30 Jun Rà soát, xử lý nghiêm minh các trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp
Tổng cục Thuế mới có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật. Theo đó, có 524 doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm bị giám sát rủi ro trong sử dụng hóa đơn.
524 doanh nghiệp bị giám sát trong sử dụng hóa đơn
Tổng cục Thuế cho biết, đã nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Thọ về đề nghị chỉ đạo phối hợp phòng ngừa tội phạm mua, bán trái phép hóa đơn điện tử. Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Nguyễn Minh Tú và các cá nhân khác đã thực hiện hành vi mua doanh nghiệp để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Theo đó, để rà soát, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế đã có Công văn 1798/TCT-TTKT yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp theo hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Thuế trước đó tại các Công văn số 129/TCT-TTKT ngày 9/11/2022, Công văn số 133/TCT- TTKT ngày 23/11/2022, để kịp thời báo cáo đầy đủ các nội dung về Tổng cục Thuế theo đúng quy định.
Cán bộ thuế Cục Thuế Phú Thọ rà soát hóa đơn không hợp pháp. Ảnh: VH
Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp có rủi ro về hoá đơn điện tử; rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hoá đơn của các đơn vị này.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp thuộc cơ quan thuế quản lý đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số 524 doanh nghiệp nêu trên thì yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.
Đồng thời, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế căn cứ hành vi vi phạm thực tế và quy định tại các văn bản pháp luật để kịp thời xử lý về thuế theo đúng quy định hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với cục thuế trực tiếp quản lý thuế đối với doanh nghiệp thuộc danh sách 524 doanh nghiệp tiến hành rà soát, nếu phát hiện doanh nghiệp có xuất hóa đơn bán ra cho doanh nghiệp ở địa phương khác đã phát hành trong năm 2020, năm 2021, năm 2022, không có trong dữ liệu hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế thì kịp thời có văn bản thông báo gửi đến cơ quan thuế liên quan, tiến hành nhập thông tin lên ứng dụng xác minh hóa đơn để phối hợp, đối chiếu, và soát, xử lý theo quy định.
Đồng thời, báo cáo kết quả rà soát, xử lý vi phạm về thuế, hóa đơn gửi về Tổng cục Thuế trước ngày 30/6/2023.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự bình đẳng đối với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn, cục thuế các địa phương đã ban hành nhiều công văn gửi đến doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn cảnh báo những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện chính sách thuế và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ.
Tại công văn gửi đến doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn, các cục thuế đã chỉ ra các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn để người nộp thuế phòng ngừa trong sử dụng hóa đơn, tránh ảnh hưởng đến uy tính của doanh nghiệp.
Cục Thuế Hải Phòng tham gia hội nghị trực tuyến tăng cường công tác quản lý, phòng chống gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử do Tổng cục Thuế tổ chức. Ảnh: CT
Các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn các cục thuế chỉ ra gồm:
Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, mua bán hóa đơn trái phép; Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn như: Sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa dịch vụ bán ra…
Lập hóa đơn không đúng thời điểm: Hàng hóa, dịch vụ đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua nhưng người bán chưa xuất hóa đơn cho người mua hàng kịp thời mà để đến tháng sau, quý sau thực hiện lập hóa đơn.
Bà Nguyễn Thu Trà – Trưởng Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay, ngành Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử và đã xây dựng xong bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý, sử dụng hóa đơn và áp dụng công nghệ thông tin trong phân tích hóa đơn điện tử để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng hóa đơn, chứng từ.
“Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt là công tác quản lý thuế, hóa đơn, tránh thất thu ngân sách nhà nước, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra để chuyển hồ sơ điều tra xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi trốn thuế, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, để ngăn chặn kịp thời và có biện pháp phòng ngừa, tránh gây hậu quả, thiệt hại cho ngân sách nhà nước” – bà Trà thông tin./.
Theo danh sách 524 doanh nghiệp phải tiến hành rà soát các hóa đơn xuất bán ra có rủi ro về hoá đơn điện tử, thì trên địa bàn TP. Hà Nội có 33 doanh nghiệp; trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 491 doanh nghiệp |