14 Feb Ngành Thuế quyết liệt triển khai tiết kiệm chi và chống lãng phí năm 2025
Căn cứ yêu cầu sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, Tổng cục Thuế đã thực hiện quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí và quyết liệt triển khai công tác thực hành tiết kiệm chi ngay từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý sử dụng và quyết toán NSNN trên các lĩnh vực, gồm: quản lý tài chính, chi đầu tư phát triển và quản lý tài sản.
Nghiêm túc thực hiện tiết kiệm chi, chống lãng phí
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công điện số 125/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11/2024 về thực hiện đẩy mạnh công tác chống lãng phí; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 08/01/2025 về đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2025 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ rõ năm 2025 là năm đặc biệt, năm cuối cùng triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 09 ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển “Tổng cục Thuế đã quán triệt nghiêm túc và thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý tài chính, chi tiêu tài chính, điều hành chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, công tác quản lý chi, tiết kiệm chi dựa trên định hướng tinh gọn, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương. Từ đó, năm 2025, ngành Thuế xác định nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra hàng đầu trong công tác quản lý tài chính là tiết kiệm chi tiêu, thể hiện qua các lĩnh vực quản lý tài chính, quản lý tài sản, chi đầu tư phát triển. Điểm nhấn của công tác quản lý chi thường xuyên trong năm 2025 sẽ theo định hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Theo đó, số lượng đầu mối đơn vị, nhân sự được thu gọn theo lộ trình sắp xếp bộ máy nên chi tiêu công, chi thường xuyên cũng sẽ giảm theo, vì vậy sẽ tiết kiệm chi đáng kể trong toàn ngành, để dành nguồn lực này cho chi đầu tư phát triển xã hội”. |
Đồng thời, năm 2025 cũng là năm triển khai xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN giai đoạn 2026-2030, năm tiến hành Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đặc biệt, tại kỳ họp Thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu đạt khoảng 7-7,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%…
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024 về dự toán NSNN năm 2025 đã nêu rõ các chỉ tiêu: Dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 31%, chi thường xuyên khoảng 60,9%.
Quán triệt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Bộ Tài chính năm 2025 về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi NSNN theo dự toán đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ngành Thuế Việt Nam đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt công tác tiết kiệm chi ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện thống nhất từ lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý sử dụng và quyết toán NSNN với mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN theo dự toán Quốc hội đề ra, từ đó góp phần quan trọng trong ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, tiết kiệm chi dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội.
Triệt để tiết kiệm chi trên mọi phương diện
Theo đó, Tổng cục Thuế thực hiện triển khai kế hoạch tổng thể, đồng bộ về tiết kiệm chi thông qua các lĩnh vực: quản lý tài chính; chi đầu tư phát triển; quản lý tài sản. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về lĩnh vực quản lý tài chính: Tổng cục Thuế xác định số kinh phí tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2025 so với năm 2024 theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý chi NSNN, trong đó có quản lý chi đầu tư hiện đại hóa ngành Thuế cũng như nâng cao năng lực quản lý, giám sát và kiểm tra thực hiện chi.
Từ đó, tổ chức thực hiện, phân cấp quản lý, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng NSNN; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 về sắp xếp bộ máy tổ chức, đảm bảo chế độ cho công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế quán triệt toàn ngành tăng cường công tác lập, thẩm định dự toán NSNN mua sắm tài sản, ước thực hiện chi NSNN bảo đảm sát đúng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lập dự toán chi bảo đảm sát đúng yêu cầu và khả năng thực hiện; lập dự án đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Để thực hiện tiết kiệm chi có hiệu quả, Tổng cục Thuế còn tiến hành lập dự toán, kế hoạch đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Thuế bám sát nhu cầu thực tế, đồng thời trên cơ sở định hướng phát triển của ngành Thuế trong giai đoạn 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song song với đó, quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ, giao dự toán, tổ chức, triển khai thực hiện; đẩy nhanh công tác thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành.
Thứ hai, về lĩnh vực chi đầu tư phát triển: Trong năm 2025, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục cắt giảm các chi phí không cần thiết khi thực hiện phê duyệt dự án đầu tư, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án, thẩm định dự toán thiết kế, thanh toán quyết toán vốn đầu tư… để phát huy được hiệu quả sử dụng vốn; đồng thời tận dụng tối đa các trang thiết bị có sẵn, hạn chế mua sắm mới gây lãng phí.