25 Dec Lược khảo và phân tích các dòng nghiên cứu về hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn trong khu vực công
Tóm tắt
Tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đang hướng tới việc triển khai và áp dụng vào toàn bộ các khâu trong hoạt động kinh doanh theo chu trình của nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh những sản phẩm, hàng hóa và quy trình sản xuất cụ thể của các doanh nghiệp thì các nhà khoa học cũng tiến hành nhiều nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm về chủ đề quan trọng và cần thiết này. Áp dụng kinh tế tuần hoàn, không chỉ đơn giản vạch ra tiến trình vận dụng ở nhiều cấp độ mà còn cần có sự triển khai nghiên cứu sâu rộng theo cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn từng nước. Điều này, sẽ giúp đáp ứng mục tiêu phát triển theo hướng bền vững và bảo đảm chất lượng về môi trường, khí hậu và thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, đáp ứng lợi ích hiện tại và tương lai.
Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, kinh tế tuần hoàn cần có sự thay đổi trong công tác tổ chức kế toán và công nghệ số. Bằng phương pháp tổng hợp các công bố, bài viết cung cấp bức tranh lược khảo về kinh tế tuần hoàn theo 6 dòng công bố chính, để rút ra những kết luận hướng nghiên cứu chi tiết trong thời gian tới.
Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, hệ thống thông tin kế toán, dữ liệu lớn, phát triển bền vững.
Abstract
All countries around the world are aiming to deploy and apply to all stages of business operations according to the circular economy cycle. In addition to specific products, goods, and production processes of businesses, scientists have also conducted many theoretical and experimental studies on this important and necessary topic. Applying circular economy not only simply outlines the application process at many levels, but also requires the implementation of extensive research according to a common global approach, principles established by industry, field, and criteria of the model, from which people choose to apply specifically to the practical circumstances of each country. This will help meet the goal of sustainable development, ensuring environmental and climate quality, economic prosperity, social justice, and meeting current and future benefits. Many studies show that circular economy requires changes in organizing accounting taks and digital technology. By synthesizing publications, the article provides a review of circular economy according to six main publication lines to draw valuable conclusions for detailed research in the future.
Keywords: circular economy, accounting information systems, big data, sustainable development.
JEL Classification: M41, M40, E71, Q01.
- Giới thiệu
Khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn ngày càng nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, học giả và các nhà hoạch định chính sách như một cách tiếp cận thực tế, để giải quyết những thách thức hiện tại có liên quan đến vấn đề bền vững và chuyển đổi từ mô hình sản xuất và tiêu dùng tuyến tính thành mô hình quản lý tài nguyên tuần hoàn (Esposito & cộng sự, 2018). Cụ thể, kinh tế tuần hoàn được xem là một mô hình kinh tế mới nổi (Jabbour & cộng sự, 2019a) hướng đến việc giảm thiểu việc sử dụng nguyên vật liệu, tái sử dụng, tránh rò rỉ năng lượng, giảm phát thải, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Bai & cộng sự, 2020; Chiappetta Jabbour & cộng sự, 2019b).
Các đơn vị thuộc khu vực công và cả khu vực tư nhân, được xem là những tác nhân chính trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (Kirchherr & cộng sự, 2018). Tuy nhiên, sự khác nhau trong sứ mệnh và nhiệm vụ đã tạo nên những sự khác biệt đáng kể, trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn giữa những đơn vị thuộc khu vực công và những đơn vị thuộc khu vực tư (Droege & cộng sự, 2021). Chủ đề đặt ra chính là hầu hết các nghiên cứu đã công bố có liên quan đến kinh tế tuần hoàn chủ yếu gắn liền với mối quan hệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tìm hiểu các nghiên cứu với hệ thống kế toán, công nghệ thông tin và quan hệ với cách mạng công nghiệp số hiện nay chưa được triển khai nhiều. Từ đó, với vai trò và tầm quan trọng của công tác lược khảo nghiên cứu, mục tiêu chính của bài viết này là cung cấp một bức tranh tổng quát về các dòng nghiên cứu có liên quan đến kinh tế tuần hoàn với hệ thống thông tin kế toán, dữ liệu lớn cũng như hiệu suất thực hiện trong hoạt động này theo mục tiêu bền vững.
- Phương pháp nghiên cứu áp dụng
Bất kỳ nhà khoa học nào trước khi tiến hành thu thập số liệu thứ cấp hay sơ cấp để đưa vào mô hình, áp dụng các phần mềm thống kê để tính toán các kết xuất cần thiết cho việc đưa ra kết luận đối với mức độ ảnh hưởng các biến, thì điều cần phải luôn thực hiện chính là rà soát tổng quan các nghiên cứu. Việc tổng quan này được thực hiện thông qua tổng hợp các tài liệu đã công bố trên nhiều kênh khác nhau. Tài liệu chính là những hiện vật mang lại cho con người những thông tin nào đó về vấn đề mà nhà nghiên cứu quan tâm. Tài liệu còn dùng để truyền tin hoặc bảo lưu thông tin. Khi tìm hiểu về nền kinh tế tuần hoàn, nhà nghiên cứu đã tự xác định những yêu cầu đối với phương pháp phân tích tài liệu, đó là: phải phân tích có hệ thống, phải phân loại, lựa chọn, khái quát hóa các dữ liệu, so sánh các kết luận với các giả thiết để rút ra những thông tin cần thiết từ tài liệu.
- Các dòng nghiên cứu về thực hiện kinh tế tuần hoàn trong đơn vị công
Việc tìm hiểu chủ đề kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện bởi khá nhiều nhà khoa học, từ việc tiếp cận tổng thể đến việc xác định ảnh hưởng trong nền kinh tế cũng như quá trình sản xuất. Nghiên cứu này sẽ triển khai tìm kiếm, phân tích và đánh giá thêm một góc độ khác của việc thực thi kinh tế tuần hoàn tại các tổ chức công trong mối quan hệ với mảng tài chính, kế toán của một trong các tổ chức.
3.1. Nghiên cứu về thực hiện kinh tế tuần hoàn tại khu vực công
Với mục đích phát triển một cái nhìn tổng quan về các tài liệu hiện có, về việc chiến lược và việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại các đơn vị công, Klein và cộng sự (2020) đã cho thấy, một sự hạn chế đối với những nghiên cứu về chiến lược và thực tiễn thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các đơn vị công. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đề xuất một khuôn khổ, nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể về các đơn vị công như một hệ thống với các khía cạnh tổ chức phù hợp cho việc kiểm tra và phân tích quá trình tích hợp các thực hành và chiến lược kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, khi xem xét nhận thức của công chức tại khu vực công về những thực hành có liên quan đến kinh tế tuần hoàn mà họ cho là phù hợp với các đơn vị công, Klein và cộng sự (2022) cho thấy, sự tồn tại và tiềm năng của các hoạt động có liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại các đơn vị công thường xuất hiện chủ yếu trong lĩnh vực mua sắm công.
Mặt khác, Droege và cộng sự (2021a) đã trình bày những thách thức hiện đang cản trở các tổ chức khu vực công thực hiện đánh giá kinh tế tuần hoàn và đưa ra các chiến lược để vượt qua những thách thức này. Các phát hiện cho thấy, các rào cản văn hóa, đặc biệt là việc thiếu áp lực chính trị cũng như sự phản đối sự thay đổi được coi là những thách thức chính đối với việc thực hiện đánh giá kinh tế tuần hoàn. Những thách thức về văn hóa thúc đẩy những thách thức về mặt cấu trúc, như: thiếu cam kết lãnh đạo, thiếu sự tự nguyện và thiếu sự quản lý rõ ràng đối với việc đánh giá kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, những thách thức về kỹ thuật và tài chính cũng được chứng minh là những rào cản, khiến cho việc triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn khó đạt được thành công.
3.2. Nghiên cứu về hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn
Việc đo lường hiệu suất kinh tế tuần hoàn (viết tắt là CEP) không phải là điều phổ biến, đặc biệt là ở các công ty (Sassanelli & cộng sự, 2019). Nghiên cứu hiện tại về kinh tế tuần hoàn cho thấy rằng, mặc dù khái niệm và ứng dụng của nó đã được khám phá rộng rãi như trong một số nghiên cứu điển hình, định nghĩa về các công cụ và tiêu chí đo lường “tính tuần hoàn” của sản phẩm, công ty hoặc khu vực vẫn chưa được xác định rõ ràng (Sassanelli & cộng sự, 2019; Rincón-Moreno & cộng sự, 2020). Theo đó, Rincón-Moreno và cộng sự (2020) cố gắng giải quyết khoảng cách này, bằng cách nâng cao một bộ chỉ số được điều chỉnh từ các chỉ số hiện có nhằm đảm bảo tính đơn giản và hiệu quả, dựa trên các chỉ số do các cơ quan chính phủ đề xuất.
Thông qua đánh giá tài liệu có hệ thống, các phương pháp đánh giá CEP hiện có được đề xuất trong tài liệu và dựa trên những phát hiện chính, Sassanelli và cộng sự (2019) đã phát triển khung định vị để đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn của một công ty. Bên cạnh đó, Huysman và cộng sự (2017) đề xuất một bộ chỉ số để định lượng CEP của các phương án xử lý rác thải nhựa khác nhau, nó đã được áp dụng trong một nghiên cứu điển hình về xử lý chất thải nhựa hậu công nghiệp. Trong khi đó, James và cộng sự (2023) cho rằng, nỗ lực phát triển một khuôn khổ để đo lường CEP của các bãi giữ xe ô tô, bằng cách sử dụng phương pháp lý thuyết đồ thị.
Theo Ghisellini và cộng sự (2016), việc thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức đạt được sự phát triển bền vững, thông qua đánh giá tài liệu học thuật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Panchal và cộng sự (2021) đã nêu bật mối quan hệ giữa thực hiện kinh tế tuần hoàn và mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, cung cấp những hướng đi mới giúp cho việc điều chỉnh các tiêu chí đánh giá hiệu suất thực hiện kinh tế tuần hoàn gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù, nhiều chỉ số của kinh tế tuần hoàn cho biết rằng, chúng đo lường tính bền vững nhưng chúng không xem xét đến giá trị ba khía cạnh bền vững. Do đó, bất kỳ quyết định nào áp dụng chiến lược thực hiện kinh tế tuần hoàn đều phải cân nhắc cẩn thận về hiệu suất bền vững tiềm năng của nó.
Do đó, de Oliveira và Oliveira (2023) đã thực hiện phân tích các chỉ số tuần hoàn, có thể đánh giá ba trụ cột của tính bền vững ở cấp độ vĩ mô và vi mô để chỉ ra những khoảng trống. Trên cơ sở đó, de Oliveira và Oliveira (2023) đề xuất phương pháp ba bước cho tám chỉ số tuần hoàn phù hợp với tính bền vững: mô tả đặc điểm theo nguồn, loại, chu kỳ, chiến lược thực hiện kinh tế tuần hoàn, chiến lược kinh doanh, phương pháp luận và nhiều vòng đời; phân tích dựa trên ba nguyên tắc thực hiện kinh tế tuần hoàn và bằng sự đóng góp trực tiếp cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Đáng chú ý, trong nghiên cứu về thực hiện kinh tế tuần hoàn tại khu vực công, Droege và cộng sự (2021b) đã đề xuất một khuôn khổ bao gồm các thành phần sau: định nghĩa hệ thống; định nghĩa về 35 yếu tố đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn; mục tiêu đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn và các chỉ số thực hiện kinh tế tuần hoàn. Khung này góp phần nâng cao hiểu biết về tính tuần hoàn, từ góc độ khu vực công xem xét ba khía cạnh chính: nguồn lực, hoạt động và quy trình cũng như các hoạt động liên quan đến xã hội và nhân viên.
3.3. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa kế toán và kinh tế tuần hoàn
Trong nghiên cứu về các nguyên tắc liên quan đến kinh tế tuần hoàn vào kế toán bền vững, Aranda-Usón và cộng sự (2022) đã nêu bật ý nghĩa của mô hình kinh doanh tuần hoàn đối với kế toán bền vững được thực hiện, để lồng ghép phần giới thiệu về kinh tế tuần hoàn ở cấp độ vi mô và đưa ra một tầm nhìn mới về ý nghĩa của nền kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Di Vaio và cộng sự (2023) đã nêu bật cách thức nền kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải, tính bền vững, trách nhiệm giải trình và kế toán quản trị giúp phát triển hệ sinh thái và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Kết quả nghiên cứu của Jørgensen và cộng sự (2023) đã làm sáng tỏ sự phát triển của hệ thống kế toán tài nguyên và chứng minh hiệu quả của việc sử dụng thông tin kế toán tài nguyên, để khuyến khích hành vi tái chế của các hộ gia đình. Phát hiện của nghiên cứu này cũng cho thấy, cách hệ thống kế toán tài nguyên cho phép đo lường các dòng tài nguyên và việc sử dụng thông tin tài nguyên đó, để thúc đẩy tính tuần hoàn giữa các hộ gia đình. Hơn nữa, các thử nghiệm của nhóm tác giả cho thấy, tính hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu kế toán tài nguyên để khuyến khích hành vi tái chế. Vì vậy, nghiên cứu hiện tại làm sáng tỏ vai trò của kế toán trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Trong nghiên cứu tìm hiểu về vai trò của hệ thống kế toán đối với việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại các đơn vị công Pham và Vu (2023) đã cho thấy, hệ thống kế toán ổn định và hệ thống kinh doanh thông minh, bổ sung thông minh là những yếu tố có tác động tích cực đến việc thực hiện kinh tế tuần hoàn tại các đơn vị công. Kết quả nghiên cứu còn làm sáng tỏ việc nâng cao năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn có tác động tích cực đáng kể đến đổi mới theo định hướng bền vững tại các đơn vi công. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác kế toán cũng gặp phải những rào cản nhất định. Thật vậy, trong nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra các rào cản trong việc điều chỉnh các thông lệ kế toán hiện tại để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.
Kwarteng và cộng sự (2023) chỉ ra rằng, có một số rào cản trong việc điều chỉnh các thông lệ kế toán hiện tại để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, bao gồm: rào cản báo cáo kế toán, rào cản tài chính/kinh tế, rào cản công nghệ, rào cản quản lý/hành vi, rào cản tổ chức và rào cản thể chế.