Chính sách thuế “gỡ khó” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Chính sách thuế “gỡ khó” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đã qua sử dụng và bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu được kỳ vọng sẽ “gỡ khó” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Điều này có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước khi thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với xe ô tô nguyên chiếc xuống 0% theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2018

“Sóng gió” với ngành ô tô trong nước

Tại buổi giải đáp trực tuyến “Những thay đổi về thuế xuất nhập khẩu từ năm 2018” do Báo Hải quan tổ chức sáng ngày 6/12/2017, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% theo Hiệp định ATIGA sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường ô tô trong nước và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bà Hằng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã tăng đột biến, tăng 50,4% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo, năm 2018, lượng xe con nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam còn tiếp tục tăng do thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giảm về 0% và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000CC trở xuống sẽ giảm từ 45% xuống 40% và từ 40% xuống 35%.

Điều này đã làm cho tâm lý khách hàng chờ mua xe sau ngày 1/1/2018 dẫn đến thị trường tiêu thụ và số lượng bán hàng của các doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng trong năm 2017. Việc sụt giảm này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động trực tiếp trong ngành ô tô, tác động bất lợi đến thu ngân sách địa phương tại các tỉnh có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.

Thời gian qua, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ về ngành công nghiệp ô tô để đánh giá toàn diện những khó khăn, thách thức của Ngành do tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế. Quốc hội cũng có Nghị quyết nêu rõ định hướng cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2035; Xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017 cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Đây là những động lực quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển.

Khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Để triển khai được những chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, một trong các giải pháp khuyến khích ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển là tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đã qua sử dụng để hạn chế nhập khẩu chủng loại xe này; Đồng thời, khuyến khích ngành công nghiệp ô tô trong nước sản xuất, lắp ráp các xe gắn với môi trường, tiết kiệm năng lượng và có giá bán cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Theo đó, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế, các doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện gồm: Cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định theo các tiêu chí về sản lượng và mẫu xe; Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Bà Hằng cho biết thêm, Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô là giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được áp dụng đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp 02 nhóm xe: (i) Nhóm xe du lịch: là dòng xe chở người từ 9 chỗ trở xuống đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 (từ năm 2022 trở đi); (ii) Nhóm thương mại: là dòng xe chở người từ 10 chỗ đến 19 chỗ ngồi (xe mini buýt) hoặc xe chở người từ 20 chỗ ngồi trở lên (xe buýt/xe khách) thuộc nhóm 87.02 và xe có động cơ dùng để vận tải hàng hoá và xe chuyên dùng (xe tải) có động cơ thuộc nhóm 87.04 và 87.05 đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 (từ năm 2022 trở đi).

Tapchitaichinh