Cán bộ, công chức thuế phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ

Cán bộ, công chức thuế phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ

Đây là một trong những yêu cầu chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, Tổng cục trưởng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2024, cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực.

Cán bộ, công chức trong toàn ngành Thuế tăng cường việc chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ và xây dựng môi trường, tác phong làm việc chuyên nghiệp

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ

Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Thuế cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức thuế; kiểm tra việc khắc phục, thực hiện kết luận kiểm tra nội bộ của cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các đơn vị cần quán triệt cán bộ, công chức tăng cường việc chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; Thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm; Xây dựng môi trường, tác phong làm việc chuyên nghiệp và triển khai có hiệu quả đường dây nóng của Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp.

Nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024 cho thấy còn nhiều những khó khăn, thách thức, Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan thuế các cấp bên cạnh việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ cần triển khai tốt công tác quản lý thu, chống thất thu và khai thác tăng thu đối với những nguồn thu, lĩnh vực thu, khoản thu có tiềm năng như kinh doanh thương mại điện tử, chống chuyển giá, chống gian lận hóa đơn điện tử,…

Đồng thời toàn ngành tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai số hóa toàn diện và triển khai các giải pháp đã được đề ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 để triển khai công tác quản lý thuế chặt chẽ, không để thất thoát nguồn thu, từ đó góp phần tăng thu cho ngân sách của Nhà nước phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành

Tổng cục Thuế cho biết, để triển khai thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, các đơn vị trong toàn ngành Thuế tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách.

Tập trung rà soát, giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các Cục Thuế phù hợp với thực tế tại các địa bàn. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích tình hình thu tại từng địa bàn, từng khu vực thu, khoản thu, sắc thuế để tham mưu các giải pháp chỉ đạo thu kịp thời, trong đó lưu ý dự báo thu hàng tháng, quý sát thực tế phát sinh. Đối với những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu cần rà soát, xác định để đề xuất giải pháp thu hiệu quả.

Dự báo những tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nước và có thể ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách, Tổng cục Thuế kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, thu hồi nợ đọng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương cần đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện tốt các chính sách, giải pháp về thuế hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ trong năm 2024. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ người nộp thuế (NNT) vượt qua khó khăn, có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu bền vững cho NSNN.

Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp quản lý thuế

Thứ nhất, đối với nhóm giải pháp về công tác quản lý kê khai, hoàn thuế GTGT: Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kê khai thuế của NNT và nâng cao chất lượng các dịch vụ thuế điện tử.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án ‘Hiện đại hóa công tác thống kê thuế góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế’. Trong đó cần tập trung nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tiếp theo về công nghệ thông tin, điện tử hóa, số hóa các khâu, các bước để hỗ trợ NNT.

Đối với công tác xây dựng cơ chế quản lý khai thuế đối với nền kinh tế phi chính thức cần tiếp tục bám sát thực tiễn công tác quản lý thuế để nghiên cứu, đẩy mạnh rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế. Điện tử hóa các nội dung quy định mới tại Quy trình quản lý khai thuế, nộp thuế và kế toán thuế; Triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp và mã tham chiếu, đảm bảo số nộp quản lý trên TMS được cập nhật kịp thời.

Về công tác quản lý hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương tiếp tục tăng cường đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật. Trong đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thuế theo phương thức điện tử, trong đó tập trung nghiên cứu, nâng cấp, hoàn thiện ‘Ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động’  và xây dựng cơ sở dữ liệu, thanh tra, kiểm tra chủ động DN hoàn thuế, chương trình tuân thủ hoàn thuế tự nguyện… đảm bảo phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế tại địa phương.

Thứ hai, về nhóm giải pháp về công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN: Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo thời hạn, tiến độ, trọng tâm là thanh tra, kiểm tra các DN ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hóa đơn.

Song song với đó, cần tiếp tục rà soát phương án điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn ngành Thuế phù hợp với điều kiện mới và trú trọng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và quy trình thanh tra, kiểm tra thuế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo đối với công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đặc biệt lưu ý tăng cường kỷ luật, kỷ cương và kiểm soát tính tuân thủ, tổ chức giám sát đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động công vụ.

Xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phòng chống gian lận trong hoàn thuế GTGT, trong phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, các bộ, ngành liên quan để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định.

Thứ ba, đối với nhóm giải pháp về công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế: Bên cạnh việc chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cần tiếp tục tập trung thực hiện phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan… trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Đối với công tác xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, kiến nghị thu hồi đất đối với các trường hợp đã cưỡng chế nhưng vẫn chây ỳ, không chấp hành nghĩa vụ với NSNN, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường đôn đốc thu kịp thời đối với khoản tiền thuế, tiền thuê đất khi hết thời gian gia hạn.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh điện tử hoá hệ thống trong tất cả các khâu quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ; ứng dụng quản lý rủi ro vào công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng ứng dụng kiểm soát nợ thuế hàng ngày, hàng tháng.