Áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tóm tắt

Phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC được coi là phương pháp ưu việt, giúp doanh nghiệp (DN) tăng hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Trên địa bàn TP. Hà Nội, với số lượng khoảng gần 360.000 DN đa dạng về quy mô, ngành nghề và lĩnh vực hoạt động, thì việc nghiên cứu khả năng áp dụng phương pháp ABC vào các DN là vô cùng cần thiết. Bài viết này nhằm mục đích khái quát về phương pháp ABC, đặc điểm của các DN trên địa bàn TP. Hà Nội và những nhân tố có thể ảnh hưởng đến khả năng áp dụng phương pháp ABC tại các DN này.

Từ khóa: phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động, ABC, doanh nghiệp.

Abstract

The activity-based costing (ABC) method is considered a superior method to help businesses increase operational efficiency and competitiveness. In the area of Hanoi City, with the number of nearly 360,000 businesses, diverse in size, industries and fields of activity, it is extremely necessary to study the ability to apply the ABC method to businesses. This article aims to give an overview of ABC method, characteristics of enterprises in Hanoi city and factors that may affect the ability to apply ABC method in these enterprises.

Keywords: activity-based costing, ABC, enterprises.

JEL Classifications: M40, M42, M49.

  1. Khái niệm và đặc điểm của phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC

Phương pháp kế toán chi phí theo hoạt động lần đầu tiên được Thomas Johnson, Robin Cooper và Robert Kaplan đề cập đến trong cuốn “Relevance Lost: The Rise and Fall of Management Accounting” (1987) như một phương pháp cải thiện việc tính toán chi phí. Từ đó, có khá nhiều khái niệm về phương pháp ABC được đưa ra và mỗi học giả trên thế giới có một khái niệm khác nhau.

Theo Krumwiede và Roth (1997) phương pháp kế toán chi phí dựa trên cơ sở hoạt động (ABC) là một hệ thống kế toán quản trị tập trung đo lường chi phí, các hoạt động, sản phẩm, khách hàng và các đối tượng chi phí. Phương pháp này phân bổ chi phí cho các đối tượng chi phí, dựa trên số lượng hoạt động sử dụng bởi đối tượng chi phí đó.

Blocher và cộng sự (2008) cho rằng, ABC là phương pháp xác định chi phí dựa trên các hoạt động căn cứ vào mối quan hệ giữa chi phí và hoạt động tạo ra chi phí, bao gồm việc xác định các hoạt động và chi phí nguồn lực. Sau đó, tập hợp các nguồn lực vào hoạt động và phân bổ chi phí từ các hoạt động cho đối tượng tập hợp chi phí theo mức độ sử dụng hoạt động của đối tượng.

Có thể thấy, ABC được nhiều tác giả định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều có thể hiểu là phương pháp đo lường chi phí và hiệu quả của các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ, trên cơ sở các nguồn lực sử dụng bởi nhiều hoạt động, để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

  1. Phương pháp ABC có một số đặc điểm chính

Thứ nhất, hoạt động được coi là trung tâm

Hệ thống ABC tập trung vào hoạt động (Activity) như là trung tâm để tập hợp chi phí. Thay vì phân bổ chi phí dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ, ABC phân tích các hoạt động thành các đơn vị cơ bản nhất, nhằm hiểu rõ hơn các yếu tố gây ra chi phí và tạo ra giá trị. Các hoạt động này có thể bao gồm: thiết kế sản phẩm, thiết lập dây chuyền sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý đơn hàng và còn nhiều hoạt động khác liên quan đến quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.

Thứ hai, phân bổ chi phí dựa trên nguyên nhân dẫn đến độ chính xác cao hơn

Sau khi xác định các hoạt động, ABC tiến hành gán các chi phí liên quan đến mỗi hoạt động đó, ví dụ như: chi phí lao động, chi phí máy móc, vật tư hay các chi phí khác được sử dụng. Việc gán chi phí này giúp xác định chi phí thực sự mà mỗi hoạt động tạo ra. Từ đó, phân bổ chi phí chính xác hơn cho từng sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên mức độ sử dụng hoạt động đó.

Thứ ba, nhận định được các hoạt động không gia tăng thêm giá trị

Phân tích ABC, giúp DN nhận ra các hoạt động không gia tăng thêm giá trị (non-value-added activities) trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Các hoạt động này không đóng góp vào sự tạo ra giá trị cho khách hàng hoặc không có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng lại tạo ra chi phí không cần thiết.

Thứ tư, khả năng áp dụng rộng rãi

Mặc dù, ABC ban đầu được phát triển để áp dụng trong ngành sản xuất, nhưng phương pháp này đã chứng tỏ tính hiệu quả và đáng tin cậy trong nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau, bao gồm dịch vụ, y tế và bán lẻ.

Thứ năm, yêu cầu về dữ liệu và công nghệ

Để triển khai ABC một cách hiệu quả, DN cần có dữ liệu chi tiết về các hoạt động trong quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, bao gồm: các bước công việc, tài nguyên sử dụng (nhân công, máy móc, vật tư) và thời gian thực hiện mỗi hoạt động. Dữ liệu này cần được thu thập và phân tích từ các nguồn khác nhau trong DN. Chẳng hạn như: hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống ERP (Enterprise resource planning), hệ thống kế toán, hệ thống quản lý nhân sự và các hệ thống khác.

Thứ sáu, tăng chi phí quản lý

Việc triển khai ABC đòi hỏi những thông tin chi tiết, điều này dẫn đến yêu cầu tham gia chặt chẽ của các bộ phận trong DN và có thể yêu cầu thuê chuyên gia hoặc nhà tư vấn để hỗ trợ trong quá trình triển khai. Đào tạo nhân viên và cải tiến quy trình quản lý cũng là những yếu tố vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo việc thực hiện ABC thành công. Những yêu cầu này, tất yếu dẫn đến việc tăng chi phí quản lý cho DN.

  1. Việc áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC tại các quốc gia trên thế giới

Thực trạng áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể kể đến một số nghiên cứu nổi bật sau đây:

Công trình của tác giả Innes và cộng sự (2000) khảo sát 1000 tổ chức khác nhau về sự đồng tình vận dụng hệ thống ABC và xây dựng mô hình để các tổ chức này áp dụng trong thực tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có rất ít các công ty muốn áp dụng ABC thay hệ thống cũ. Phần lớn các công ty chấp nhận hệ thống ABC, là các công ty có quy mô lớn và hoạt động chủ yếu trong các ngành thuộc lĩnh vực tài chính.

Azzouz (2012) tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm tại Morocco, bao gồm 62 DN đặt trụ sở tại quốc gia này, nhằm khảo sát mức độ áp dụng phương pháp ABC. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ áp dụng phương pháp kế toán quản trị ABC ở Morocco là tương đối cao, đạt khoảng 12,9%. Trong đó, tỷ lệ áp dụng ABC ở các DN lớn là 21,87%, ở các DN vừa và nhỏ là 3,33%, các DN công nghiệp đạt tỷ lệ 14,58% và các DN khác đạt tỷ lệ 7,14%.

Rundora và cộng sự (2013) thực hiện một cuộc điều tra thực nghiệm bằng phương pháp khảo sát về phương pháp ABC, nhằm thay thế cho phương pháp chi phí truyền thống trong các công ty sản xuất nhỏ ở khu vực Nam Gauteng, Nam Phi. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các công ty áp dụng ABC có thời gian hoạt động lâu hơn nhiều so với các công ty không áp dụng và các công ty sử dụng phương pháp ABC có quy mô (về số lượng nhân viên) lớn hơn đáng kể so với các công ty không sử dụng phương pháp này.

Tại Trung Quốc, Wu (2020) nghiên cứu việc áp dụng ABC trong sản xuất, với mục đích tìm hiểu tác động của ABC đến khả năng kiểm soát chi phí và hiệu quả hoạt động của DN sản xuất. Sau khi thu thập mẫu gồm 163 DN, các tác giả chỉ ra rằng, việc áp dụng ABC đã giúp các DN cải thiện khả năng kiểm soát chi phí, nâng cao độ chính xác trong tính toán giá thành sản phẩm và đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, việc áp dụng ABC còn có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của DN, thông qua việc tối ưu hóa các quá trình sản xuất và quản lý chi phí.

Mowery (2021) cũng thực hiện việc nghiên cứu áp dụng ABC tại các tổ chức y tế tại Mỹ. Sau khi thu thập thông tin từ 231 tổ chức, các tác giả khẳng định việc áp dụng ABC có thể giúp cải thiện quản lý chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc triển khai phương pháp này cũng đòi hỏi nhiều tài nguyên và sự cam kết từ các tổ chức để đạt được kết quả tốt nhất.

Gần đây, tại các nước đang phát triển như ở Malaysia, Rosli và Shamsuddin (2009) đã chỉ ra rằng, ABC được áp dụng trong một số lĩnh vực nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm của nhân viên; tương tự, ở Thái Lan, ABC cũng được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp, tuy nhiên việc triển khai gặp nhiều thách thức do thiếu nguồn lực và kinh nghiệm (Tantaloongankul và Vongtanaboon, 2012); tại Indonesia, ABC giúp các DN tăng cường khả năng dự đoán chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường khả năng cạnh tranh (Wijayanti et al. 2020).

Tại Việt Nam, nhiều học giả cũng tiến hành nghiên cứu về phương pháp ABC ở những ngành nghề khác nhau: tác giả Nguyễn Đức Thịnh và Đỗ Xuân Đạt (2016) đã mô tả chi tiết về quá trình áp dụng phương pháp ABC tại Công ty TNHH Một thành viên may mặc TNG, bao gồm việc xác định các hoạt động sản xuất, phân bổ chi phí cho các hoạt động đó, tính toán chi phí sản xuất cho từng sản phẩm và so sánh với phương pháp truyền thống, để đánh giá tác động của phương pháp ABC. Kết quả cho thấy, việc áp dụng phương pháp ABC đã giúp công ty cải thiện khả năng quản lý chi phí, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu cũng đề cập đến những thách thức và hạn chế trong việc áp dụng phương pháp ABC tại công ty sản xuất may mặc này, cùng với những giải pháp để vượt qua những khó khăn đó.

Như vậy, có thể thấy rằng, những nghiên cứu ở trên đều cho thấy ABC vẫn là một phương pháp quản lý chi phí hiệu quả và có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau để cải thiện hiệu quả hoạt động của DN. Tuy nhiên, việc áp dụng ABC cũng đòi hỏi một nỗ lực đầu tư ban đầu để xây dựng hệ thống chi phí theo hoạt động và đào tạo nhân viên trong việc sử dụng phương pháp này.

  1. Việc áp dụng phương pháp tập hợp chi phí theo hoạt động ABC tại các DN trên địa bàn TP. Hà Nội

Tổng quan về các DN trên địa bàn TP. Hà Nội

Theo số liệu thống kê trên cổng thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HN, tính đến ngày 30/4/2023, tổng số DN trên địa bàn TP. Hà Nội lên đến 359.351 DN.

Các DN tại TP. HN có những đặc điểm chung đáng chú ý.

Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam và trung tâm kinh tế lớn

Thu hút đa dạng loại hình DN từ lớn đến nhỏ và từ công ty đa quốc gia đến DN tư nhân. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều DN lớn và quốc tế, với vị trí chiến lược là trung tâm hành chính, văn hóa và chính trị của quốc gia, thành phố này thu hút nhiều tập đoàn và công ty nổi tiếng từ khắp nơi.

Sự đa dạng trong kinh doanh tại Hà Nội rất phong phú

Các DN hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp, như công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản, du lịch và sản xuất. Đặc biệt, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghệ của Việt Nam nổi bật với nhiều lĩnh vực, như phần mềm hay trí tuệ nhân tạo.

Môi trường kinh doanh tại Hà Nội luôn thay đổi nhanh chóng và cạnh tranh

Điều này đòi hỏi, các DN phải linh hoạt và thích nghi để đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu mới và thay đổi thị trường. Các công ty tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang trở thành trung tâm khởi nghiệp sôi động với sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ và các cộng đồng DN địa phương. Sự phát triển của các DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ và tài chính, giáo dục và thương mại, đang thay đổi cách thức kinh doanh và làm việc của cả thành phố.

Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và xã hội

Các DN tại đây, ngày càng nhận thức cao về trách nhiệm xã hội và cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh của họ không gây hại cho môi trường và xã hội. Đồng thời, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng địa phương.

Văn hóa DN tại Hà Nội cũng đa dạng

Thành phố là nơi gặp gỡ và hội tụ của nhiều người, từ các vùng miền, dân tộc và quốc gia khác nhau, do đó văn hóa DN tại đây đa dạng và đa chiều. Sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và phong cách quản lý hiện đại, đang tạo ra sự đa dạng và độc đáo trong cách DN hoạt động và phát triển.

Thị trường kinh doanh tại Hà Nội thay đổi một cách nhanh chóng và cạnh tranh

Các DN tại đây cần phải linh hoạt và thích nghi, để đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới và thay đổi thị trường. Khả năng thích ứng và linh hoạt trong quản lý chi phí và hoạt động là rất quan trọng, để giữ vững và phát triển trong môi trường kinh doanh thay đổi liên tục này.

Trong tương lai, DN tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ thông tin và đổi mới sẽ tiếp tục là một yếu tố quan trọng giúp các DN cải thiện hiệu quả sản xuất.

Các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng ABC tại các DN trên địa bàn TP. HN

Việc vận dụng phương pháp ABC tại các DN trên địa bàn TP. HN bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Độ phức tạp và đa dạng của hoạt động kinh doanh

  1. Hà Nội có môi trường kinh doanh đa dạng và phức tạp với nhiều DN hoạt động trong các ngành nghề khác nhau, như: công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản, sản xuất và dịch vụ. Sự đa dạng này tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, mỗi hoạt động lại có chi phí ảnh hưởng một cách riêng biệt đến sản phẩm hoặc dịch vụ của DN. Do đó, việc xác định và phân bổ chi phí cho từng hoạt động trở nên phức tạp và quan trọng khi áp dụng phương pháp ABC.

Quy mô và loại hình DN

  1. Hà Nội có đa dạng quy mô và loại hình DN từ các DN nhỏ và vừa đến các tập đoàn đa quốc gia. Việc triển khai ABC có thể khác nhau tùy thuộc vào quy mô và tính chất của DN. Các DN lớn có quy mô hoạt động rộng lớn, nhiều bộ phận hoạt động độc lập, cần sử dụng ABC để xác định rõ ràng và chính xác các chi phí của từng hoạt động. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa có thể không cần thiết sử dụng ABC nếu hoạt động của họ đơn giản và dễ dàng phân bổ chi phí.

Độ tin cậy của dữ liệu và hệ thống thông tin

Áp dụng ABC yêu cầu dữ liệu chi tiết và chính xác về các hoạt động và chi phí của DN, một số DN tại Hà Nội đã đầu tư vào hệ thống thông tin quản lý tiên tiến, cung cấp dữ liệu đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, không phải tất cả các DN đều có sẵn dữ liệu đáng tin cậy để thực hiện ABC. Nếu dữ liệu không đủ hoặc không chính xác, việc triển khai ABC sẽ bị hạn chế và không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Đồng thuận từ lãnh đạo và nhân viên

Để triển khai ABC thành công, sự đồng thuận và ủng hộ từ lãnh đạo và nhân viên trong DN là rất quan trọng. Lãnh đạo phải nhận thức về lợi ích và giá trị của phương pháp này và cam kết hỗ trợ quá trình triển khai. Nhân viên cần được đào tạo và hướng dẫn, để hiểu và tham gia vào việc thu thập dữ liệu và thực hiện ABC. Điều này đòi hỏi sự tận tâm và thời gian đáng kể, để đảm bảo sự thành công của ABC tại các DN.

Nguyên tắc kế toán và quy định thuế

Các DN tại Hà Nội, phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán và quy định thuế địa phương và quốc gia. Việc áp dụng ABC có thể ảnh hưởng đến cách tính toán chi phí và báo cáo tài chính. Do đó, DN cần phải đảm bảo sự tuân thủ và hợp pháp của phương pháp ABC với các quy định và quy định liên quan.

Chi phí và thời gian triển khai

Áp dụng ABC đòi hỏi đầu tư về chi phí và thời gian, các DN cần xem xét, đánh giá chi phí và lợi ích của việc triển khai ABC trước khi quyết định áp dụng. Ngoài ra, việc thực hiện ABC cũng yêu cầu thời gian để thu thập và xử lý dữ liệu, đào tạo nhân viên và triển khai phương pháp. Điều này đòi hỏi sự cam kết lâu dài từ DN, để đảm bảo sự thành công của quá trình triển khai.

Như vậy, nhìn chung ABC được khẳng định là một phương pháp ưu việt và có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho các DN hơn phương pháp chi phí truyền thống. Tuy nhiên, thực tế áp dụng phương pháp này tại các DN trên thế giới nói chung và địa bàn TP. Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, khiến ABC chưa thực sự được áp dụng rộng rãi. Việc tìm hiểu sâu xa nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp khắc phục là cần thiết, để hỗ trợ các DN thúc đẩy phương pháp quản trị chi phí hiện đại này.

 

Tài liệu tham khảo

 

Azzouz Elhamma, 2012. The activity based costing in Morocco: Adoption and diffusion, arabian journal of business and management review, Vol 1. No 6, page 80-87.

Blocher, E., Stout, D.E., Cokins, G. & Chen, K. (2008). Cost management: A strategic emphasis. NewYork: McGraw-Hill/Irwin.

Innes, J., Mitchell, F., & Sinclair, D. (2000). Activity-based costing in the UK’s largest companies: a comparison of 1994 and 1999 survey results. Management Accounting Research, 11(3), 349-362