Một số giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015 đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Một số giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015 đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên*  (*Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA))

Nhận:              27/06/2023

Biên tập:          28/06/2023

Duyệt đăng:    10/07/2023

Tóm tắt

Luật Kế toán 2015 đã có hơn 6 năm ban hành và áp dụng, từ đó đến nay nền kinh tế và các công nghệ kế toán đã có nhiều thay đổi và phát triển, xuất hiện những vấn đề mới hoặc những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với hoạt động thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán 2015 là cần thiết để đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới của nền kinh tế và các vấn đề của Cuộc Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.

Từ khóa: sửa đổi Luật Kế toán, bổ sung Luật kế toán, chuyển đổi số quốc gia.

Abstract

The Accounting Law 2015 has had more than six years of promulgation and application since then the economy and accounting technologies have changed and developed, new problems or issues that need to be adjusted to suit actual activities, Therefore, the amendment and supplementation of the Accounting Law 2015 is necessary to ensure the practicality, efficiency, and suitability with the new conditions and requirements of the economy and the issues of the 4.0 revolution and national transformation

Keywords: amendment of the law on accounting, supplementing the law on accounting, national digital.

JEL Classifications: M40, M49, M41.

DOI: https://doi.org/10.59006/vnfa-jaa.07202301

  1. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015

Luật Kế toán 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Việc ban hành Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, đã tạo cơ sở pháp lý cho kế toán thực hiện tốt vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế, tài chính phục vụ việc quản lý, điều hành, đảm bảo tính minh bạch, ổn định và bền vững của nền kinh tế; cung cấp thông tin về tình hình tài chính của các đơn vị, tổ chức, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định hợp lý và hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Luật Kế toán 2015 đã có hơn 6 năm áp dụng, từ đó đến nay, nền kinh tế và các công nghệ kế toán đã có nhiều thay đổi và phát triển, xuất hiện những vấn đề mới hoặc những vấn đề cần điều chỉnh để phù hợp với hoạt động thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán 2015 là cần thiết để đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả và phù hợp với điều kiện yêu cầu mới của nền kinh tế, các vấn đề của Cuộc Cách mạng 4.0 (CM 4.0) và chuyển đổi số quốc gia.

Sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán, tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho cải thiện chất lượng kế toán và tăng cường tính minh bạch, công bằng trong kế toán, giúp các đơn vị, doanh nghiệp (DN), tổ chức có thể hoạt động hiệu quả hơn và cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, giúp đáp ứng các yêu cầu của Cuộc CM 4.0 và chuyển đổi số quốc gia, tăng cường quản lý tài chính và phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng thông tin kế toán, tạo điều kiện cho sự phát triển của các DN và tổ chức. Việc sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán là một công việc quan trọng, cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Theo chúng tôi, sửa đổi bổ sung Luật Kế toán 2015 nhằm hướng tới các mục đích chủ yếu, như:

Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch và công bằng; đồng bộ, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế

Với sự phát triển công nghệ và các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, cần phải sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong kế toán, giữa các đơn vị, lĩnh vực, loại hình hoạt động trong nước, các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, đáp ứng được các yêu cầu của các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, giúp Việt Nam tiếp cận với các tiêu chuẩn kế toán quốc tế như IFRS, các DN, tổ chức, đơn vị, có thể cung cấp thông tin kế toán chính xác, đầy đủ và có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, đáp ứng yêu cầu của Cuộc CM 4.0 và chuyển đổi số quốc gia

Cuộc CM 4.0 và chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tạo ra nhiều thay đổi và thách thức mới đối với kế toán. Sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán để đáp ứng yêu cầu của Cuộc CM 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đơn vị, DN và tổ chức có thể áp dụng công nghệ kế toán mới nhất để tăng cường hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, tăng cường quản lý tài chính và phòng ngừa rủi ro

Sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán cũng giúp tăng cường quản lý tài chính và phòng ngừa rủi ro, giúp các đơn vị, DN, tổ chức có thể đưa ra các quyết định kế toán hợp lý và hiệu quả để phát triển và mở rộng hoạt động. Luật Kế toán mới có thể đưa ra các quy định mới về việc đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro tài chính, giúp các đơn vị, DN, tổ chức có thể tối ưu hóa quản lý tài chính và giảm thiểu rủi ro.

Thứ tư, nâng cao chất lượng thông tin kế toán

Sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán còn giúp nâng cao chất lượng thông tin kế toán, giúp các đơn vị, DN và tổ chức có thể cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về tình hình tài chính, hoạt động và kinh doanh, đồng thời giúp các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định hợp lý và hiệu quả. Tạo điều kiện cho các đơn vị, DN và tổ chức có thể hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nền kinh tế của Việt Nam, giúp tăng cường sự tin tưởng từ phía các nhà đầu tư và các bên liên quan khác.

Thứ năm, tạo điều kiện cho sự phát triển của các DN và tổ chức

Sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán có thể tạo điều kiện để các đơn vị, DN và tổ chức có thể áp dụng các công nghệ kế toán mới nhất và tiên tiến nhất, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trên thị trường. Có thể đưa ra các quy định mới về việc hỗ trợ các DN có quy mô nhỏ và vừa, tăng cường sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nền kinh tế.

  1. Những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015

Thứ nhất, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh về môi trường hoạt động, Cách mạng Công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, sự khác biệt về cơ chế chính sách liên quan mà Luật Kế toán chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn, đó là:

Một là, môi trường hoạt động liên quan đến kế toán có nhiều biến đổi, như việc mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế, các cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các DN nước ngoài và hoạt động của các DN trong nước được mở rộng ra phạm vi ngoài nước. Đòi hỏi, các cơ chế chính sách về tài chính – kế toán phải điều chỉnh kịp thời và các quy định về kế toán ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Hai là, phạm vi và đối tượng của hoạt động kế toán ngày càng đa dạng và mở rộng, bao gồm cả lĩnh vực khu vực công (Nhà nước) và khu vực tư (DN) với quy mô, tổ chức hoạt động và các thành phần sở hữu vốn khác nhau, nên các quy định Luật Kế toán cần phải bao trùm và đảm bảo sự phù hợp và hợp lý.

Ba là, Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 cùng quá trình chuyển đổi số, phát triển nhanh chóng dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc (như thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán và giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử,…). Luật Kế toán cần bổ sung và sửa đổi những quy định mới, để làm rõ hơn những vấn đề này cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Bốn là, các công cụ công nghệ, phần mềm kế toán hiện đang phát triển rất đa dạng, chất lượng khác nhau để hỗ trợ công tác kế toán, nhưng sự kiểm soát, sự đảm bảo chất lượng đối với các phần mềm kế toán và các công cụ ứng dụng hệ thống chưa được quy định trong Luật Kế toán. Đòi hỏi cần phải có những quy định phù hợp, để đảm bảo chất lượng của các phần mềm kế toán, các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán và công tác quản lý đơn vị, tổ chức và DN.

Năm là, sự khác biệt và chưa thật đồng bộ, thống nhất về cơ chế chính sách, như liên quan đến chính sách thuế và các quy định khác quy định pháp luật về kế toán. Thực tế dẫn đến việc, hiểu, vận dụng và tổ chức thực hiện các đơn vị dường như chỉ quan tâm và tập trung đến việc thực hiện theo chính sách liên quan (ví dụ như hoàn tất các thủ tục để thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc các quy định thuộc chính sách khác), không quan tâm nhiều đến việc thực hiện theo quy định của kế toán, để cung cấp thông tin tài chính của đơn vị theo quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán.

Thứ hai, những hạn chế, bất cập bộc lộ trong thực tiễn thi hành Luật Kế toán 2015 đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Một là, một số quy định về nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo kế toán trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 và số hóa công tác kế toán thì các quy định Luật Kế toán cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng từ kế toán (hình thức chứng từ kế toán điện tử, lập, ký, lưu trữ, bảo quản và sử dụng chứng từ kế toán điện tử,…) đáp ứng chuyển đổi số; cập nhật quy định về tài khoản trong kế toán số, hạch toán những tài sản, đối tượng kế toán mới, hoạt động mới sẽ phát sinh do công nghệ và chuyển đổi số; các quy định mới về sổ kế toán (hình thức sổ kế toán, sổ kế toán điện tử, quy trình lập sổ, ghi sổ, chữa sổ kế toán, lưu trữ và quản lý sổ kế toán, tự động hóa các công việc liên quan sổ kế toán…); vấn đề quy định về báo cáo kế toán cũng cần được đặt ra để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như các loại báo cáo kế toán (báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo kế toán quản trị), nội dung, hình thức, thời hạn lập, công khai báo cáo kế toán, tính minh bạch thông tin báo cáo và việc ứng dụng công nghệ 4.0 lập báo cáo kế toán cho phù hợp.

Hai là, quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ trong lĩnh vực kế toán và ứng dụng tại các đơn vị kế toán, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về kế toán phù hợp với môi trường điện tử, như: quy định về chữ ký, quy định về ghi chép kế toán, về việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cần đảm bảo phù hợp.

Ba là, những vướng mắc trong thực tiễn về tổ chức bộ máy kế toán, việc bố trí bộ phận kế toán riêng, hoặc trực thuộc các phòng/ban, đơn vị kế toán phụ thuộc, đơn vị kế toán báo sổ, nguyên tắc kiêm nhiệm ở các đơn vị thuộc lĩnh vực kế toán Nhà nước, tiêu chuẩn điều kiện của người làm kế toán của kế toán trưởng…

Bốn là, quy định nguyên tắc hạch toán các tài sản, công nợ theo giá gốc không phù hợp với thông lệ quốc tế và không phản ánh đầy đủ giá trị của tài sản và công nợ. Trong khi đó, giá trị của chúng biến động thường xuyên theo giá thị trường và có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì cần được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập BCTC.

Năm là, chất lượng kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của xã hội, sự không trung thực, gian lận trong hạch toán kế toán đã xảy ra nhiều; BCTC chưa kịp thời, độ tin cậy chưa cao, nên các quy định trong Luật Kế toán cần đầy đủ, chế tài xử lý mạnh, nghiêm để tính tuân thủ pháp luật được hiệu lực cao.

Sáu là, tổ chức nghề nghiệp về kế toán chưa phát triển thành tổ chức tự quản, hoạt động nghề nghiệp kế toán như ở các nước trên thế giới, chưa thể hiện vai trò quan trọng, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng chuẩn mực kế toán, quản lý nghề nghiệp kế toán và tham gia giám sát chất lượng dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán; để thực hiện mục tiêu theo Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030 xây dựng mô hình tổ chức hoạt động nghề nghiệp kế toán thống nhất, tự quản, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định Luật Kế toán về tổ chức nghề nghiệp kế toán cho phù hợp xu hướng đó.

Thứ ba, những quy định pháp luật có liên quan thay đổi cũng đặt ra những vấn đề/nội dung cần sửa đổi bổ sung Luật Kế toán cho tương thích, đồng bộ và nhất quán

Điển hình như Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và các Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC đã có quy định về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hoá đơn; áp dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử được triển khai trên phạm vi cả nước, yêu cầu đặt ra đối với Luật Kế toán cũng cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp. Bên cạnh đó, chưa thống nhất giữa Luật Kế toán và Luật Quản lý Thuế đối với việc ký BCTC của DN (theo Luật Kế toán thì người lập, kế toán trưởng và người đại diện pháp luật phải ký tên trên BCTC của DN, tuy nhiên, theo quy định Luật Quản lý thuế thì trên hệ thống kê khai chỉ bắt buộc người đại diện pháp luật ký số, không bắt buộc kế toán/kế toán trưởng phải ký trên BCTC. Hoặc cũng chưa có sự thống nhất quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ, (Luật Quản lý thuế quy định có ít nhất 1 người có chứng chỉ kế toán viên, còn Luật Kế toán yêu cầu DN dịch vụ kế toán phải có ít nhất 02 kế toán viên hành nghề…). Những vấn đề trên cần được nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo các quy định thống nhất và đồng bộ, đảm bảo sự tương đồng về yêu cầu, thủ tục giữa các Luật và văn bản hướng dẫn Luật liên quan.

  1. Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015

3.1. Cần rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong kế toán

Các quy định trong Luật Kế toán 2015 hiện nay về các nội dung công tác kế toán, gồm chứng từ, tài khoản, sổ, báo cáo kế toán, các tài liệu kế toán,… chủ yếu theo kế toán thủ công (thực hiện trên giấy), chỉ có quy định thêm cho các trường hợp giao dịch điện tử chứ chưa có các quy định cụ thể hướng theo kế toán điện tử. Vì vậy, các quy định về nội dung công tác kế toán cần sửa đổi bổ sung trong Luật Kế toán sửa đổi.

Về chứng từ kế toán

Luật Kế toán 2015 quy định các loại chứng từ kế toán nhưng không quy định hình thức của chúng, việc điều chỉnh quy định này sẽ giúp cho kế toán có thể sử dụng các công nghệ mới như điện tử hoặc chữ ký số để tạo lập, luân chuyển, xử lý và lưu trữ chứng từ kế toán bằng phương tiện điện tử, icloud… Luật Kế toán hiện hành chỉ quy định chứng từ kế toán dưới dạng giấy tờ và yêu cầu phải ký chứng từ kế toán bằng chữ ký tay (ví dụ, quy định khi viết chứng từ phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo, chứng từ phải lập đủ số liên theo quy định; ký tất cả các liên chứng từ bằng bút mực xanh không phai, chữ ký trên chứng từ của 01 người phải thống nhất…). Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số, cần hướng tới chứng từ kế toán điện tử và ký bằng chữ ký số để tăng tính tiện lợi và giảm tối đa các sai sót, giảm tối đa tình trạng mất mát, thiếu sót hoặc giả mạo chứng từ kế toán, nên các quy định hiện hành không còn phù hợp nữa. Bổ sung quy định cụ thể hơn về việc quản lý, sử dụng chứng từ điện tử, chữ ký số, hóa đơn điện tử; điều chỉnh quy định về hình thức lưu trữ để lưu trữ chứng từ kế toán cho phép sử dụng các công nghệ mới để quản lý và lưu trữ chứng từ kế toán một cách hiệu quả và an toàn hơn. Ngoài ra, có thể nghiên cứu bổ sung quy định về chứng từ kế toán đối với các loại tài sản mới (ví dụ trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn), các loại chi phí mới (ví dụ chi phí nghiên cứu và phát triển) giúp kế toán ghi nhận và BCTC cho các tài sản, chi phí này một cách chính xác và minh bạch và phù hợp với thực tế sử dụng công nghệ thông tin trong kế toán