08 7월 6 tháng cuối năm, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp miễn giảm thuế cho người nộp thuế
Ngày 07/7/2022, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính – Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự tại điểm cầu Bộ Tài chính có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo kết quả công tác thuế 6 tháng đầu năm 2022 tại hội nghị.
Quyết liệt thu, chi NSNN đảm bảo cân đối
Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, mặc dù nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm được triển khai trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở một số quốc gia… đã tác động không thuận đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo điều hành của sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu năm, ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính – NSNN đã đề ra. Việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; quyết liệt thu, chi ngân sách kịp thời ứng phó với thiên tai dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính đã góp phần giữ ổn định kinh tế Việt Nam, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành 15/18 đề án nhiệm vụ được giao. Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, xem xét ban hành 9 dự thảo nghị định và 9 đề án khác. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, xem xét ban hành 1 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 37 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính – NSNN, miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN. Đồng thời, đã bám sát yêu cầu của thực tiễn, kịp thời đề xuất ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và các đại biểu tham dự hội nghị.
Công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi NSNN, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Về chi NSNN, thực hiện 6 tháng chi NSNN ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Cơ cấu thu ngân sách đã có chuyển biến tích cực
Phát biểu làm rõ hơn về tình hình thu ngân sách do ngành Thuế quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đạt kết quả cao, bằng 66,5% dự toán. Có 60/63 địa phương và 16/19 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 50% dự toán). Nếu tính riêng chỉ tiêu thuế phí thì có 58/63 địa phương đạt trên 50% dự toán. Trong cơ cấu thu, nguồn thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (chiếm trên 50,5% tổng thu nội địa) nhiều năm qua đạt thấp (năm 2020 chỉ đạt 38,8%, năm 2021 chỉ đạt 57,3%) thì trong 6 tháng đầu năm nay cũng đạt khá: tổng thu 376,5 ngàn tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán, có 54/63 địa phương đạt trên 50% dự toán.
Với kết quả trên đã góp phần thúc đẩy tổng thu NSNN trong 6 tháng qua tăng cao; cơ cấu thu ngân sách có những chuyển biến tích cực. Tổng thu do cơ quan thuế quản lý chiếm tỷ trọng trên 83% tổng thu NSNN, nguồn tăng thu chủ yếu từ nội lực nền kinh tế.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, đạt được kết quả tích cực nêu trên là nhờ sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với đó là việc cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ đã tạo đà tăng trưởng cao cho nền kinh tế (GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%). Bên cạnh đó là việc triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa tiền tệ của Bộ Tài chính cũng đã tác động tích cực đến nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Thuế.
Đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế tham dự hội nghị.
Những ngành, lĩnh vực kinh tế trong quý 3, quý 4 năm 2021 bị đình trệ, ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, thì 6 tháng đầu năm nay đã có sự phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách như: thu từ khai khoáng tăng trên 20%; thu từ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tăng 14%; thu từ dịch vụ kho bãi, vận chuyển, lưu trú tăng trên 18%; thu từ hoạt động dịch vụ tài chính ngân hàng bảo hiểm tăng xấp xỉ 10%;… đã góp phần thúc đẩy tăng thu khá từ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cơ cấu thu tăng trưởng bền vững hơn.
Kết quả thu tích cực trên của ngành Thuế đã góp phần đảm bảo trong việc đảm bảo an ninh, an toàn nền Tài chính quốc gia và ngân sách có thêm nguồn lực để chi cho an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ miễn giảm thuế
Mặc dù nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục, thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá, tuy nhiên nền kinh tế vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch Covid-19 với nguy cơ quay trở lại do những biến chủng mới; áp lực lạm phát tăng cao… Do đó, theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, trong những tháng cuối năm, ngành Thuế sẽ phải tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm trong chương trình hồi phục, phát triển kinh tế xã hội.
Theo đó, tổng gói hỗ trợ miễn giảm thuế trong gói hồi phục là khoảng 64.000 tỷ đồng và khoảng 2/3 trong số đó sẽ giảm vào 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, ngành Thuế sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 50% thuế BVMT làm giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng; Đồng thời, để tiếp tục hỗ trợ, kiểm soát giá xăng dầu, giảm kịch khung thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu làm giảm thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây sẽ là những áp lực lớn trong việc hoàn thành vượt mức dự toán thu của ngành Thuế năm 2022.
Để đảm bảo triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao năm 2022, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, ngành Thuế đã đề ra 8 nhiệm vụ và 19 nhóm giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế năm 2022, trong đó tập trung các giải pháp gồm: triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao là 1.174.900 tỷ đồng