25 3월 Cải cách thuế giai đoạn 2016-2018: cắt giảm 248 đầu mối quản lý
Trong giai đoạn 2016-2018, toàn hệ thống thuế đã triển khai kế hoạch cải cách quản lý thuế trung hạn, qua đó đã hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý, đơn giản và cắt giảm nhiềuTTHC, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, DN.
Đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ thiết thực cho DN
Trong báo cáo kết quả cải cách thuế giai đoạn 2016-2018 vừa được Tổng cục Thuế công bố, hệ thống chính sách thuế đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng bao quát cơ bản các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; đảm bảo cân đối thu chi phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ huy động ngân sách bình quân trên GDP đạt 24,9% (giai đoạn 2011-2015 là 23,4%), trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 21,0% GDP, giảm so với giai đoạn 2011-2015 (21,6%). Cơ cấu thu NSNN có chuyển biến tích cực với thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao, đạt 76,6% tổng thu NSNN (giai đoạn 2006-2010 là 58,9%, giai đoạn 2011-2015 là 67,8%), cơ bản đảm bảo theo đúng định hướng chiến lược cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm do tham gia hội nhập quốc tế và sự lên xuống thất thường của giá dầu.
Bên cạnh việc quản lý sát nguồn thu, ngành thuế đã có những bước tiến lớn trong cải cách thể chế. Theo đó thời gian qua, ngành thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, giảm tần suất kê khai, nộp thuế, giảm chi phí cho người nộp thuế. Toàn ngành đã rà soát, hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro, xây dựng và hoàn thiện các quy định chống chuyển giá, chế độ kế toán nội địa.
Ba năm vừa qua cũng là giai đoạn ngành thuế đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ điện tử trên toàn quốc. Với kết quả hết năm 2018 đã có 697.963 DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,83%; 686.315 DN hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và 673.516 DN hoàn thành việc đăng ký với ngân hàng, chiếm tỷ lệ 96,33% trên tổng số DN đang hoạt động. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các DN đã thực hiện 3.028.980 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 583.597 tỷ đồng.
Những kết quả cải cách đó đã được các cấp, các ngành, cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2018 (DB2018) được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10/2017, mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với DB2017). Trong đó, chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc so với DB2017, từ xếp hạng vị trí 167 lên xếp hạng vị trí 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp cải cách về thuế được ghi nhận tích cực trong Báo cáo môi trường kinh doanh.
Thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả bộ máy
Trong giai đoạn 2016-2018, ngành thuế đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tăng cường năng lực thực thi, triển khai nhiệm vụ, tinh gọn đầu mối, phù hợp với công tác quản lý và tình hình thực tế tại từng địa bàn. Theo đó, ngành thuế đã tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản pháp quy nhằm cụ thể hoá Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg với mục tiêu đến hết năm 2020 thu gọn còn 420 chi cục thuế, giảm 291 chi cục. Trong năm 2018, đã triển khai điểm tại 6 cục thuế với việc hợp nhất 34 chi cục thuế thành 16 chi cục thuế khu vực. Kết quả triển khai thí điểm sẽ là căn cứ thực tiễn quan trọng để ngành thuế xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp chi cục thuế khu vực 57 cục thuế còn lại. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tiếp tục thực hiện tinh gọn đầu mối các phòng thuộc Tổng cục Thuế, cục thuế và các đội thuế thuộc chi cục thuế. Tính đến 31/12/2018, bộ máy của toàn ngành gồm có 17 vụ, đơn vị và 3 ban mềm với 20 phòng tại cơ quan Tổng cục Thuế (giảm 27 Phòng), 63 cục thuế các tỉnh, thành phố với 789 phòng, 693 chi cục thuế và 4.870 đội thuế. (giảm 18 chi cục thuế và 203 đội thuế).
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg, ngành thuế đã trình Bộ Tài chính xem xét, đề xuất tiếp tục duy trì và kiện toàn bộ phận quản lý rủi ro với tư cách là đơn vị độc lập để thực hiện chức năng quản lý một cách đồng bộ và thống nhất; kiện toàn Vụ Pháp chế tại Tổng cục Thuế và giao nhiệm vụ pháp chế thuộc phòng tổng hợp, nghiệp vụ dự toán tại 63 cục thuế; bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với Vụ Kê khai và kế toán thuế tại Tổng cục Thuế và kiện toàn bộ máy kế toán thuế nội địa của cơ quan thuế các cấp, dự kiến đồng bộ với chế độ kế toán thuế nội địa trong toàn ngành thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế đã điều chỉnh dần cơ cấu công chức theo chức năng và theo đối tượng quản lý, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với các cấp quản lý.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành thuế là một trong những đơn vị đi đầu trong đẩy mạnh cải cách hành chính. Điều này đã được minh chứng trong kết quả đánh giá về mức độ thuận lợi về thuế qua các năm. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để ngành thuế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách và thể chế quản lý trong thời gian tới phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội trong nước và thông lệ quốc tế./.
Trung Kiên
Tapchithue