13 Sep Nên đánh thuế đất hay thuế nhà?
Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần phải tính toán cụ thể và thận trọng về đề xuất đánh thuế căn nhà ở thứ hai trở lên.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có một bản báo cáo liên quan đến thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế đất đai và bất động sản.
Trong báo cáo này, Bộ Tài chính cho biết số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GPD và khoảng 0,15% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, ở những nước khác, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP các nước trong tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong đó Canada là 4%; Mỹ cao nhất là 3% và nước thấp nhất là 1%.
Mặt khác, theo dự kiến, việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam theo đánh giá đang liên tục tăng trong các năm gần đây, dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD đến năm 2020.
Thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới khi hàng loạt chính sách mới và các chính sách về tín dụng cho vay bất động sản đã có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2016.
Bộ Tài chính cho rằng, để thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, vì vậy cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản.
Trước đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên. Cách tính thuế như thế nào thì chưa được quy định cụ thể, tuy nhiên đây cũng là một phương án Bộ đang xem xét áp dụng để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Cần có Luật Thuế tài sản
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng Cục Thuế) nêu quan điểm, về lâu dài cần có một đạo luật để thực hiện vấn đề đánh thuế tài sản bất động sản, bởi đây là tài sản hiện hữu trên địa bàn địa phương, ai cũng có thể nhìn thấy được.
Dưới góc độ là đại diện cơ quan quản lý về thị trường bất động sản, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đất là sở hữu toàn dân thì chuyện chống đầu cơ là đúng.
“Sắc thuế đang bàn ở đây là cần thiết, bởi liên quan đến bất động sản là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước đang đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhưng mới đánh thuế vào đất chứ chưa đánh thuế vào nhà. Thêm vào đó, mức thuế vẫn còn thấp, chưa đủ để người sử dụng đất sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa chống được đầu cơ”.
Ông Vũ Văn Phấn cũng nêu thực tế nhiều dự án khu đô thị đã triển khai nhưng không ít người mua biệt thự, các lô đất rồi để không rất nhiều. Thế nên nếu sửa thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng từ lô đất thứ hai trở đi phải chịu thuế thì chắc chắn đất đai sẽ không bị bỏ không như hiện nay.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Sở dĩ các nước phát triển thành công vì nhận thức được đất đai và tài nguyên thiên nhiên là nguồn gốc hưng thịnh của quốc gia, tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia. Trên cơ sở đó, họ tính thuế đánh vào đất rất cao. Vì vậy, “điều chúng ta cần bàn là phải cải cách thêm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”, “chúng ta đội thuế lên thì cầu về đất sẽ giảm, có nghĩa là giá sẽ giảm, sẽ có giá đầu vào hợp lý cho quá trình sản xuất, không phải chịu chi phí về đất lớn như hiện nay”.
Đánh thuế tăng thêm vào căn nhà thứ hai: Nên hay không?
GS. Đặng Hùng Võ nhận định, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. “Khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê”.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, “về việc đánh thuế với bất động sản thứ hai, cần phải cẩn thận với trường hợp của Việt Nam”. Ông cho biết, mục đích đánh thuế bất động sản thứ 2 là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Tuy nhiên, các giao dịch trên thị trường bất động sản Việt Nam vẫn giữ ở mức ổn định, chưa tăng trưởng quá mạnh. Vì vậy, khi mà áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai thị trường sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước.
Đại diện Savills Hà Nội cũng cho rằng không nên áp dụng bài học của Singapore trong việc đánh thuế bất động sản thứ 2 vì đây là 2 trường hợp hoàn toàn khác biệt.
“Singapore đưa ra chính sách thuế bất động sản thứ 2 khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, cung không đủ cầu, do đó cần đưa ra chính sách thuế để cân bằng thị trường. Ở Việt Nam thì ngược lại, cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam”, ông Matthew lưu ý.
Cho rằng cần xem xét, tính toán để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng đưa quan điểm, “cần phải có lộ trình: Khi nào đánh, đánh bao nhiêu và liệu có quản lý được không”, ông cũng cho biết Bộ Tài chính đã lập ra nhóm chuyên gia để thực hiện vấn đề này”.
Còn theo ông Vũ Văn Phấn: “Sau này, nếu chúng tôi tham gia xây dựng sắc thuế này, chúng tôi sẽ tính toán mức thuế đối với những người có một nhà và chỉ để sử dụng, những người nghèo, thu nhập thấp để mức đóng thuế không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu ra sắc thuế mới này thì không được thuế chồng thuế. Có nghĩa là, một là thay thế thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hoặc là sửa đổi bổ sung thuế sử dụng đất phi nông nghiệp kèm theo công trình trên đất”, ông Phấn khẳng định.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính phải nghiên cứu kỹ đề xuất đánh thuế nhà thứ 2 trở lên với người sở hữu nhiều tài sản là bất động sản.
Thu Hương
Baochinhphu