Câu lạc bộ Đại lý thuế TP HCM nhiều dấu ấn sau hai năm hoạt động

Câu lạc bộ Đại lý thuế TP HCM nhiều dấu ấn sau hai năm hoạt động

Được mệnh danh là “cánh tay nối dài của cơ quan thuế”, đến tháng 6/2017, Câu lạc bộ Đại lý thuế (ĐLT) TP HCM tròn 2 tuổi. Nhân sự kiện này, phóng viên Tạp chí Thuế đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM.

Trước hết, ông có nhận xét gì sau hai năm hình thành và phát triển CLB này?

CLB ĐLT TP HCM là tổ chức xã hội nghề nghiệp, đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng ĐLT. Sau hai năm, CLB đã mang lại sân chơi chung bổ ích cho các ĐLT nói chung và cho các nhân viên ĐLT nói riêng. Các ĐLT có một địa chỉ hợp pháp, tin cậy để cùng giao lưu, học hỏi và hoạt động đào tạo của CLB cũng đã giúp các ĐLT bổ túc kiến thức, cập nhật chính sách một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đối với cộng đồng DN, các hội viên CLB đang làm rất tốt vai trò hỗ trợ trong công tác kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế và tư vấn thuế. Nhờ đó, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, giúp DN tập trung hoạt động kinh doanh, tạo lợi nhuận. Song song đó, CLB còn thường xuyên mở các khóa đào tạo, hướng dẫn, tư vấn thuế miễn phí giúp DN thuận tiện trong quá trình thực thi pháp luật thuế.

Vậy đối ngành thuế, CLB đã triển khai những chương trình hoạt động gì, thưa ông?

CLB đã và đang tiếp tục là cánh tay nối dài, nhờ các hoạt động hỗ trợ ngành thuế trong các kỳ hỗ trợ DN quyết toán thuế hàng năm. Các hội viên CLB cũng đang từng bước hỗ trợ các chi cục thuế giảm bớt gánh nặng quản lý, đặc biệt là ở các sắc thuế có số thu nhỏ như tiền thuê nhà, thuế TNCN… Nhờ đó, các cơ quan thuế tập trung quản lý số thu lớn, tăng cường thanh kiểm tra thuế, tạo cơ sở cho công tác chống thất thu NSNN. Đối với xã hội, các hội viên CLB thường xuyên tham gia góp ý, phản biện chính sách pháp luật thuế cho phù hợp với cuộc sống. Đồng thời, CLB tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, chương trình chuyển đổi hộ cá thể lên DN… do TP phát động và các quận huyện tổ chức thực hiện. Như vậy, chỉ trong vòng hai năm, các hoạt động của CLB được Hiệp hội DN, Cục Thuế TP HCM đánh giá cao. Điều đó chứng tỏ, sự ra đời và phát triển của CLB là cần thiết và phù hợp với sự phát triển xã hội.

Được biết, CLB đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục pháp lý để chuyển đổi mô hình lên Hội DN ĐLT, thưa ông vì sao?

Cách đây hai năm, CLB chỉ có hơn 30 hội viên, phân nửa là cá nhân làm kế toán viên, giảng viên ngành kinh tế – tài chính và cán bộ thuế nghỉ hưu. Đến nay, số lượng cá nhân không thay đổi nhiều nhưng số lượng hội viên tổ chức tăng lên đáng kể, đặc biệt số lượng hội viên là ĐLT tăng hơn gấp đôi. Các mặt hoạt động của CLB cũng phức tạp hơn, từ các nghiệp vụ giao lưu, kết nối ban đầu đã chuyển sang các hoạt động có chiều sâu như: đào tạo, truyền thông, tổ chức nhóm ĐLT hỗ trợ người nộp thuế theo địa bàn; phạm vi hoạt động của CLB hiện nay mở rộng ra 24 quận, huyện. Hơn thế nữa, nhu cầu giao lưu, kết nối, học hỏi với các hiệp hội cùng nghề dịch vụ thuế công ở nước ngoài cũng đang là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển. Để đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, CLB cần phải khoác lên mình trang phục mới phù hợp và cũng cần nâng cao vị thế hơn trong các hoạt động cộng đồng.

Nếu chuyển đổi lên hội thành công, chúng tôi sẽ mở rộng chức năng hoạt động; chú trọng gia tăng kỷ luật, kiểm soát chất lượng và xây dựng bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề ĐLT để làm cơ sở quản lý, nâng cao uy tin và hình ảnh của hội viên trong xã hội hiện đại. Khi đã là pháp nhân đầy đủ, hội sẽ có toàn quyền ký các cam kết với các bộ phận liên quan trong việc hỗ trợ DN, có thể thực hiện chức năng đại diện cho ĐLT ký kết thực hiện các công việc hỗ trợ do cơ quan thuế giao phó. Từ đó, công việc quản lý ĐLT được sâu sát hơn, hiệu quả hơn, tạo mối liên hệ gắn kết có chất lượng giữa ngành thuế với các DN, cùng góp phần làm minh bạch và hiện đại hóa ngành thuế nước nhà.

Xin cảm ơn ông!

Gia Phú (thực hiện)
Tapchithue