18 Aug Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế: Cải cách hệ thống thuế phù hợp thông lệ quốc tế
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Thuế gồm: Giá trị gia tăng (GTGT), Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế tài nguyên là cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, hệ thống chính sách thuế ban hành thời gian qua đã cơ bản đạt được mục tiêu, yêu cầu khi ban hành, tuy nhiên cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cải cách tổng quát trong từng sắc thuế. Trong đó, sửa đổi, bổ sung thuế GTGT theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường.
Đồng thời, nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu); hoàn thiện phương pháp tính thuế, tiến tới cơ bản thực hiện phương pháp khấu trừ thuế; quy định về ngưỡng doanh thu để áp dụng hình thức kê khai thuế GTGT phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Về thuế TTĐB, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu, bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Đối với thuế TNDN, Chiến lược đề ra mục tiêu điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; đơn giản hóa chính sách ưu đãi thuế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; bổ sung các quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế như: Hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, sự phát triển của các tập đoàn kinh tế, hiện tượng “vốn mỏng” khi xác định chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, điều chuyển hoặc đánh giá lại tài sản khi tái cơ cấu doanh nghiệp, thỏa thuận trước về giá của các doanh nghiệp liên kết.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế; điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp); điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.
Về thuế tài nguyên, sửa đổi, bổ sung theo hướng thuế tài nguyên là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến; sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế, thuế suất và thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn.
Như vậy, thực hiện mục tiêu cải cách như trên và để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần thiết nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế TNCN và thuế tài nguyên.
Ngày 15/8/2017 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế nêu trên với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về các chính sách thuế này. Qua đó, đáp ứng và tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản…; góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng; mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế.
Việc sửa đổi, bổ sung các Luật Thuế đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá…
Tapchitaichinh