01 Oct Cục Thuế Phú Thọ ứng dụng công nghệ di động đọc chỉ số công tơ đo xăng dầu
Tính ưu điểm vượt trội của đề tài khoa học: “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý thuế thông qua chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng của các phương tiện đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” là đọc chỉ số đồng hồ tổng bằng thiết bị di động. Nhờ đó, đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ xếp loại xuất sắc. Hiện, phần mềm đang được Cục Thuế triển khai ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Thời gần đây, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua việc dán tem niêm phong đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu tại địa bàn tỉnh đã được Cục Thuế Phú Thọ triển khai rộng rãi. Tuy nhiên, để giám sát có hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản lý chặt chẽ sản lượng xăng dầu bán ra làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế của các DN kinh doanh phải nộp hàng quý, hoặc khi giá bán có sự thay đổi, cơ quan thuế phải thực hiện ghi thủ công chỉ số đồng hồ tổng của các cột bơm. Sau đó, so sánh sản lượng và doanh thu với hồ sơ khai thuế trong kỳ DN đã gửi cơ quan thuế để xác định chênh lệch dẫn đến mất nhiều thời gian và độ chính xác không cao, không đáp ứng yêu cầu quản lý. Chủ động nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục, UBND tỉnh Phú Thọ đã chấp thuận để Cục Thuế triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý thuế thông qua chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng của các phương tiện đo xăng dầu” từ tháng 9/2017.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, đánh giá hiện trạng về hạ tầng CNTT trong công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; tập huấn cho cán bộ vận hành và sử dụng phần mềm. Sau đó, Cục Thuế tiến hành chạy thử nghiệm phần mềm, cập nhật dữ liệu về chỉ số đồng hồ tổng các cột bơm trên địa bàn toàn tỉnh từ 31/12/2017 đến nay vào ứng dụng, gồm 85 DN, với 183 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 654 cột bơm. Cục Thuế đã thực hiện thí điểm phần mềm đọc chỉ số tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu do Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế thị xã Phú Thọ quản lý với kết quả cho độ chính xác trên 95%.
Ông Trương Quốc Chính – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài nghiên cứu của Cục Thuế đã rút ngắn được nhiều thời gian so với quy định; các sản phẩm đầu ra đều cho chất lượng tốt, đạt hiệu quả tích cực về mặt kinh tế, xã hội, môi trường và quản lý NSNN. Bằng chứng là, tại kỳ khai thuế tháng 6/2018, Cục Thuế đã tổ chức đọc chỉ số đồng hồ tổng các phương tiện đo bằng thiết bị di động tại Văn phòng Cục Thuế và Chi cục Thuế thị xã Phú Thọ. Kết quả, có 123/129 (95,3%) cột bơm cho kết quả chính xác; 6/129 (4,7%) cho kết quả không chính xác do phần mềm nhận dạng thiếu 1 số, phải bổ sung thông tin; 24 cột bơm không thể đọc được chỉ số do thiết bị quá cũ. Đặc biệt, nhóm triển khai đề tài đã bổ sung nội dung nghiên cứu về thị giác máy tính (công nghệ 4.0) và mã QR để xây dựng thêm phần mềm đọc chỉ số dành cho thiết bị di động trong việc nhận diện cột bơm và chỉ số đồng hồ. Phần mềm này có chức năng đọc chỉ số theo từng cột bơm đã được mã hóa, đồng thời gửi dữ liệu về phần mềm quản lý.
Theo ông Nguyễn Phúc Quang – Trưởng phòng Tin học Cục Thuế Phú Thọ – thành viên nhóm nghiên cứu, sau khi hệ thống ứng dụng được vận hành, cán bộ thuế được giao quản lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chỉ cần đọc chỉ số bằng thiết bị di động. Toàn bộ công việc lưu trữ, tính toán doanh thu, tổng hợp báo cáo,…được thực hiện tự động trên phần mềm, giảm trên 90% thời gian ghi chép, tổng hợp báo cáo. Từ đó, cơ quan thuế có thể thực hiện chốt chỉ số hàng tháng, thay vì hằng quý như hiện nay, với số liệu được tổng hợp kịp thời, chính xác hơn. Hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu được nâng cao, kiểm soát và ngăn ngừa vi phạm xảy ra. Hiện nay, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đang triển khai mở rộng diện ứng dụng tại các chi cục thuế và các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài & ảnh: Văn Học
Tapchithue