán – kiểm toán trong phạm vi cả nước. Trải qua 30 năm hoạt động, Hiệp hội đã thu hoạch 10 mùa vàng trong quá trình phát triển của đất nước.

Mùa vàng đầu tiên – Sự hình thành tổ chức nghề nghiệp của cả triệu người làm tài chính, kế toán và kiểm toán

Hiệp hội thành lập và phát triển trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Trong khi, môi trường pháp lý cho hoạt động kinh tế nói chung và của lĩnh vực kế toán – kiểm toán Việt Nam nói riêng, đang trong quá trình thiết lập và hoàn thiện. Luật về Hội vẫn chưa được ban hành, hoạt động của tổ chức nghề nghiệp vẫn chưa tiệm cận và phù hợp với thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Hiệp hội được thành lập, trong niềm vui vỡ òa của hàng triệu người làm kế toán – kiểm toán trong cả nước. Kế toán không thuần túy là khoa học quản lý, là một bộ phận cấu thành của hệ công cụ quản lý kinh tế – tài chính, mà còn là một nghề nghiệp, một nghề mang tính chuyên nghiệp cao. Ở đâu có hoạt động kinh tế – tài chính thì ở đó có kế toán và cần đến kế toán.

Hiệp hội là ngôi nhà chung, là diễn đàn của những người kế toán – kiểm toán, là nơi trao đổi, chia sẻ và cùng nhau phát triển nghề nghiệp. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã xuất hiện thêm công cụ quản lý kinh tế mới, chuyên ngành mới, đó là chuyên ngành kiểm toán và dần dần đã hình thành đội ngũ những người làm kiểm toán, với 03 loại hình: Kiểm toán Nhà nước (KiTNN), kiểm toán dịch vụ (ở Việt Nam quen gọi là kiểm toán độc lập) và kiểm toán nội bộ. Yêu cầu, đòi hỏi phải tập hợp những người làm nghề kế toán – kiểm toán trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm kế toán – kiểm toán tại Việt Nam.

Chỉ sau vài năm thành lập, Hiệp hội đã trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) năm 2005, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA) năm 1998. Từ hơn 600 hội viên ban đầu với 1, 2 tổ chức hội thành viên, đến nay đã có gần 10. 000 hội viên trong cả nước và sinh hoạt trong 27 tổ chức thành viên. Nhiều hội thành viên đã được thành lập trong cả nước. Việc củng cố và phát triển Hiệp hội theo hướng chuyển dần từ tính chất xã hội – nghề nghiệp sang tính chất nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao, tăng cường các hoạt động dịch vụ xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mùa vàng thứ hai – Tham gia tích cực cải cách và đổi mới hệ thống kế toán Việt Nam

Ngay trong năm đầu thành lập (1994 – 1995) Hiệp hội và những hội viên đầu tiên, chủ yếu là các kế toán trưởng, lãnh đạo tài chính kế toán các ngành, các địa phương, các hội viên đã giữ vai trò nòng cốt và chủ lực, thực hiện công cuộc cải cách và đổi mới căn bản hệ thống kế toán Việt Nam. Hệ thống kế toán áp dụng thống nhất trong cả nước, được ban hành theo Quyết định số 1141/QĐ-TC, đã thay đổi căn bản các chế độ kế toán của cơ chế kế hoạch hóa tập trung chuyển sang và tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ của kế toán các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Đây là kết quả không chí tâm huyết, trách nhiệm mà là trí tuệ của những người làm tài chính – kế toán Việt Nam. Hội viên Hiệp hội đã dày công và vật vã, đổi mới căn bản tư duy, nếp nghĩ và cách làm để hết mình vì nghề nghiệp, thực hiện nghiêm chỉnh tư tưởng đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt đúng đắn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hệ thống Kế toán 1141 đã được thiết lập một cách khoa học, đầy sáng tạo và trí tuệ, có cân nhắc và chọn lọc từ các trường phái kế toán của Mỹ, kế toán châu Âu,… bằng tất cả sự tỉnh táo, dũng cảm và  trí tuệ của Việt Nam.

Đã gần 30 năm vận hành, trải qua một vài lần sửa đổi và bổ sung, hồn cốt và khung cơ bản của hệ thống kế toán cải cách vẫn tồn tại và tiếp tục phát huy cho đến ngày nay.

Mùa vàng thứ ba – Bước ra thế giới, thành viên tổ chức nghề nghiệp quốc tế  

Năm 1997, với sự hỗ trợ của Dự án EURO-TAPVIET, Hiệp hội đã cùng Bộ Tài chính tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về kế toán ở Việt Nam (tại Hội trường Ba Đình). Hơn 500 đại biểu tham dự, trong đó có 160 đại biểu là người nước ngoài đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kế toán Việt Nam bắt đầu mở cửa, nhìn ra thế giới và đón nhận nguyên tắc, thông lệ của kế toán quốc tế. Chỉ sau 03 năm thành lập, với sự giúp đỡ, giới thiệu của Liên minh châu Âu, của Hội Kế toán Pháp (FFA), VAA đã làm đơn và được kết nạp là thành viên chính thức của Liên đoàn Kế toán thế giới (IFAC) và được mời tham dự là thành viên chính thức tại Đại hội IFAC lần thứ 18, năm 1998 tại Paris – Cộng hòa Pháp và là thành viên chính thức của Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA).

Việt Nam tự hào có vị thế và tiếng nói nghề nghiệp tại các diễn đàn quốc tế. Lãnh đạo Hiệp hội đã tham gia Ban Chấp hành AFA và IFAC, tham gia các hoạt động nghề nghiệp trong khu vực và thế giới. Các nước, các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới đã biết đến Việt Nam và nghề nghiệp kế toán Việt Nam.

4 năm sau đó, PGS.TS. Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch VAA đã chính thức đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch, tiếp theo là Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2002 – 2005. Nhiều cuộc họp của Hội đồng AFA đã được tổ chức thành công ở Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng.

Năm 2005, Đại hội AFA lần thứ 14 do VAA đăng cai, được tổ chức ở Hà Nội, với chủ đề: “Tạo lập thị trường dịch vụ kế toán ASEAN thống nhất”. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu đến từ các hội thành viên AFA, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành, địa phương.

Mùa vàng thứ  tư – Hình  thành và phát triển kiểm toán ở Việt Nam

Đã từ lâu, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập chung, kế toán luôn đi liền với kiểm tra kế toán. Kiểm tra kế toán là một nội dung quan trọng của hoạt động kế toán và đã phát huy tác dụng đảm bảo cho kế toán đi vào nề nếp và nâng cao chất lượng thông tin kế toán. Bước vào cơ chế kinh tế thị trường mở cửa, yêu cầu lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài là đòi hỏi thông tin kinh tế, trong đó có thông tin kế toán phải minh bạch, tin cậy và quan trọng, phải có sự đánh giá xác nhận của các chuyên gia độc lập. Vì vậy, theo thông lệ và đòi hỏi mang tính quốc tế, kiểm toán được hình thành với tư cách là một ngành nghề mới mang tính độc lập. Năm 1991, Kiểm toán dịch vụ hình thành, với sự ra đời của hai công ty kiểm toán Việt Nam Vietnam Auditing  Company – VACO) và Công ty Dịch vụ Kế toán Kểm toán (Accouting and Auditing  Services Company – AASC). Liền sau đó, hàng loạt các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán được thành lập trên khắp mọi miền của đất nước, như: Công ty Kiểm toán Đà Nẵng (DAC), Công ty A&C, AFC, HAC,… ở Thành phố Hồ Chí Minh,… Năm 1994, KiTNN (Vietnam State Auditing – VSA) được thành lập theo Nghị định 70/ND-CP. Năm 1998, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 832/QĐ -BTC về kiểm toán nội bộ. Nhiều lãnh đạo chủ chốt và hội viên của Hiệp hội đã trực tiếp tham gia thành lập và trở thành lãnh đạo của KiTNN, của các công ty dịch vụ kế toán như: TS. Vương Hữu Nhơn; Ông Hà Ngọc Son – Phó Chủ tịch Hiệp hội được bổ nhiệm làm Tổng, Phó Tổng KiTNN; Ông Bùi Văn Mai – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Ông Phạm Huy Đoán, Ông Ngô Đức Đoàn, Bà Bùi Thị Cát, Hà Thu Thanh, Trình Thị Hồng,… được giao nhiệm vụ lãnh đạo hai công ty VACO, AASC; Ông Đặng Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm tra kế toán được phân công kiêm nhiệm Chủ tịch Liên doanh VACO-Deloith.

Mùa vàng thứ năm – Tham gia hình thành, phát triển và vận hành thị trường dịch vụ và nghề nghiệp kế toán, kiểm toán

Dịch vụ kế toán và kiểm toán khởi phát từ 1991, nhưng phải cho đến năm 2003 mới được Luật pháp thừa nhận chính thức, khi Quốc hội thông qua Luật Kế toán.

Năm 2005, Nhà nước ban hành các quy chế hành nghề và quy định về cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán. Cùng với việc Nhà nước chấp thuận các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán được hình thành và phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của hàng trăm công ty kế toán, kiểm toán, hàng nghìn kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề, trong đó có 4 công ty nước ngoài (Big Four). Hàng nghìn hội viên của Hiệp hội đã tham gia thành lập vận hành công ty, trực tiếp thực hiện cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán. Nghề nghiệp có tính chuyên nghiệp về kế toán, kiểm toán đã hình thành. Đội ngũ những người lành nghề kế toán và kiểm toán đã được tập hợp trong hai tổ chức nghề nghiệp: Hội Kế toán hành nghề (VICA – 2012), Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA – 2005), đã từng và đang là tổ chức thành viên của VAA.

Mùa vàng thứ sáu – Đóng góp tạo dựng khung khổ pháp lý về kế toán và kiểm toán

Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kế toán Việt Nam hoạt động theo Nghị định và Quyết định của Chính phủ và của Bộ Tài chính. Văn bản pháp lý đầu tiên và có giá trị cao nhất của thời kỳ đầu cải cách kinh tế là Pháp lệnh Kế toán và thống kê do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 1988.

Trước sự đòi hỏi và yêu cầu của kinh tế thị trường, năm 2003 lần đầu tiên Luật Kế toán đã được Quốc hội thông qua, sửa đổi và bổ sung năm 2015, trong đó có điều khoản quy dịnh về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Luật Kiểm toán độc lập được ban hành 2011. Đối với KiTNN, gần 10 năm hoạt động theo Nghị định 70/NĐ-CP của Chính phủ và năm 2005 Luật KiTNN được Quốc hội thông qua, xác định rõ vị thế và tính chất, chức năng và tổ chức hoạt động của KiTNN. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã hiến định về KiTNN trong một điều theo một định chế độc lập. Từ đó, Luật KiTNN đã được sửa đổi bổ sung và hoàn thiện vào các năm 2015, 2019. Hội viên Hiệp hội đã tham gia tích cực, trách nhiệm, có hiệu quả vào quá trình thiết lập các khung khổ pháp lý cho hoạt động kế toán và kiểm toán.

Có thể nói, khuôn khổ Luật pháp về kế toán – kiểm toán Việt Nam đã được thiết lập khá đầy đủ, là cơ sở pháp lý để nghề nghiệp kế toán – kiểm toán Việt Nam vận hành trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập.

Mùa vàng thứ bảy – Đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước

Qua ba kỳ Đại hội, đến năm 2009 và sau đó là 2014, 2019, Hiệp hội lần lượt được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3, hạng 2, hạng 1 về những kết quả đạt được và đóng góp của Hiệp hội: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch Quốc hội) Vương Đình Huệ,… đã đến dự Đại hội và trực tiếp trao phần thưởng cho Hiệp hội.

Hiệp hội đã được VUSTA tặng cờ thi đua các năm 2012, 2013, 2016, 2019, 2022, 2023,… tặng bằng khen. Nhiều lãnh đạo, nhiều hội viên và hội thành viên của Hiệp hội được nhận bằng khen của Bộ Tài chính, VUSTA, KiTNN, Liên đoàn doanh nghiệp Việt Nam.

Trong các năm 2015, 2017, 2019, 2022 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên Thường vụ ban chấp hành đã được vinh danh và tôn vinh là trí thức tiêu biểu toàn quốc của VUSTA.

Mùa vàng thứ tám – Tăng cường hoạt động khoa học, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hội viên

Hiệp hội đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, cho đội ngũ những người làm kế toán, kế toán trưởng, phát triển năng lực hội viên, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới của nghề nghiệp.

Hiệp hội đảm nhận và triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học; chủ trì hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học về tài chính, kế toán và kiểm toán; tham gia xây dựng chính sách, tổ chức các hoạt động tư vấn khoa học, phản biện xã hội, tổ chức hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, các khóa đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp, các lớp huấn luyện, cập nhật kiến thức, chính sách, chế độ mới cho hội viên; tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Hiệp hội quan tâm đặc biệt đến việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của hội viên, thông qua việc ban hành quy chế về đạo đức hành nghề, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và chủ động kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ hành nghề kế toán, kiểm toán, kịp thời động viên khen thưởng các hội viên có thành tích và xử lý nghiêm kỷ luật các tổ chức, cá nhân, các hành vi vi phạm.

Có thể đánh giá, kiến thức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của hội viên đã được nâng cao, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nghề nghiệp. Hầu hết, hội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững bản lĩnh và đạo đức phẩm chất nghề nghiệp. Nhiều hội viên đã trưởng thành, được giao đảm nhận chức trách và vị trí lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, ngành, địa phương và đất nước.

Mùa vàng thứ chín – Tăng cường thông tin, quảng bá nghề nghiệp

Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về Hiệp hội và về nghề nghiệp đã được Hiệp hội, hội viên tiến hành thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức, trên nhiều diễn đàn: Website, Fanpages, Tạp chí, hội nghị, hội thảo,… Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải,  đã phát hành đều đặn, từng bước nâng cao chất lượng cả nội dung và hình thức. Tạp chí luôn tuân thủ tôn chỉ mục đích và chấp hành nghiêm pháp luật, cũng như sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác báo chí, công tác thông tin truyền thông. Tạp chí đã đổi mới về tổ chức, sắp xếp lại và thực hiện đúng quy hoạch báo chí của Chính phủ. Từng bước tăng kỳ hạn và quy mô phát hành, từ 03 tháng 01 số, lên hai tháng và nay phát hành hàng tháng. Từ 48 trang lên 72 trang và nay duy trì đều đặn trên 100 trang/số. Hiệp hội thường xuyên có bài giới thiệu về Việt Nam, về nghề nghiệp kế toán và kiểm toán Việt Nam trên các Tạp chí, các ấn phẩm của tổ chức nghề nghiệp quốc tế , như AFA Conection, AFA  Report…

Mùa vàng thứ mười – Công tác Đảng, công đoàn và công tác xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả

Chi bộ Đảng, Công đoàn cơ sở của Văn phòng Trung ương Hiệp Hội được lãnh đạo Hiệp hội quan tâm hoạt động rất hiệu quả. Liên tục các năm, chi bộ đều được xếp loại là tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng ủy cấp trên khen thưởng. Lãnh đạo chi bộ tham gia  Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Đảng bộ Liên hiệp hội một số khóa và đã hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ. Công đoàn luôn động viên và quan tâm chăm lo người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và quyền lợi của người lao động. Nhiều đoàn viên công đoàn đạt chiến sĩ thi đua. Tập thể  đoàn kết, gắn bó và chấp hành đầy đủ luật pháp Nhà nước, kỷ luật lao động và quy chế làm việc của Hiệp hội.

Hiệp hội thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, luôn hưởng ứng và tham gia tích cực các cuộc vận động do Liên hiệp hội, mặt  trận tổ quốc  và chính quyền địa phương tổ chức, Hiệp hội đã vận động, động viên Hội viên và người lao động đóng góp tích cực cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình vì hải đảo, chương trình phòng chống dịch COVID 19, chương trình khuyến hoc và các hoạt động từ thiện…

Tóm lại, Mười mùa vàng, thể hiện một phần kết quả hoạt động và sự đóng gớp của Hiệp hội. VAA đã nâng cao vị thế của nghề nghiệp kế toán Việt Nam không chỉ trong nước và cả ngoài nước, đã khẳng định vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập của Việt Nam, góp phần tích cực vào sự tin cậy, minh bạch của thông tin kinh tế tài chính, kế toán, của nền tài chính quốc gia.

Bước vào giai đoạn mới, Hiệp hội tiếp tục phấn đấu xây dựng Hiệp hội thực sự “Tin cậy – Chuyên nghiệp – Phát triển”, xứng đáng là tổ chức nghề nghiệp có vị thế trong khu vực Đông Nam châu Á, là thành viên tích cực của tổ chức nghề nghiệp kế toán thế giới