12 Mar 11 nước thành viên ký CPTPP sẽ có lộ trình đưa thuế xuất nhập khẩu về 0%
Ngày 9/3 theo giờ Việt Nam, Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên TPP còn lại (trừ Hoa Kỳ) đã chính thức được ký kết.
Bên cạnh những cơ hội, thì kinh tế Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn thách thức, trong đó có hoạt động thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cam kết cắt giảm thuế. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, cam kết thuế trong CPTPP sẽ không có tác động đột ngột tới thu ngân sách.
Nền kinh tế được hưởng lợi nhiều
CPTPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm công, DNNN, cả xóa đói giảm nghèo.
CPTPP cũng đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về sự minh bạch đối với hàng hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp. Theo đó, các nước tham gia CPTPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình (sẽ có lộ trình đưa thuế xuất nhập khẩu về 0%), tự do hóa dịch vụ và đầu tư.
Đối với Việt Nam, CPTPP sẽ tác động tới cả chính trị- đối ngoại và kinh tế. Cụ thể, ở khía cạnh kinh tế, CPTPP góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quy trình quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Theo đánh giá, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp nhất từ CPTPP là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia.
Trao đổi về sự kiện CPTPP được ký kết, ông Vũ Nhữ Thăng- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định, mặc dù Hoa Kỳ không tham gia, song với CPTPP, lợi ích của Việt Nam vẫn được đảm bảo. Cụ thể, ngoài việc mở rộng thị trường xuất khẩu đối với hàng hóa, CPTPP đã tận dụng được chính sách mở cửa từ các thị trường do các hiệp định thương mại tự do (FTAs) trước đây mang lại và khả năng mở rộng đầu tư sản xuất sau một thời gian dài thực hiện chính sách xuất khẩu thành công. CPTPP cũng sẽ mở cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giúp chi phí sản xuất của DN trong nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu. Đó là chưa kể tới, khi các cơ hội xuất khẩu tăng sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng đầu tư và việc làm.
Mặt khác, ông Thăng cũng cho rằng, đối với DN được tiếp cận với các khoản vốn ưu đãi đầu tư sẽ tự sắp xếp lại, chủ động chuyển hướng kinh doanh, chuyển giao công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh, tạo tư duy làm ăn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Như vậy, với những lợi ích mà CPTPP mang lại, theo tính toán của cơ quan quản lý, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%.
Thu NSNN không bị tác động đột ngột
Bên cạnh những cơ hội do CPTPP mang lại, Việt Nam cũng sẽ gặp phải một số thách thức khó khăn. Điều này có thể thấy rõ, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hay khi ký Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA). Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội khai thác thị trường, thì tác động tiêu cực tới nền kinh tế sẽ được hạn chế.
Ở khía cạnh tài chính, CPTPP sẽ giảm thuế nhập khẩu tại 11 quốc gia có tổng GDP hơn 10.000 tỷ USD, chiếm trên 13% toàn cầu. Theo đó, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm, nhưng với Việt Nam được kéo dài từ 7 – 10 năm.
Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách được hưởng lợi. Ngoài ra, hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí các nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%.
Trước những ý kiến băn khoăn việc cắt giảm 100% các dòng thuế ở tất cả các mặt hàng về 0% cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, song ông Thăng khẳng định, CPTPP sẽ không tác động đột ngột tới thu ngân sách của Việt Nam.
Bởi, theo các cam kết thuế trong các FTAs, thì rất nhiều dòng thuế cắt giảm thuế về 0% như ASEAN tới 98%, hay một số cam kết khác cũng có mức cắt giảm trung bình từ 90-95% và tất cả cũng đã thực hiện gần đến giai đoạn cuối.
Do vậy, việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế trong CPTPP sẽ không có tác động đột ngột tới thu ngân sách, mà sẽ có sự dịch chuyển dần thương mại đối với một số mặt hàng có mức cam kết thấp hơn so với các hiệp định đang thực hiện.
Theo Thúy Nga/tapchithue.com.vn