24 Sep Bộ Tài chính đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại các tỉnh phía Nam
Tiếp theo thành công của Hội nghị đối thoại với hơn 250 DN Hàn Quốc tại khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội mới đây, ngày 21/9, tại Văn phòng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức Hội nghị đối thoại thường niên giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại các tỉnh phía Nam về Chính sách và Thủ tục hành chính Thuế – Hải quan năm 2018. Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Đại sứ đặc mệnh Hàn quốc tại Việt Nam, Ngài Kim Do Hyon đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng tham dự có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao mối quan hệ giữa Việt Nam-Hàn Quốc trong suốt 26 năm qua, kể từ năm 1992. Song song với quan hệ ngoại giao và văn hóa, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những phát triển vượt bậc. Có được thành tựu đó, bên cạnh sự vươn lên của khối doanh nghiệp trong nước, phải kể đến sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai đánh giá cao sự đóng góp của DN Hàn Quốc vào sự phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam-Hàn Quốc
Sau 26 năm thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam, kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, Hàn Quốc đã và đang đầu tư vào trên 50 tỉnh, thành phố Việt Nam và trở thành nước có xếp hạng đầu tiên cả về số lượng và dự án tích luỹ trong đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu thống kê, Hàn Quốc đang có 6.760 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 59 tỷ USD còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. Các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tập trung ở các dự án lớn trong mảng công nghiệp chế tạo, kinh doanh bất động sản, năng lượng, cơ khí và điện.
“Bộ Tài chính ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc khi ngày càng trở nên gắn bó và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc ký kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc năm 2015 được đánh giá là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, góp phần tích cực phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, đóng góp cho sự thịnh vượng của hai nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại rất sôi động, đa dạng, do đó trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc và những vướng mắc đó thường xuyên được Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ cho doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các DN Hàn Quốc, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bạn về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các bạn, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định.
Đồng quan điểm với những nội dung Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã chia sẻ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, Ngài Kim Do Hyon cho rằng: Khi số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng thì những khó khăn do chưa nắm bắt đầy đủ về các quy định, chính sách thuế và hải quan Việt Nam cũng không ngừng tăng theo. Do đó, việc tham gia và trực tiếp hỏi đáp giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng tại Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ hiểu sâu hơn về các quy định, chính sách thuế và hải quan Việt Nam và giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hai lĩnh vực này.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã trao đổi, giải đáp các cơ chế, chính sách mới về thuế, hải quan được sửa đổi, ban hành kể từ sau Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 9/2017.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp hỏi đáp trực tiếp các vướng mắc đến Ban chủ tọa Hội nghị. Nội dung các câu hỏi liên quan đến thuế suất đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc; Thuế GTGT đối với quà tặng quà biếu có được tính vào chi phí đầu vào hợp lý? Quy định hoàn thuế GTGT đối với xuất hàng ra nước ngoài và xuất hàng trong các khu chế xuất….Với tinh thần làm việc khẩn trương, Hội nghị đã diễn ra tích cực và hiệu quả. Nhiều câu hỏi đã được trực tiếp giải đáp tại hội nghị và tiếp tục được xử lý, giải đáp sau hội nghị thông qua các kênh tiếp nhận là Đại sứ quán Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc và gửi đến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan./.
NA-HP