Đảm bảo các mục tiêu của chiến lược cải cách thuế

Đảm bảo các mục tiêu của chiến lược cải cách thuế

TS. Nguyễn Đình Chiến – Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã bổ sung thêm các quy định cụ thể, minh bạch hơn; luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế.

PV: Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 chương, 18 điều. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới của dự thảo Luật này?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã có những điểm mới quan trọng.

Thứ nhất, đã hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT): Bên cạnh việc quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện, dự thảo Luật đã chuyển 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT. Trong đó, một số sản phẩm là đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp được đưa vào diện chịu thuế, điều này góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này được khấu trừ thuế đầu vào, qua đó hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT để đảm bảo sự linh hoạt, chủ động trong quá trình thực hiện, nhằm điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

“Việc sửa đổi Luật Thuế này đã tiếp tục mở rộng, bao quát được cơ sở thu thông qua việc thu hẹp diện không chịu thuế GTGT và diện chịu thuế 5%. Điều này đã góp phần cơ cấu lại nguồn thu NSNN theo hướng bền vững, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của sắc thuế này trong động viên vào NSNN. Đây cũng là xu thế chung của các quốc gia khi thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt) bù đắp việc giảm thu từ thuế nhập khẩu, thuế thu nhập…

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT: Dự thảo Luật đã có các nội dung cụ thể hơn trong việc quy định giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; bổ sung quy định cụ thể về giá tính thuế đối với 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ; bổ sung 1 điều về thời điểm xác định thuế GTGT… Đây là các nội dung cần thiết đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch và ổn định của chính sách.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT: Về mức thuế suất 0%, dự thảo Luật đã quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu thuộc diện được áp dụng thuế suất 0%; bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật; bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp.

Về mức thuế suất 5%, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa. Việc sửa đổi này đảm bảo sự phù hợp với tính chất của các loại hàng hóa, dịch vụ, minh bạch hơn, tránh vướng mắc trong thực hiện và đồng bộ với quy định của các văn bản pháp luật liên quan.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào: Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về định mức đối với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ mức dưới 20 triệu đồng thành giao cho Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù không phải đáp ứng điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khi khấu trừ thuế GTGT đầu vào; sửa đổi quy định đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai, sót để tránh vướng mắc trong thực hiện và thống nhất theo quy định của Luật Quản lý thuế…

PV: Có ý kiến cho rằng, những đề xuất sửa đổi, bổ sung của Chính phủ tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho NNT, cũng như cơ quan quản lý. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến trên?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Tôi nhất trí với các ý kiến nêu trên. Có thể nhận thấy, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã hoàn thiện hơn các quy định về chính sách thuế GTGT đảm bảo bao quát được nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

Dự thảo Luật đã quy định chi tiết, đầy đủ hơn; khắc phục được các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan. Các quy định về chuyển một số hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế sang diện chịu thuế nêu trên, quy định về cho hoàn thuế đối với các cơ sở kinh doanh chỉ có mức thuế suất 5%… cũng đã giúp các cơ sở kinh doanh tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sự ổn định và phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các nội dung quy định chi tiết, cụ thể hơn cùng với việc luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật góp phần cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho NNT tuân thủ pháp luật về thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.