20 Nov CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Ngày 20/11 hàng năm là dịp đặc biệt để tôn vinh và tri ân những người làm công tác giáo dục – những “người lái đò” thầm lặng đưa biết bao thế hệ học trò cập bến tri thức, xây dựng tương lai đất nước. Với ý nghĩa cao cả đó, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam trân trọng tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024.
Thay mặt lãnh đạo, Ban Thường vụ Hiệp hội, Chủ tịch – GS.TS Đoàn Xuân Tiên trân trọng gửi tới toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, các vị đại biểu, khách quý lời chào mừng, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng trân trọng nhất.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, “Tôn sư trọng đạo” luôn là truyền thống quý báu, là nét văn hóa đặc sắc, được hình thành, vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh người thầy luôn được đề cao và tôn trọng, tiêu biểu trong các giai tầng xã hội và trên hết nghề dạy học được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.
Đảng, Nhà nước luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, người coi “Giáo dục đào tạo là cốt sách hàng đầu”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã khẳng định: “Thực sự coi giáo dục – đào tạo, là quốc sách hàng đầu…, đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư phát triển”; kể từ Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã xác định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) với vai trò là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán và các lĩnh vực có liên quan trong cả nước, có nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao và phát triển năng lực Hội viên và những người làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán trong cả nước. VAA đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ kế toán và kiểm toán, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Vai trò VAA thể hiện trong nhiệm vụ: thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu, cập nhật kiến thức mới và các chuẩn mực quốc tế về kế toán và kiểm toán; thường xuyên tổ chức các khóa học, hội thảo và tọa đàm về kế toán và kiểm toán, tạo cơ hội cho các thành viên và những người làm nghề trao đổi kinh nghiệm, học hỏi; đào tạo cấp Chứng nhận và Chứng chỉ cho các kế toán viên và kiểm toán viên, đảm bảo họ đáp ứng được các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; Thúc đẩy Nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán, từ đó cung cấp những kiến thức mới và cải tiến phương pháp làm việc; VAA tham gia vào việc xây dựng và tư vấn các chính sách, quy định liên quan đến kế toán và kiểm toán, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ kế toán và kiểm toán mà còn hỗ trợ sự phát triển toàn diện của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hiệp hội xác định hoạt động ĐTBD là hoạt động xương sống, tạo sự lan tỏa, kết hợp với các hoạt động: Nghiên cứu, tư vấn, phản biện, Tạp chí, CLB Kế toán trưởng, VICA…là điều kiện quan trọng đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động của VAA, là hoạt động thường xuyên liên tục của VAA, tạo điều kiện gắn kết các thành viên/hội viên, đồng thời cũng là hoạt động vì lợi ích hội viên với nhu cầu được ĐTBD, cập nhật, chia sẻ kiến thức, trao đổi giao lưu, hỏi đáp các vấn đề chuyên môn… Từ đó VAA góp phần nâng cao năng lực, ý thức kỷ luật, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân lực tài chính, kế toán, kiểm toán của các Bộ ngành, các đơn vị và tổ chức, các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty… Điều đó tạo điều kiện khẳng định và nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, cũng như sự ảnh hưởng tích cực của VAA đối với nghề nghiệp, lĩnh vực kế toán và kiểm toán.
Những năm qua hoạt động ĐTBD của Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có nhiều kết quả và những đóng góp không nhỏ vào hoạt động chung của toàn Hiệp hội, cũng như nâng cao năng lực, gắn kết các hội viên và nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cộng đồng những người làm kế toán – kiểm toán. Các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn được thực hiện qua các tổ chức của VAA như: Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn khoa học kế toán, Chi hội Kế toán hành nghề, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc và các Hội thành viên. Đặc biệt năm 2024, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Hiệp hội có nhiều kết quả khởi sắc: tổ chức được 61 lớp với số lượng 9.194 học viên (riêng khối Văn phòng Hiệp hội) với đa dạng nội dung, chương trình đáp ứng yêu cầu thực tế, nâng cao chất lượng, hấp dẫn và sự thu hút sự quan tâm của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và các hội viên. Một trong những nhân tố tạo nên kết quả ấn tượng, đó là đội ngũ giảng viên, cáo báo viên.
Các Thầy giáo, cô giáo, các giảng viên, báo cáo viên, thời gian qua đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả tạo nên sự thành công hoạt động đào tạo của VAA. Thay mặt lãnh đạo Hiệp hội và các đơn vị của VAA và bằng tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, là phụ huynh, là thầy giáo, tôi bày tỏ sự trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương, gửi lời cảm ơn và tri ân sâu sắc tới tất cả các giảng viên, các team giảng viên, báo cáo viên, các chuyên gia, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết cho công tác đào tạo, giáo dục của nước nhà nói chung và Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam nói riêng. Sự tận tâm và chuyên môn của các giảng viên, báo cáo viên đã truyền cảm hứng giúp học viên, hội viên đã có được những tri thức, có kinh nghiệm thực tế, và điều đó sẽ rất hữu ích cho học viên áp dụng những gì đã học vào công việc hàng ngày.
(i) Tiếp tục thúc đẩy cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp các chương trình đào tạo kế toán và kiểm toán để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, của ngành và đáp ứng yêu cầu thị trường và các chuẩn quốc tế.
(ii) Rà soát, xây dựng, đổi mới các chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung và hoàn thiện hệ thống các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng để cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính, của Hiệp hội VAA, cũng như cấp chứng chỉ liên kết đào tạo, bồi dưỡng với các tổ chức, Hiệp hội trong và ngoài nước….
(iii) Chuẩn bị các điều kiện thể chế, nhân lực, tổ chức…để sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện thành công nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ kế toán viên hành nghề, cũng như các hoạt động nghề nghiệp khác khi được Bộ Tài chính chuyển giao.
(iv) Tăng cường bồi dưỡng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán do Hội viên thực hiện và cung cấp.
(v) Ký kết thỏa thuận hợp tác/phối hợp đào tạo, bồi dưỡng với các đơn vị, các tổ chức, Tập đoàn, doanh nghiệp, các địa phương, các Hội/Phân hội thành viên trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.
(vi) Tăng cường, duy trì và phát triển mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai nhiệm vụ có hiệu quả, vì mục tiêu và lợi ích chung của cả các bên, có thể bao gồm việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, chia sẻ nguồn lực, tạo ra giá trị gia tăng cho cả các bên và đóng góp vào sự phát triển và thành công chung; xây dựng lòng tin và uy tín, cam kết, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của đối tác, thể hiện sự chuyên nghiệp.