Ngành Thuế chuyển đổi số triệt để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Ngành Thuế chuyển đổi số triệt để phục vụ người dân và doanh nghiệp

Với quan điểm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” vì vậy hoạt động quản lý thuế của ngành Thuế sẽ được đẩy mạnh chuyển đổi số liên tục, toàn diện và đồng bộ. Trong đó tiếp tục chú trọng triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư trong việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để tăng cường các dịch vụ cho người nộp thuế là cá nhân.

Tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng chương trình kế hoạch hành động để triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã xác thực của cơ quan thuế…

Chia sẻ về những điểm nổi bật trong công tác chuyển đổi số của ngành Thuế thời gian qua, ông Vũ Lê Huy – Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, với định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người nộp thuế (NNT), cán bộ thuế; việc triển khai tích hợp với các nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia trong việc sử dụng dữ liệu dùng chung, cùng với việc nghiên cứu các phương án quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số, ngành Thuế đã nâng cao việc áp dụng CNTT trong các hoạt động quản lý thuế. Kết quả, ngành Thuế đã và đang tiếp tục triển khai hệ thống HĐĐT với việc tiếp nhận hàng tỷ hóa đơn/năm.

Theo ông Vũ Lê Huy, lũy kế đến đến ngày 18/8/2023, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là hơn 4,868 tỷ hóa đơn. Trong đó, hóa đơn điện tử có mã 1,432 tỷ hóa đơn; hóa đơn điện tử không có mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 1,242 tỷ hóa đơn; hóa đơn điện tử không mã gửi bảng tổng hợp là hơn 2,193 tỷ hóa đơn; hóa đơn theo từng lần phát sinh hơn 1 triệu hóa đơn.

Cùng với đó, ngành Thuế cũng đã triển khai hệ thống dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thể khai thuế, nộp thuế từ bất kỳ nơi nào trên thế giới; hệ thống tiếp nhận dữ liệu từ sàn thương mại điện tử, đặc biệt tập trung ứng dụng phục vụ người dân là hệ thống thuế điện tử cho thiết bị di động eTax – Mobile, trong đó đã tích hợp với CSDL quốc gia dân cư, cũng như xác thực định danh điện tử VnEID.

“Với quan điểm là mọi thứ đều có thể chuyển đổi số, chuyển đổi số là liên tục và diễn ra trong mọi hoạt động của ngành Thuế, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục chú trọng, triển khai kết nối với CSDL quốc gia dân cư trong việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, để tăng cường các dịch vụ cho NNT là cá nhân” – ông Huy thông tin.

Phó Cục trưởng Vũ Lê Huy cho biết, năm 2023 là năm tăng tốc để thực hiện thành công kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025, phát triển chính phủ số, và đảm bảo an toàn thông tin mạng vì vậy nhiệm vụ triển khai ứng dụng CNTT cũng rất nặng nề và cấp bách.

Để thực hiện mục tiêu này, cơ quan thuế đã cung cấp dịch vụ khai kết nối, trao đổi, thu thập thông tin theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống quản lý thuế và quản lý nội ngành, Cục CNTT sẽ tham mưu cho Tổng cục Thuế tiếp xây dựng, nâng cấp Hệ thống Quản lý thuế đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ và chương trình chuyển đổi số quốc gia; mở rộng triển khai áp dụng HĐĐT; triển khai hệ thống phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro trong quản lý thuế; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý nội bộ của cơ quan thuế; xây dựng nền tảng dữ liệu phục vụ nghiệp vụ quản lý thuế và các dịch vụ thuế số cung cấp cho người dùng.

Đặc biệt, cơ quan thuế sẽ tiếp tục nâng cấp, triển khai hệ thống quản trị, vận hành hệ thống, giám sát hạ tầng CNTT, giám sát an toàn thông tin, dò quét, xử lý lỗ hổng,… theo hướng hiện đại đáp ứng theo các tiêu chuẩn thế giới và khu vực, qua đó từng bước nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế.

Sử dụng mã số định danh để khai, nộp thuế

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành Thuế cũng đã triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư để hướng tới sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lý Thị Hoài Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, chuẩn bị cho việc chuyển đổi sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Tổng cục Thuế đã chủ động làm việc với Bộ Công an để trao đổi thông tin giữa CSDL thuế với CSDL quốc gia dân cư để truy vấn thông tin về mã số định danh tương ứng với các mã số thuế.

Theo đó, tính đến ngày 17/8/2023, ngành Thuế đã tiếp nhận 9.713 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 4.730 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

“Tuy nhiên, do tính chất của mã số thuế cá nhân là khối lượng lớn, có tính chất lịch sử, được cấp và sử dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật có thay đổi qua các thời kỳ, nên vẫn còn một số lượng mã số thuế cá nhân chưa truy vấn được mã số định danh cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư. Đối với nhóm mã số thuế này, cơ quan thuế đã triển khai các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ NNT để kê khai thay đổi thông tin đăng ký thuế, đảm bảo truy vấn được với Bộ Công an để thu thập thông tin về mã số định danh công dân” – bà Hương chia sẻ.

Gần 100% DN khai thuế điện tử

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 17/8/2023, có 907.521 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 908.061 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,94%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 1/1/2023 đến ngày 17/8/2023 là 12.137.504 hồ sơ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đang chủ trì dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế trình Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn về việc sử dụng mã số định danh thay cho mã số thuế.

Bà Hương cho biết, dự kiến sau khi thông tư được ban hành và có hiệu lực, NNT sẽ sử dụng chính mã số định danh của mình để thực hiện kê khai, nộp thuế hoặc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) khác với cơ quan thuế.

Chia sẻ về hiệu quả, lợi ích việc triển khai sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế đối với người nộp thuế, bà Hương cho biết, trước đây mỗi người được cấp một số chứng minh thư hoặc căn cước công dân rồi lại được cấp thêm mã số thuế, mã số sổ BHXH, số thẻ BHYT…, thì về phía công dân phải ghi nhớ rất nhiều loại thông tin và kê khai các thông tin này cho các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Về phía cơ quan nhà nước thì quản lý độc lập và không có sự liên kết, trao đổi thông tin giữa các ngành, lĩnh vực.

Khi sử dụng thống nhất mã số định danh công dân làm mã số thuế nói riêng để giải quyết TTHC với cơ quan thuế và sử dụng mã định danh để giải quyết TTHC với các cơ quan nhà nước khác thì người dân chỉ cần kê khai thông tin số định danh của mình; các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi thông tin về quản lý theo ngành, lĩnh vực đối với công dân để tăng cường hiệu quả quản lý thuế nói riêng và quản lý nhà nước nói chun