Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua Facebook: Cần những giải pháp đồng bộ

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua Facebook: Cần những giải pháp đồng bộ

Người nộp thuế làm thủ tục quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TP. Hà Nội.

Đang hoàn thiện cơ sở pháp lý

Trao đổi với báo giới về những giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và Facebook nói riêng, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, việc quản lý thuế đối với hoạt động này khá phức tạp. “Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào thì cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, Tổng cục Thuế đang có đề án trình Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với đối tượng này”, ông Tân nói.

Ông Tân cũng cho biết thêm, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin như: Điện thoại di động, máy tính, có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống (có cửa hàng, địa chỉ doanh nghiệp…). Ngoài ra, thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, cơ quan thuế muốn tìm kiếm cũng rất khó khăn.

“Trong Luật Kinh doanh thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều có quy định phải đăng ký kinh doanh. Còn đối với Facebook lại không đăng ký. Để quản lý vấn đề này, Tổng cục Thuế đang triển khai nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp. Hiện nay Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định nếu kinh doanh qua Facebook thì phải đăng ký. Từ đó mới có cơ sở để cơ quan thuế cũng như các cơ quan khác giám sát, quản lý thu thuế thuận lợi hơn”, ông Tân nói.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thêm, kinh doanh thương mại điện tử là một trong những vấn đề mà Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế rất quan tâm trong thời gian qua. Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó đối với ngành Thuế, mà nó còn là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới nói chung. “Chính vì thế, việc quản lý thuế đối với hoạt động này đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều phiên họp của bộ trưởng tài chính các nước. Năm 2017, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch APEC cũng đã đưa nội dung này vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC”, ông Minh nói.

Phối hợp với các nước để chống trốn thuế

Cũng theo ông Minh, nội dung về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là 1 trong 15 chương trình hành động của bộ trưởng tài chính các nước OECD và các nước G20. “Trong thời gian tới, Việt Nam cũng đang chuẩn bị các cơ sở pháp lý để tham gia chương trình hành động để hợp tác về hành chính, về quản lý, chống xói mòn nguồn thu và chống chuyển lợi nhuận ra các “thiên đường thuế”, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là một trong những nội dung tăng cường hợp tác với các cơ quan thuế quốc tế”, ông Minh nói.

Việc tăng cường phối hợp với các nước không chỉ nhằm quản lý thuế tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử, hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế, mà còn góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Việc trốn thuế không chỉ làm mất nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà nó còn gây ra sự không bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Bởi vì những hoạt động giao dịch thông qua thương mại điện tử vì chưa tính thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, nên có ưu thế về giá, vì thế giá bao giờ cũng ưu đãi hơn. Đó là nguy cơ tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng. Chính vì thế, vấn đề này được đưa lên tầm cỡ quốc tế”, ông Minh cho biết thêm.

Rõ ràng, việc quản lý hoạt động thương mại điện tử rất cần phải có sự phối hợp với cơ quan thuế các nước trên thế giới. Không chỉ quản lý những cá nhân (người sử dụng Facebook), mà vấn đề là quản lý cả những doanh nghiệp chuyên về hoạt động thương mại điện tử như các trang mạng: Amazon, Google, Facebook, Youtube… “Luật Quản lý thuế hiện nay đã quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nộp thuế. Đây là quy định pháp lý chung. Nhưng riêng đối với hoạt động thương mại điện tử, thì cần phải bổ sung thêm quy định cá nhân kinh doanh trên Facebook là phải đăng ký. Tiếp đến là cơ chế đăng ký qua mạng như thế nào, cần phải có sự bàn thảo giữa các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Minh nói.

Thương mại điện tử có thể kiểm soát được
Theo ông Đặng Ngọc Minh, để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua Tổng cục Thuế đã tổ chức nhiều hội thảo, có sự hiện diện của các chuyên gia đến từ Pháp, Đức. Các ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, những giao dịch điện tử đều để lại dấu vết trên mạng, chúng ta có thể kiểm soát được. Vấn đề là phải có hành lang pháp lý để kiểm soát. Khi đã có cơ sở pháp lý, để tạo thuận lợi cho các cá nhân đăng ký, kê khai thuế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để cá nhân kinh doanh trên Facebook có thể khai thuế qua mạng giống như ngành Thuế đang thực hiện hiện nay

Nhật Minh
TBTC