18 May Bộ Tài chính giải đáp kiến nghị của Doanh nghiệp
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổng hợp 182 kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp, trong đó có 43 kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tài chính đã được Bộ Tài chính trả lời và gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, chuyển đến doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã trả lời trực tiếp đối với một số kiến nghị của Doanh nghiệp, cụ thể:
1. Về kiến nghị áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên nhập khẩu trước ngày 01/7/2016 nhưng bán ra sau ngày 01/7/2016 được áp dụng theo mức thuế suất thuế TTĐB quy định trước ngày 01/7/2016:
Về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô: Để bảo đảm công bằng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định giá tính thuế TTĐB như sau: “1. Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra …”.
Theo quy định trên, từ ngày 01/01/2016, cơ sở nhập khẩu phải khai thuế TTĐB ở 02 khâu: Khâu nhập khẩu và khâu bán ra trong nước và khi xác định số thuế TTĐB ở khâu bán ra trong nước, cơ sở nhập khẩu được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu.
Từ ngày 01/7/2016, tại Khoản 1 Điều 2 Luật 106/2016/QH13 sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật quản lý thuế quy định giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Về thuế suất thuế TTĐB: Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) quy định thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống như sau:
Loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 90%; Loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 110%; Loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 130%; Loại xe ô tô có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 150%.
Theo quy định nêu trên, kể từ ngày 01/7/2016, cơ sở nhập khẩu ô tô khi nhập khẩu và khi bán ra trong nước phải khai thuế TTĐB theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106/2016/QH13. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng quy định của Luật số 106/2016/QH13 nêu trên.
2. Về kiến nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, thép, tôn, vật liệu xây dựng đề nghị hướng dẫn rõ những sản phẩm xuất khẩu nào thuộc và không thuộc đối tượng tính tỷ lệ giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng:
Tại khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế đã quy định: “23. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Tại Biểu thuế xuất khẩu hành kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định khung thuế suất đối với nhóm hàng có số thứ tự 211 “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” là 5-20%.
Do đây là nội dung mới được quy định tại Luật số 106/2016/QH13 và Luật số 107/2016/QH13 nên kể từ khi Luật số 106/2006/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2016; Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng xi măng, tôn, thép, dây điện,… thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% khi xuất khẩu và thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu.
Để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, tránh cách hiểu khác, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với một số Hiệp hội, doanh nghiệp, đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ ngành, địa phương để trình các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, theo hướng: sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên mới thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung hướng dẫn cho phù hợp.
3. Về kiến nghị áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiêp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gạo:
Thuế GTGT là sắc thuế gián thu, thu vào hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam. Pháp luật về thuế GTGT hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế GTGT áp dụng đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiêp, phân bón, thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành cho nông dân và quy định 03 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (theo thông lệ quốc tế). Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và một số hàng hoá, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% là mức thuế suất phổ thông áp dụng đối với các hàng hoá, dịch vụ thông thường khác.
Theo chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 thì đến năm 2020 sẽ nghiên cứu áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu);…”
Do vậy, kiến nghị việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gạo là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chiến lược cải cách hệ thống thuế. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu vấn đề này để rà soát, đánh giá tổng thể và trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi Luật thuế GTGT.
Tại Hội nghịm Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định: “Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương; Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển ổn định bền vững”.
Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia và phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy thách thức như hiện nay.
MT T/h
Emof