Bộ Tài chính trả lời về phí dịch vụ chứng thực chữ ký số

Bộ Tài chính trả lời về phí dịch vụ chứng thực chữ ký số

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (doanh nghiệp CA) về một số bất hợp lý của Thông tư 305/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, Bộ Tài chính đã có thông tin phản hồi vấn đề này.

Về căn cứ ban hành Thông tư 305/2016/TT-BTC

Tại Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí có tên Phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số (Điểm 7 Mục VI) và giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính quy định chi tiết.

Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí quy định các Bộ, ngành có trách nhiệm: “Tiếp nhận đề nghị của tổ chức thu phí, lệ phí thuộc quản lý ngành, lĩnh vực quản lý; thẩm định và có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định thu phí, lệ phí”.

Căn cứ quy định nêu trên, ngày 30/6/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 2192/BTTTT-KHTC (kèm theo Đề án) gửi Bộ Tài chính đề nghị ban hành Thông tư quy định về phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số, trong đó đề xuất đối tượng nộp phí là các tổ chức được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Tại Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số quy định, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có nghĩa vụ: “Nộp phí và lệ phí cấp phép theo quy định”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Thông tư 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp CA là người nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là có cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền quy định tại Điểm 7 Mục VI Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, phù hợp với Khoản 1, Điều 3 Luật Phí và lệ phí và Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

Khách hàng của doanh nghiệp CA không phải nộp phí

Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định, hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh.

Trên thực tế, doanh nghiệp CA đang cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, thu theo cơ chế giá dịch vụ. Theo đó, khách hàng của doanh nghiệp CA đang trả cho doanh nghiệp CA khoản tiền giá dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Khoản 3, Điều 4 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia (Root Certification Authority) là tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng.

Theo Khoản 3, Điều 38 Nghị định này, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có nghĩa vụ “Nộp phí và lệ phí cấp phép theo quy định”.

Điều 57 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định,”… tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia đóng vai trò như một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đóng vai trò các thuê bao”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định doanh nghiệp CA là người nộp phí là có cơ sở pháp lý, đúng với quy định tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

Ngoài ra, tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP không quy định khách hàng của doanh nghiệp CA có nghĩa vụ nộp phí, mà chỉ quy định tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng có nghĩa vụ “Nộp phí và lệ phí cấp phép theo quy định”, do đó tại Đề án của Bộ Thông tin và Truyền thông không đề nghị thu phí đối với các chủ thể khác ngoài doanh nghiệp CA.

Nếu quy định khách hàng của doanh nghiệp CA cũng phải nộp phí là thu trùng và không đúng với quy định của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP vì khách hàng của doanh nghiệp CA đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp CA theo cơ chế giá, nếu phải nộp thêm khoản phí này sẽ là thu 2 khoản, không phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí.

Cách tính phí dịch vụ

Tại Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí có tên Phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số (Điểm 7 Mục VI) và giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính quy định chi tiết.

Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định, “Chứng thư số” là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp. Chứng thư số bao gồm 9 nội dung, trong đó có chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định tại Khoản 6, Điều 10 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP là nội dung quan trọng nhất của chứng thư số.

Như vậy, trên mỗi chứng thư số mà doanh nghiệp CA cấp cho khách hàng phải có chữ ký số của doanh nghiệp CA là điều kiện bắt buộc.

Theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và Đề án thu phí của Bộ Thông tin và Truyền thông thì các doanh nghiệp CA là khách hàng của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia. Việc sử dụng dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số của các doanh nghiệp CA do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cung cấp cụ thể như sau:

Doanh nghiệp CA là đơn vị kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số. Mỗi lần doanh nghiệp CA cấp (bán) chứng thư số cho thuê bao, doanh nghiệp CA phải ký số lên chứng thư số bán ra cho thuê bao.

Để bảo đảm giá trị pháp lý, chữ ký số của doanh nghiệp CA phải được tạo ra trong thời gian chứng thư số tương ứng có hiệu lực và được kiểm tra bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số tương ứng có hiệu lực đó.

Vì vậy, kiểm tra trạng thái chứng thư số của các doanh nghiệp CA thực chất là để xác thực chữ ký số của các doanh nghiệp CA trên chứng thư số mà các doanh nghiệp CA cấp cho khách hàng, đang được lưu trên hệ thống kỹ thuật do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia duy trì (do phần mềm ứng dụng ký số thực hiện tự động).

Do đó, quy định mức phí tại Thông tư số 305/2016/TT-BTC thu vào chữ ký số của doanh nghiệp CA là phù hợp về kỹ thuật vận hành duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, điều hành, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử và Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

Ngày 10/4/2017, Bộ Tài chính có Công văn số 4691/BTC-CST trả lời các doanh nghiệp CA, trong đó có nêu: “Theo quy định tại Khoản 6, Điều 10 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, trên mỗi chứng thư số cấp cho khách hàng (thuê bao) có chữ ký số của doanh nghiệp CA.

Doanh nghiệp CA cấp chứng thư số cho khách hàng và thu tiền theo hợp đồng, trong khi doanh nghiệp CA sử dụng dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số do Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cung cấp. Do đó, doanh nghiệp CA nộp phí cho chữ ký số ký trên các chứng thư số của khách hàng. Cách tính phí được xác định là 3.000 đồng/chữ ký số/tháng theo quy định của Thông tư số 305/2016/TT-BTC là phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí và Luật Giao dịch điện tử.

Cách tính này tương đương với việc tính theo số lượng chứng thư số của mỗi doanh nghiệp CA đã cấp cho khách hàng đang còn hiệu lực sử dụng, mỗi chứng thư số là 3.000 đồng/tháng”.

Theo đó, mức phí 3.000 đồng/chữ ký số/tháng là tính theo chữ ký số của doanh nghiệp CA ký trên chứng thư cho khách hàng.

Nộp phí từ quý 3/2017

Khoản 1, Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật như sau:

“Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước Trung ương;…”.

Thông tư 305/2016/TT-BTC được ban hành ngày 15/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 (bảo đảm đúng thời gian từ ngày ký ban hành và ngày có hiệu lực của văn bản không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký) và thu phí đối với dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số từ ngày 1/1/2017 do Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia cung cấp.

Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành từ năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 14/3/2007. Tại Khoản 3, Điều 38 Nghị định này quy định, doanh nghiệp CA phải nộp phí theo quy định.

Thông tư 305/2016/TT-BTC được ban hành căn cứ vào Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, Luật Phí và lệ phí (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017). Thông tư số 305/2016/TT-BTC được ban hành ngày 15/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, không quy định hiệu lực trở về trước hoặc áp dụng trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

Đối với chứng thư số mà doanh nghiệp CA cấp cho khách hàng trước ngày 1/1/2017, Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định thực hiện nộp phí từ quý 3 năm 2017 là nhằm mục đích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CA. Vì vậy, các doanh nghiệp CA thực hiện đúng quy định của Luật Phí và lệ phí và các văn bản hướng dẫn.

Trường hợp có khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đề nghị doanh nghiệp CA cung cấp thêm thông tin, số liệu để Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu có giải pháp xử lý phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn