Giữ gìn, phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới

Giữ gìn, phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới

Bộ đội Cụ Hồ” tên gọi thân thương, danh hiệu cao quý mà Nhân dân yêu mến vinh tặng, biểu tượng cao đẹp của người quân nhân cách mạng, một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc chỉ có ở Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hiếm có Dân tộc nào trên thế giới mà Nhân dân lấy tên vị Lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Hiếm có một Dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, cũng như động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ” như Dân tộc Việt Nam ta.

Từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; không ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong hồi ức của mình, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về xuất xứ của tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” như sau: “Tôi nhớ rằng từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các Dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân thành như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ, về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ” và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ khời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Hiếm có Dân tộc nào trên thế giới mà Nhân dân lấy tên vị Lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Hiếm có một Dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, cũng như động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp noi theo gương sáng của “Bộ đội Cụ Hồ” như Dân tộc Việt Nam ta.

Điều đó không chỉ thể hiện “mối quan hệ máu thịt”, tình quân dân như “cá với nước” của cán bộ, chiến sĩ quân đội với Nhân dân ta, viết nên thiên anh hùng ca bất hủ của quân đội “bách chiến bách thắng”,“đi dân nhớ, ở dân thương” là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đẹp văn hoá độc đáo trong văn hoá Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của Dân tộc ta”. Điều đó đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ những người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trong lò lửa của hai cuộc kháng chiến toàn dân, các lực lượng vũ trang Nhân dân đã được tôi luyện. Nguồn gốc sức mạnh và mỗi chặng đường chiến thắng, mỗi bước trưởng thành của quân đội ta đều gắn với sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Bác Hồ là người cha, người thầy vĩ đại đã tổ chức nên mọi thắng lợi của quân đội ta.

Trung với Đảng, hiếu với Dân

Bác Hồ nói: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội do Nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Đảng đã đem lòng trung thành vô hạn của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân mà giáo dục cho quân đội lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Đảng đã đem tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân mà hun đúc chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho quân đội. Đảng đã đem tính kỷ luật nghiêm minh của mình mà rèn luyện kỷ luật tự giác cho quân đội, đem truyền thống đoàn kết thống nhất của Đảng mà đoàn kết cán bộ với chiến sĩ, đoàn kết quân đội với Nhân dân, đoàn kết Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước bạn trên tinh thần quốc tế vô sản.

Để chúng ta và con cháu mình có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, đã có hàng triệu triệu người đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc. Chiến tranh dù đã lùi xa, có rất nhiều thứ phôi phai cùng thời gian nhưng dấu ấn của những cuộc đấu tranh chưa bao giờ chìm vào quên lãng. Dân tộc Việt Nam đời đời nhớ ơn những chiến sỹ Điện Biên: “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, băng mình trong lưỡi lửa thép gai để cái tên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Sử sách mãi lưu danh Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Nguyễn Văn Trỗi bất khuất trên pháp trường, nhìn thẳng vào họng súng hô to “Đả đảo bọn xâm lược và bè lũ tay sai! Việt Nam muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”; “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa thành bất tử” và nhiều người con ưu tú của Dân tộc đã hóa thân thành tượng đài bất tử.

Cùng ngược dòng thời gian về 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bảo vệ tổ quốc, ký ức của hơn 3 thập kỷ đất nước chìm trong khói đạn, đầy rẫy những hố bom, đạn của quân giặc hằn sâu trong tâm trí của mỗi người con đất Việt. Hàng ngàn vạn thanh niên lên đường ra trận, từ biệt gia đình, quê hương, hiến dâng thanh xuân để đổi lại đất nước yên bình.

Trên mỗi nẻo đường hành quân ra trận, ở nơi đâu cũng thành chiến lũy, ghi dấu những chiến công lừng lẫy và cả những tượng đài tưởng niệm Liệt sĩ đến mai sau. Anh bộ đội trở về từ trong chiến tranh, anh bộ đội đã yên nghỉ giữa lòng đất Mẹ và anh bộ đội giữa thời bình, từng thế hệ, từng khoảng cách thời gian là dấu nối của lịch sử làm đậm chất anh hùng ca về người lính.

Và chúng ta cũng không thể nào quên bóng dáng những Người mẹ Việt Nam Anh hùng, sinh thành, nuôi nấng, tiễn chân những người con ra chiến trường dù biết sẽ không có ngày gặp lại. Đặt lên trên tình mẫu tử quý giá là tình yêu tổ quốc thiêng liêng, các mẹ nén đau thương, gạt dòng lệ nóng để hy sinh người thân mình vì sự nghiệp đấu tranh của Dân tộc. Nổi bật trong số các mẹ Việt Nam Anh hùng là sự hy sinh, công lao, đóng góp của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Mẹ Lê Thị Hẹ, Mẹ Nguyễn Thị Rành cùng 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác sẽ luôn sống mãi trong lòng mọi thế hệ.

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn sáng mãi. Không có lời nào khái quát và cô đọng hơn về bản chất truyền thống QĐND Việt Nam như câu nói của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Phẩm chất “Vì Nhân dân quên mình” đã ngấm vào máu thịt của các anh “Bộ đội Cụ Hồ”. Hai tiếng “Nhân dân” đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, nhiệm vụ cứu dân trong dịch bệnh, thiên tai, nhiệm vụ bảo vệ mỗi tấc đất biên cương đều có sự hy sinh quả cảm của người lính.

Đặc biệt, vừa qua, khi đối mặt trước sự tàn phá ghê gớm của cơn bão số 3 – siêu bão Yagi và ảnh hưởng nặng nề từ hoàn lưu của bão, tinh thần, phẩm chất của những người lính Cụ Hồ càng thêm toả sáng khi thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, quân đội ta phát huy rõ vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của bão, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Mưa lớn đã gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hòa Bình… đòi hỏi phải huy động cùng lúc nhiều lực lượng, phương tiện. Trong khi đó, điều kiện địa hình, giao thông chia cắt do sạt lở, ngập lụt; mất điện trên diện rộng, thông tin liên lạc bị gián đoạn, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Bằng sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án, với công tác huấn luyện chặt chẽ, sự vào cuộc chủ động, đồng bộ, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy “4 tại chỗ”, đồng thời điều động lực lượng khẩn trương cơ động giúp Nhân dân khắc phục hậu quả. Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Công an cử hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, hàng chục phương tiện tìm kiếm nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân tại Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh,…; huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp kêu gọi tàu thuyền, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn, cứu hộ cứu nạn đồng bào gặp nguy hiểm, ổn định đời sống Nhân dân trên tất cả các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; những thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, … Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng trở nên cấp thiết và là vấn đề có ý nghĩa to lớn, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.