Áp dụng HĐĐT cho từng lần bán hàng: Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban, ngành và chính quyền địa phương

Áp dụng HĐĐT cho từng lần bán hàng: Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban, ngành và chính quyền địa phương

Sau gần 5 tháng triển khai, đến nay 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng. Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, để tiếp tục áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng, ngoài việc hoàn thiện chính sách pháp luật, rất cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của UBND các địa phương và các ngành chức năng liên quan.

100% cửa hàng xăng dầu áp dụng

Thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu của Việt Nam được thực hiện thông qua khoảng gần 16.000 cửa hàng bán lẻ, bao gồm: trên 6.700 cửa hàng của 36 doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu, chiếm 41,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu cả nước; gần 9.300 cửa hàng của các thương nhân phân phối xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, chiếm 58,1%.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1123/CĐ- TTg chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT, mới chỉ có 2.700 cửa hàng thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Các DN bán lẻ xăng dầu khác mặc dù đã thực hiện phát hành HĐĐT, nhưng chưa thực hiện được việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng theo quy định.

Thông tin về kết quả thực hiện, đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, giai đoạn đầu thực hiện cũng có những khó khăn liên quan đến việc các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát sinh thêm chi phí đầu tư, thói quen tiêu dùng của người dân không lấy hóa đơn khi mua hàng… Ngoài ra, trong thời gian đầu triển khai, các DN kinh doanh xăng dầu có tâm lý nghe ngóng, trì hoãn trong thực hiện.

Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, trực tiếp hỗ trợ đến từng cửa hàng của cơ quan thuế và các cơ quan liên quan tại địa phương, phần lớn các DN bán lẻ xăng dầu đều nhận thức được trách nhiệm và nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng quy định về hóa đơn, chứng từ tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.

Sau gần 5 tháng triển khai, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng hành của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự chủ động, quyết tâm của các DN, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đến nay cơ bản các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Thống kê đến nay, toàn quốc đã có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đạt 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về hóa đơn điện tử

Chia sẻ thêm về công tác triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, Tổng cục Thuế đã ban hành 8 công văn chỉ đạo Cục Thuế địa phương triển khai thực hiện; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc yêu cầu 63 Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy triển khai phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã họp với các bộ, ngành liên quan, một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, DN cung cấp giải pháp để trao đổi, phân tích những yếu tố thuận lợi, khó khăn, những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể của các đơn vị để thực hiện thành công việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.

Còn tại từng địa phương, các Cục Thuế đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nắm bắt thực trạng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể gắn với từng địa bàn.

Theo Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, để quy định về HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu được thực hiện thống nhất, xuyên suốt và đi vào cuộc sống, về mặt chính sách, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham mưu các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện các quy định về HĐĐT theo hướng quy định DN kinh doanh xăng dầu phải thực hiện truyền nhận tự động dữ liệu HĐĐT về cơ quan thuế theo từng lần bán hàng.

Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần đưa quy định phát hành HĐĐT từng lần bán hàng là điều kiện bắt buộc để cấp phép; bổ sung các chế tài xử phạt tương ứng trong trường hợp cửa hàng có hành vi vi phạm quy định về HĐĐT.

Về mặt quản lý, các Cục Thuế, chi cục thuế thường xuyên kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng hóa đơn đối với việc xuất bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhất là các DN có số lượng cây xăng lớn kinh doanh trên địa bàn ở nhiều huyện, nhiều tỉnh mà có sản lượng bán ra lớn, đang sử dụng giải pháp xuất HĐĐT xăng dầu bằng máy POS, có dấu hiệu nợ tiền thuế…

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiển tra giám sát công tác vận hành HĐĐT và kịp thời tham mưu UBND để chỉ đạo vận hành tổ công tác liên ngành thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát đo lường sản lượng xăng dầu bán ra với số lượng HĐĐT xuất ra theo từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật.

Theo kinh nghiệm quốc tế, để phát huy tối đa hiệu quả của HĐĐT trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu, cần bảo đảm tính kết nối, liên thông giữa hạ tầng thuế, thanh toán, ngân hàng, định danh cá nhân. Theo đó, cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán mua xăng dầu và sử dụng mã số định danh (số điện thoại trên tài khoản định danh điện tử, hoặc mã số định danh cá nhân và xác thực điện tử), qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi thực hiện mua xăng dầu