03 May Khoảng 260.000 DN và 110.000 hộ kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử
Sau một thời gian triển khai thí điểm hóa đơn điện tử (HĐĐT) có thể nhận thấy, những ưu điểm nổi bật đó là tiết giảm chi chí, phòng chống được gian lận, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành Nghị định về HĐĐT để tạo hành lang pháp lý, triển khai nhân rộng trong toàn quốc.
Cần thiết phải có nghị định về HĐĐT
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong năm 2017 Tập đoàn Điện lực đã sử dụng 289 triệu HĐĐT; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) khoảng 96 triệu hoá đơn/năm; Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) và 63 chi nhánh tỉnh, TP đã sử dụng trung bình 3,5 triệu số hóa đơn/tháng, tương đương với 42 triệu số/năm. Số lượng HĐĐT của Tổng công ty hàng không Việt Nam là 2 triệu hóa đơn/năm. Việc triển khai HĐĐT và thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đã góp phần giảm thời gian, chi phí cho DN, hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Bên cạnh đó, khách hàng có thể truy cập vào website của bên bán để xem và tải hóa đơn khi cần, do đó không phải lưu trữ, bảo quản. Đối với DN sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, ưu điểm dễ nhận thấy là không phải làm thủ tục đăng ký mẫu hóa đơn, rút ngắn thời gian thực hiện thông báo phát hành hóa đơn, sử dụng ngay hóa đơn khi đăng ký.
Mặc dù đã đem lại những kết quả tích cực, song hành lang pháp lý hiện hành về hoá đơn (Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP về hoá đơn) sau 7 năm đã bộc lộ những hạn chế. Đó là, quy định về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng chủ yếu để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy đã không còn phù hợp trong bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử. Theo đó, 2 nghị định này chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc triển khai rộng rãi HĐĐT trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngoài ra, việc sử dụng hoá đơn giấy phổ biến đã tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, để thành lập nhiều DN, hoặc mua lại DN nhằm mua bán hoá đơn và gian lận tiền hoàn thuế.
Để khắc phục những bất cập này, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành nghị định quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc ban hành nghị định về HĐĐT sẽ đảm bảo các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính thuế, hướng đến quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn, đồng thời hạn chế được việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế.
DN, hộ cá nhân nào phải áp dụng HĐĐT?
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ một (01) tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT. Ước tính, cả nước hiện có khoảng 110.000 hộ, cá nhân kinh doanh và 260.000 DN có doanh thu/năm trên 1 tỷ đồng. Riêng đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng có doanh thu năm trước liền kề từ một (01) tỷ đồng trở lên phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, hoặc được khởi tạo từ thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt có kết nối với ngân hàng. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề dưới một (01) tỷ đồng nếu có nhu cầu, có thể đăng ký sử dụng HĐĐT.
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có doanh thu năm dưới một (01) tỷ đồng) phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng, chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc đăng ký, quản lý, sử dụng HĐĐT trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế. Dữ liệu HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sẽ dành phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin HĐĐT cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc cấp mã của cơ quan thuế trên HĐĐT dựa trên thông tin của DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh lập trên hóa đơn. DN, tổ chức kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn. Đối với tổ chức, cá nhân ở những địa bàn khó khăn hoặc không có điều kiện để thực hiện lập HĐĐT, cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc khởi tạo để sử dụng HĐĐT, hoặc phải mua hoá đơn giấy do cơ quan thuế phát hành để quản lý, sử dụng (trong thời gian 18 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành).
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay các DN trong các lĩnh vực điện, viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm… đã thực hiện giao dịch điện tử với khách hàng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất để các DN này tiếp tục sử dụng HĐĐT.
Dự thảo nghị định cũng quy định khi áp dụng HĐĐT thì DN, hộ kinh doanh truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký. Không áp dụng hình thức đăng ký thủ công bằng cách gửi văn bản giấy tới cơ quan thuế. Trong thời hạn 1 ngày, cơ quan thuế phải có phản hồi gửi DN.
Một vấn đề được các DN quan tâm đó là, nếu sử dụng HĐĐT sẽ phải phải giải trình thế nào khi bị kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo nghị định quy định, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền truy cập vào cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin về HĐĐT để phục vụ công tác quản lý, không yêu cầu cung cấp hóa đơn giấy.
Trung Kiên
TCT