10 Jan Kiên Giang cần triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu năm 2024
Đó là ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2024 vừa được Cục Thuế tỉnh Kiên Giang tổ chức chiều nay (09/01). Dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Nhàn – Phó Chủ tịch UBND cùng đại diện một số sở, ngành tỉnh Kiên Giang; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và toàn thể lãnh đạo chủ chốt của Cục Thuế.
Kiên Giang đã có đóng góp quan trọng trong thu ngân sách
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành ghi nhận và chúc mừng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.
“Lãnh đạo Tổng cục Thuế ghi nhận và biểu dương tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức, người lao động Cục Thuế đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức.” – Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành ghi nhận.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 Cục Thuế tỉnh Kiên Giang được Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN năm 2023 với tổng thu nội địa là 11.437 tỷ đồng và UBND tỉnh giao dự toán thu NSNN năm 2023 với tổng thu nội địa là 12.097 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết là 8.737 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách năm 2023 do Ngành thuế quản lý đạt 14.441 tỷ đồng, đạt 126,3% dự toán Bộ Tài chính và đạt 119,4% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 23% so cùng kỳ; tổng thu trừ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết là 10.458 tỷ đồng, đạt 119,7% dự toán Bộ Tài chính và UBND tỉnh, tăng 21,3% so cùng kỳ. |
Tại hội nghị, thông tin số thu NSNN cập nhật tới thời điểm hiện tại, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý năm 2023 đã đạt 1.522.818 tỷ đồng, bằng 110,9% so với DTPL, bằng 100,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, với tinh thần đồng hành cùng DN, năm 2023, ngành Thuế tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển. (Ước tính cả năm 2023, cơ quan thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng thời tập trung giải quyết hoàn thuế GTGT với số tiền thuế đã hoàn trên 150 nghìn tỷ, qua đó giúp NNT có thêm nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.
Toàn ngành cũng đã thực hiện tốt công tác đôn đốc thu hồi nợ (với kết quả thu nợ là gần 46 nghìn tỷ) và chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra (với số tiền tăng thu qua thanh kiểm tra là khoảng 17,3 nghìn tỷ) cũng như khai thác tăng thu từ quản lý thuế với hoạt động TMĐT (74 NCCNN đã kê khai nộp trực tiếp qua Cổng TTĐT số thuế gần 6.900 tỷ đồng).
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, duy trì và vận hành hiệu quả hệ thống HĐĐT (đã tiếp nhận và xử lý hơn 6,2 tỷ hóa đơn); Mở rộng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền (đã có gần 39.000 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng với số lượng trên 84,2 triệu hóa đơn đã xuất); Phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu lớn, quản lý rủi ro, đặc biệt là trong phòng chống gian lận về hóa đơn, gian lận trốn thuế, gian lận hoàn thuế…
“Trong những kết quả chung của ngành Thuế có sự đóng góp của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang. Một lần nữa, tôi xin biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đồng chí trong năm vừa qua.” – Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, năm 2024-2025 là những năm có tính chất đặc biệt quan trọng trong triển khai nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh và của đất nước.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Nhàn, Kiên Giang là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Bộ. Phần lớn diện tích Kiên Giang ngày nay bao gồm thành phố Rạch Giá và toàn bộ tỉnh Hà Tiên cũ. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ (sau Bình Phước) và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Chính vì vậy độ mở của nền kinh tế tỉnh là khá lớn, vì vậy những tác động ảnh hưởng của nền kinh tế nói chung sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, vì vậy thay mặt UBND tỉnh Kiên Giang, tôi đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát về công tác thu ngân sách, góp phần giúp ngành Thuế tỉnh Kiên Giang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” – Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Chỉ đạo công tác thuế năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhận định diễn biến kinh tế thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước năm 2024 vẫn rất phức tạp và khó lường với dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.
Kinh tế trong nước dự báo tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, xung đột chính trị, sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi ngành Thuế phải tiếp tục nỗ lực, hết sức chủ động, bám sát tình hình để tổ chức triển khai kịp thời và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang cũng như của cả nước.
Theo đó, Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí trong tập thể Cấp ủy và Lãnh đạo Cục Thuế trong lãnh đạo chỉ đạo và nâng cao tính trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ từ đó tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, tiếp cận toàn diện các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao năm 2024.
Cục Thuế cần bám sát tình hình thu ngay từ những tháng đầu năm và các chỉ đạo của Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang để có biện pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Dự kiến ngành Thuế sẽ tiếp tục có các gói chính sách hỗ trợ về miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN. Ngay khi các chính sách được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, ban hành, các đồng chí phải khẩn trương, chủ động nghiên cứu và tổ chức triển khai kịp thời để chính sách tới được các đối tượng thụ hưởng.” – Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành lưu ý về giải pháp trọng tâm.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh, ngành Thuế luôn lấy mục tiêu “Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, vì vậy Tổng cục trưởng yêu cầu Cục Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT, chủ động trong công tác truyền thông. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ NNT. Thực hiện giải đáp, hướng dẫn về chính sách và quy trình thủ tục theo hướng hỏi rõ, trả lời đúng, cụ thể, không đùn đẩy né tránh.
Các đại biểu tham dự hội nghị
“Đặc biệt đối với các vấn đề nóng, vấn đề quan trọng như các chính sách mới, hoàn thuế GTGT, TNCN, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, xuất hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Làm sao để NNT hiểu được rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, từ đó thúc đẩy việc tuân thủ một cách tự nguyện.” – Người đứng đầu ngành Thuế lưu ý.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện các chức năng quản lý thuế, làm rõ được các ưu, nhược điểm, những vấn đề còn tồn tại, bất cập và phân tích rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó có các biện pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm.
“Về nội dung này Tổng cục đã có chỉ đạo, các đồng chí triển khai thực hiện nghiêm túc trong từng khâu, từng lĩnh vực quản lý thuế; Nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường quản lý hoàn thuế, nợ thuế, chống thất thu NSNN trên cơ sở áp dụng đầy đủ các quy định, nguyên tắc quản lý rủi ro về thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức thuế.” – Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chỉ đạo.
Đồng thời, tập trung xử lý giải quyết hoàn thuế GTGT để hỗ trợ NNT có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, đảm bảo kịp thời, thận trọng, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện thanh tra chủ động các đối tượng hoàn thuế thường xuyên để góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, chủ động xây dựng, phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế. Triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án chuyển đổi số của ngành, tiếp tục xây dựng, triển khai trung tâm dữ liệu lớn về HĐĐT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ứng dụng CSDL lớn (Big Data), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích, đối soát dữ liệu HĐĐT, phân tích rủi ro về hóa đơn, hoàn thuế,… từ đó đưa ra các cảnh báo rủi ro.
Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cùng tập thể Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Kiên Giang
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Thuế và lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang Trần Văn Điện khẳng định, trên cơ sở ý kiế chỉ đạo, Cục Thuế sẽ hoàn thiện các nhóm giải pháp triển khai công tác thuế, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện và tiếp tục triển khai đồng bộ trong công tác quản lý thuế. Đồng thời phát động phong trào thi đua quyết tâm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2024.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được Cục Thuế được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập kế hoạch tới trong quá trình thanh tra kiểm tra. Kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật trong quá trình thanh tra, đồng thời đánh giá kết quả thanh tra so với mục tiêu, yêu cầu khi lập kế hoạch thanh tra.
Đồng thời duy trì và mở rộng triển khai thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo một cách thực chất. Đề nghị các đ/c rà soát, xác định đầy đủ các DN, hộ kinh doanh thuộc đối tượng triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt đối với nhóm dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn.
“Cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành trong việc thanh kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh xăng dầu đảm bảo thực hiện đúng quy định về HĐĐT xuất theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Nội dung này Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Cục Thuế sẽ hết sức lưu ý, chủ động quyết liệt trong triển khai.” – Cục trưởng Trần Văn Điện nhấn mạnh