19 Jul Sửa đổi Luật Kế toán Việt Nam: Góc nhìn từ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế
Tóm tắt: Việc sửa đổi Luật kế toán để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế là điều tất yếu, đặc biệt, thời gian gần đây việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực đã làm cho nhu cầu sửa đổi Luật Kế toán càng trở nên cần thiết. Bài viết thể hiện các ý kiến của Công ty Cổ phần MISA để sửa đổi các điều khoản trong Luật Kế toán hiện hành. Với vị trí là công ty thuộc top 10 Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công ty đứng đầu về cung cấp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số cũng như các phần mềm khác phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, các góp ý để sửa đổi Luật Kế toán sẽ mang đến góc nhìn hướng đến mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Từ khóa: Luật Kế toán, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, MISA
I. Giới thiệu
Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trải qua gần một thập kỉ thực hiện, bên cạnh đạt được một số kết quả nhất định thì cũng xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần phải chỉnh sửa. Bên cạnh đó, các bối cảnh mới như Chính phủ quyết tâm thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia[1], thực hiện lộ trình để áp dụng IFRS tại Việt Nam[2], việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế sâu và rộng hơn cũng là một thách thức cho công tác kế toán, tài chính. Dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ tài chính trong các năm qua cũng như các dịch vụ khác có những bước phát triển đáng kể… Xu hướng đang được nhận thấy là trọng tâm của cơ cấu dịch vụ sẽ được dịch chuyển sang các dịch vụ mới, các dịch vụ có tính chất liên ngành, liên lĩnh vực. Quá trình chuyển đổi cơ cấu dịch vụ cung cấp là một thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp kiểm toán, dịch vụ kế toán, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa, đồng thời, cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý trong công tác quản lý, giám sát thị trường nhất là khi các dịch vụ đang mạnh mẽ chuyển sang thực hiện trên các nền tảng công nghệ. Các bối cảnh trên đòi hỏi cơ chế chính sách về kế toán, tài chính phải điều chỉnh kịp thời và cụ thể hóa ở Luật và các văn bản dưới luật để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như nhu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Bài viết sau đây trực tiếp đề cập đến các chi tiết góp ý của Công ty Cổ phần MISA – Công ty chuyên về cung cấp các phần mềm kế toán, quản lí tài chính cũng như các phần mềm khác phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp – cho việc sửa đổi Luật Kế toán, mục đích vừa là để hoàn thiện, vừa thúc đẩy hiệu quả của công tác kế toán, tài chính, vừa để đáp ứng các yêu cầu của bối cảnh mới.
II. Nội dung đóng góp ý kiến
- Một là: Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi giải thích từ ngữ Chứng từ kế toán và Tài liệu kế toán quy định tại điểm 3, điểm 18 điều 3[3]. Cụ thể như sau: Bất cập:
Việc định nghĩa cụ thể Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin không còn phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp ghi chép lại các hoạt động kế toán và gửi nhận dữ liệu (hóa đơn, hợp đồng, chứng từ…) trên phương tiện điện tử.
Khái niệm về dữ liệu kế toán điện tử chưa được quy định rõ ràng trong định nghĩa về Tài liệu kế toán. Khái niệm về hình thức kế toán số trên phương tiện điện tử chưa được đề cập và làm rõ.
- Tham khảo:
- Điều 262A Luật Thuế 1936 (Úc) và theo Taxation Ruling 96/7 ban hành bởi CQT Úc:
- Hồ sơ kế toán là hồ sơ ghi lại và giải thích tất cả các giao dịch và các hành vi thực hiện cho bất kỳ mục đích nào liên quan đến tất cả các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.
- Hồ sơ kế toán phải được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dạng khác miễn là có thể dễ dàng truy cập và chuyển đổi thành dạng văn bản (ví dụ dạng điện tử như trên ổ cứng máy tính…).
- Taxation Ruling TR 2018/2 ban hành bởi CQT Úc bổ sung thêm:
- Hồ sơ điện tử được công nhận là tài liệu cho các mục đích luật thuế (Mục 2B của Đạo luật Diễn giải các Hành vi 1901 định nghĩa “tài liệu” và mở rộng ý nghĩa của “hồ sơ” để bao gồm thông tin được lưu trữ hoặc ghi lại bằng máy tính)
Đề xuất thay đổi:
- Sửa đổi giải thích từ ngữ chứng từ kế toán, tài liệu kế toán như dưới đây:
- Chứng từ kế toán là tất cả những tài liệu liên quan đến nghiệp vụ kinh tế, tài chính, phản ánh các nghiệp vụ phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
- Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán, được lưu trữ dưới dạng văn bản hoặc dạng khác đảm bảo có thể dễ dàng truy cập và chuyển đổi thành dạng văn bản.
- Bổ sung quy định loại chứng từ nào cần bắt buộc là chứng từ dạng giấy.
- Bổ sung khái niệm về hình thức kế toán số trên phương tiện điện tử như dưới đây:
- Kế toán số là việc tạo, chuyển, quản lý và lưu trữ thông tin tài chính ở định dạng điện tử. Nó liên quan đến việc sử dụng các giải pháp phần mềm để số hóa và tự động hóa nhiều quy trình thủ công mà kế toán xử lý thường xuyên.
- Hai là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định rõ hơn về yêu cầu kế toán quy định tại điểm 6 điều 5[4]. Cụ thể như sau:
Bất cập:
Quy định hiện tại chủ yếu hướng dẫn quy định cho thông tin, số liệu kế toán ở dạng giấy. Thông tin, số liệu kế toán dưới dạng phương tiện điện tử cũng cần có các quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, các công nghệ hiện đại theo xu hướng chuyển đổi số cho phép khai thác, tra cứu thông tin, số liệu kế toán cho mục tiêu quản lý, quản trị, báo cáo.
Đề xuất thay đổi:
Các thông tin, số liệu kế toán dưới dạng bản giấy hay phương tiện điện tử đều cần được phân loại, sắp xếp, lưu trữ theo trình tự, có hệ thống, khoa học; đảm bảo thuận tiện cho việc tìm kiếm, so sánh, kiểm chứng và khai thác cho các mục tiêu quản lý, quản trị và các mục tiêu báo cáo.
- Ba là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán quy định tại điểm 1 điều 10[5]. Cụ thể như sau:
VAS10 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái:
Đơn vị tiền tệ kế toán: Là đơn vị tiền tệ được sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính.
Ngoại tệ: Là đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán của một doanh nghiệp.
Bất cập:
Chưa phân biệt rõ ràng Đồng tiền chức năng và Đồng tiền báo cáo, mà chỉ quy định đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam, sử dụng cho cả mục đích ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính. Các loại tiền tệ khác đều là đồng ngoại tệ và phải quy đổi ra Đồng Việt Nam khi phát sinh giao dịch.
Chưa có quy định cho trường hợp lập BCTC bằng đơn vị tiền tệ khác Đồng Việt Nam trong khi đồng tiền kế toán là Đồng Việt Nam (ví dụ công ty con tại Việt Nam cần làm BCTC theo đồng USD để hợp nhất với công ty mẹ tại nước ngoài).
Trường hợp đơn vị sử dụng đồng tiền kế toán khác với Đồng Việt Nam thì đều gọi là đồng ngoại tệ, không phản ánh đúng bản chất của đồng tiền chức năng – đơn vị tiền tệ sử dụng chính trong môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động.
Tham khảo:
IAS21 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái
Đồng tiền chức năng: đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động. Đồng tiền báo cáo: đơn vị tiền tệ mà báo cáo tài chính được trình bày.
Đề xuất thay đổi:
- Sửa đổi các khái niệm về đơn vị tính sử dụng trong kế toán:
- Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng tiền chức năng, là đơn vị tiền tệ của môi trường kinh tế cơ bản mà đơn vị hoạt động, sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán.
- Đơn vị tiền tệ sử dụng khi lập báo cáo tài chính là Đồng tiền báo cáo, là đơn vị tiền tệ mà báo cáo tài chính được trình bày. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi
- Đồng tiền báo cáo ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Bốn là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 13[6]. Cụ thể như sau:
Bất cập:
Các quy định hiện hành về hành vi bị nghiêm cấm đối với chứng từ, tài liệu kế toán hiện tại chủ yếu tập trung quy định cho chứng từ, dữ liệu kế toán dưới dạng giấy.
Hành vi để ngoài sổ kế toán tài sản, nợ phải trả của đơn vị kế toán hoặc có liên quan đến đơn vị kế toán chưa bao quát toàn bộ các hành vi cố tình bỏ sót các giao dịch kinh tế phát sinh, các thông tin trọng yếu cần công bố trên BCTC của đơn vị.
Đề xuất thay đổi:
Bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với chứng từ, tài liệu, dữ liệu kế toán trên phương tiện điện tử.
Mở rộng phạm vi các hành vi bị cấm liên quan tới cố tình bỏ sót các giao dịch kinh tế phát sinh, các thông tin trọng yếu cần công bố trên BCTC của đơn vị kế toán (không chỉ là về tài sản, nợ phải trả).
- Năm là, Công ty Cổ phần MISA đề xuất sửa đổi quy định về chữ ký trên chứng từ và chữ ký điện tử quy định tại điểm 1 điều 16, điều 19[7].
Bất cập:
Việc quy định bắt buộc phải có chữ ký (kể cả dạng chữ ký tay hay chữ ký số) trên mọi chứng từ kế toán không còn phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp ghi chép lại một số hoặc toàn bộ hoạt động kế toán và gửi nhận dữ liệu (hóa đơn, hợp đồng, chứng từ…) trên phương tiện điện tử.
Về bản chất, nội dung trên chứng từ kế toán chỉ cần đảm bảo ghi chép đầy đủ thông tin phản ánh nội dung, tính chất, đặc điểm, thời gian và các bên liên quan… để người xem có thể hiểu giao dịch được phản ánh.
Hiện tại các giao dịch với bên thứ ba phần lớn được thực hiện qua ngân hàng, có thể sử dụng giao dịch ngân hàng làm cơ sở xác nhận giao dịch kinh tế. Bên cạnh đó, việc ký nhận trong một số trường hợp chỉ nhằm mục đích quản trị nội bộ. Do vậy, không nhất thiết phải quy định bắt buộc mọi giao dịch đều cần phải có chữ ký.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán “Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký trên chứng từ bằng giấy“. Căn cứ Luật giao dịch điện tử 2005 “Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký“[8]. Như vậy mọi loại chữ ký điện tử theo quy định của Luật Giao dịch điện tử đều có giá trị pháp lý để ký chứng từ kế toán. Tuy nhiên thực tế áp dụng luật cho thấy, hiện nay các cơ quan thuế chỉ chấp nhận chữ ký số – là loại chữ ký điện tử đã được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được cấp phép hợp lệ, không chấp nhận các loại chữ ký điện tử khác. Như vậy quy định của pháp luật chưa có sự đồng nhất dẫn đến khó áp dụng trên thực tế, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử.