Ngành Thuế tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi số toàn diện vì sự phát triển bền vững của DN

Ngành Thuế tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi số toàn diện vì sự phát triển bền vững của DN

Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn tại Diễn đàn Thuế – Hải quan năm 2024 với chủ đề “Cải cách Thuế – Hải quan vì sự phát triển bền vững của DN” vừa được Thời báo Tài chính Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều nay (16/10).

Những thách thức của nền kinh tế

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, công tác cải cách thuế vì sự phát triển bền vững của DN, lấy DN làm trung tâm phục vụ – là mục tiêu xuyên suốt mà ngành Thuế hướng tới và được thể hiện trong tất cả các hoạt động về cải cách thể chế chính sách thuế và cải cách hành chính và số hóa toàn diện công tác quản lý thuế.

Phó Tổng cục trưởng cho biết, theo thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay, tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; DN sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99%; 100% DN, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử. Kết quả trên là sự nỗ lực, minh chứng rõ nét nhất cho công tác cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số của ngành Thuế vì sự phát triển của DN.

Đánh giá về kinh tế, chính trị thế giới trong giai đoạn vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhận định những bất ổn khởi phát từ các cuộc xung đột và sự tranh giảnh về địa chính trị của các nước lớn đã khiến thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững của cả thế giới và cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam bởi nền kinh tế của chúng ta đã có độ mở khá lớn trên trường quốc tế.

Trước tình hình phức tạp của thế giới và dự báo được những ảnh hưởng, tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua nạn dịch covid với những tổn thất rất nghiêm trọng, ngay từ đầu năm 2024 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán NSNN năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, những quyết sách kịp thời, đặc biệt là với những chính sách hỗ trợ, gia hạn, miễn giảm các loại thuế trong lĩnh vực thuế đã kịp thời hỗ trợ người dân, DN khôi phục sản xuất kinh doanh và phát triển mạnh mẽ trở lại. Đây là những điều kiện tiền đề đưa kinh tế – xã hội cả nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, giúp cho sự tồn tại và phát triển của DN.

Thống kê giai đoạn 2020-2023 và đến thời điểm tháng 9 năm 2024, mức tăng trưởng tăng trưởng về kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần. Đặc biệt, với quyết tâm vượt khó, cộng đồng DN trong nước với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả sau giai đoạn dịch bệnh và ảnh hưởng của bão lũ.

Đồng bộ chính sách thuế góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh

Trong những năm qua, hệ thống chính sách thuế đã và đang được Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có Tổng cục Thuế đã triển khai cải cách đồng bộ các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu của giai đoạn 2021-2030 như: thuế GTGT; thuế TTĐB; thuế XK, thuế NK; thuế TNDN… theo đúng định hướng đã đề ra tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế ban hành kèm theo Quyết định 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu để góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Đối với công tác quản lý thuế, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, ngành Thuế đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện pháp luật quản lý thuế, trong đó, đã sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, tạo hành lang pháp lý nhằm cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tất cả các khâu của công tác quản lý thuế.

“Việc quy định áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử, đã góp phần tạo thuận lợi, đơn giản hóa và tiết kiệm thời gian cho việc thực hiện các thủ tục về thuế, giảm chi phí tuân thủ cho NNT, tăng cường đối thoại với NNT để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó thực hiện đúng mục tiêu “Lấy NNT là trung tâm phục vụ” đã tạo những điều kiện để cơ quan thuế và NNT phối hợp hiệu quả hơn trong công tác thu NSNN và tạo môi trường minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.” – Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn chia sẻ.

Hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng cho NNT dưới nhiều hình thức

Ngành Thuế tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị đối thoại, trao đổi, tọa đàm theo hình thức để hỗ trợ cộng đồng DN. Cơ quan thuế các cấp tập trung tuyên truyền, hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng cho NNT dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là bằng phương thức điện tử như: Website ngành Thuế, hỗ trợ NNT tra cứu thông tin thuế và các văn bản, quy định về thuế, hỏi đáp, giải quyết vướng mắc kiến nghị của NNT; tổ chức các hội nghị, các buổi đối thoại theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, các buổi hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế; hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ thuế điện tử tiếp tục được vận hành, triển khai ổn định, hỗ trợ kịp thời 24/7 cho NNT sử dụng các dịch vụ thuế điện tử với tỷ lệ hỗ trợ trên 95%.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn

Bên cạnh đó, toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế, theo đó đã hoàn thành chương trình cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Hiện nay, ngành Thuế đã và đang tái thiết tổng thể quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin để thiết kế các ứng dụng, đảm bảo tăng cường tính linh hoạt, tích hợp của hệ thống và hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược dài hạn của ngành Thuế.

Đồng thời, cơ quan thuế các cấp đã triển khai nâng cao tính phục vụ NNT, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thuế điện tử, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro xác định gian lận hóa đơn, ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp…, nhằm góp phần minh bạch hóa và tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng DN và NNT.

“Cơ quan thuế các cấp tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử với nhiều tiện ích, hỗ trợ NNT thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác. Hiện nay, tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng đạt 99,95%; tỷ lệ sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,2%; tỷ lệ DN thực hiện hoàn thuế điện tử đạt 99%; 100% DN, tổ chức đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.” – Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu “Lấy NNT làm trung tâm phục vụ”

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, đối với ngành Thuế, để triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nỗ lực, quyết liệt triển khai và chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp trọng tâm cả về thể chế chính sách thuế và công tác quản lý thuế để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho DN. Một số những kết quả quan trọng có tác động tích cực sâu rộng đến nền kinh tế -xã hội đã đạt được trong thời gian qua.

Cụ thể, về thể chế, chính sách pháp luật thuế, với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng DN và người dân vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuế về hỗ trợ, gia hạn, miễn giảm các loại thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN), giảm lệ phí trước bạ và tiền thuê đất đối với DN…

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, các chính sách, giải pháp về thuế được ban hành và thực hiện kịp thời, đã có tác động tích cực và được cộng đồng DN, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của DN, người dân, nền kinh tế thời gian qua.

Để thực hiện được mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, bên cạnh những nỗ lực của toàn ngành Thuế, có thể khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị là các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đồng hành cùng ngành Thuế còn có các Hiệp hội DN, VCCI và đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng DN với sự quyết tâm vượt khó, sự đồng hành, năng động, sáng tạo chính là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công trong công tác thu ngân sách cho Nhà nước.

“Những nội dung cải cách nêu trên đã và đang mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội và góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN, thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, ngành Thuế cũng đã tập trung xây dựng đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.” – Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn khẳng định