28 Apr Hộ kinh doanh kiến nghị miễn giảm thuế khi chuyển đổi thành DN
Đây cũng là chủ đề chính của Diễn đàn chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 26/4, tại TP HCM.
Tại diễn đàn, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế TNCN (Tổng cục Thuế) cho biết, hàng năm có hàng chục ngàn hộ kinh doanh thành lập mới, trong đó nhiều hộ có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm và sử dụng số lượng lớn hóa đơn, nhưng vẫn e ngại chuyển đổi thành DN. Trong số này có những người kinh doanh chân chính, muốn lên DN nhưng ngại các quy định về sổ sách kế toán, nhưng cũng có những cá thể muốn núp bóng hộ kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ thuế. Đây mới là đối tượng để cơ quan thuế có những chính sách quản lý, thúc đẩy chuyển đổi lên DN, nhằm tạo môi trường kinh doanh công bằng, tránh thất thu ngân sách.
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nêu thực trạng hệ thống sổ sách kế toán còn rườm rà với 5 loại báo cáo tài chính khác nhau, trong đó có một số loại không cần thiết đối với DN nhỏ như báo cáo luân chuyển tiền tệ, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo nội bộ, nhưng nếu đã là DN thì bắt buộc phải thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định, với con số gần 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 80% hoạt động trong ngành công nghiệp – xây dựng, 20% trong ngành thương mại dịch vụ, nếu vận động thành lập DN sẽ nâng cao chất lượng lao động, thu nhập, phúc lợi xã hội, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh. Đặc biệt, khi chuyển đổi thành DN, hộ kinh doanh sẽ không bị hạn chế quyền kinh doanh; việc huy động vốn cũng như quy mô sử dụng lao động sẽ cởi mở, thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Minh, chủ hộ kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn (quận Tân Bình) hiện nay chính sách hỗ trợ còn một số điểm chưa cụ thể, rõ ràng, nên khó thấy được lợi ích để tạo động lực chuyển đổi. Vì thế, ông Minh đề nghị các cơ quan nhà nước cần có các chính sách giảm hay miễn thuế trong thời gian 3-5 năm, đơn giản thủ tục hành chính để không ảnh hưởng đến hoạt động.
Bổ sung thêm, bà Cúc đặt vấn đề, nên chăng các cơ quan quản lý cần thiết lập các chính sách ưu đãi phù hợp, đồng thời sửa đổi những quy định về kế toán theo hướng đơn giản để hộ kinh doanh dễ tiếp cận hơn. Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi, cần triển khai quyết liệt biện pháp quản lý thuế đối với hộ khoán. Mặt khác, cần sớm ban hành Luật DN nhỏ và vừa, trong đó hoàn thiện sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật thuế hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng minh bạch, trong đó có ưu đãi thuế cho DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên, ưu đãi thuế suất thuế TNDN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, vấn đề về tài chính, chế độ kế toán, thuế vẫn là những nút thắt cần được tháo gỡ cho các hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ. Với các thành phần kinh tế này, cần có được môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro. Ngoài ra, cần thúc đẩy dịch vụ hỗ trợ DN kinh doanh, hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết của các cơ quan chức năng. Cơ quan nhà nước nên chuyển giao các dịch vụ công sang dịch vụ đại lý thuế, kế toán để DN có thể tiếp cận được môi trường tư vấn thuận lợi, chi phí thấp nhất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bài & ảnh: Đức Mỹ
Tapchithue