Sửa Luật Quản lý thuế nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng cơ sở thu

Sửa Luật Quản lý thuế nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng cơ sở thu

Sau một thời gian xin ý kiến các tổ chức, cá nhân, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 14/TTr-BTC gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi với nhiều nội dung đáng chú ý. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Luật Quản lý thuế sửa đổi hướng tới là bao quát nguồn thu và mở rộng cơ sở thu, nhằm chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Sửa đổi 10 nhóm vấn đề

Bộ Tài chính cho biết, sau khi dự thảo đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi được gửi xin ý kiến, cơ quan soạn thảo đã nhận được 85 ý kiến tham gia của 13 bộ, 60 địa phương và 12 tổ chức, hiệp hội, cá nhân. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế. Ngoài ra, có một số ý kiến tham gia về từng phương án nêu trong dự thảo tờ trình về đánh giá nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để triển khai.

Dự kiến, luật sẽ sửa đổi, bổ sung 71/121 điều, cơ cấu lại 1 chương và bổ sung 3 chương mới (1 chương quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, 1 chương quy định về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử và 1 chương quy định về phòng, chống gian lận thuế, trốn thuế) so với luật hiện hành. Nội dung luật tập trung vào 10 nhóm vấn đề bao gồm: hoàn thiện các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế; hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá; bổ sung quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử; cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh theo hướng hiện đại hóa, tạo thuận lợi, thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển thành DN, mở rộng cơ sở thuế đối với thành phần kinh tế cá thể; hoàn thiện quy định về quản lý thuế theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp quản lý rủi ro để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với các ngành đặc thù; hoàn thiện quy định về bảo vệ quyền lợi, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; hoàn thiện chế tài trong quản lý thuế; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế và các quy định khác về quản lý thuế.

Mục tiêu mà Luật Quản lý thuế sửa đổi hướng tới không chỉ đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính, tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động quản lý, mà còn thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo môi trường pháp luật thống nhất, đặc biệt là mở rộng nguồn thu và cơ sở thu. Bởi sau 10 năm thực hiện, nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Đề xuất chức năng điều tra ban đầu

Trong nhiều nội dung quan trọng, đáng chú ý Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, hiện nay các hành vi gian lận, trốn thuế, nhất là trong các lĩnh vực mới như kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu được thực hiện với quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, do chưa được giao quyền, nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự, cơ quan thuế phải chuyển sang cơ quan điều tra, nhưng tỷ lệ xử lý còn thấp. Ngay cả việc đối chiếu tiến độ vụ việc giữa hai ngành cũng chưa được thực hiện thường xuyên.

Bộ Tài chính dẫn chứng, giai đoạn 2011-2015, cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an 16.087 trường hợp, nhưng cũng chỉ có 395 trường hợp bị khởi tố do có chứng cứ rõ ràng. Còn lại 15.692 trường hợp, cơ quan công an chỉ coi là tin báo trong công tác phối hợp và đề nghị cơ quan thuế phân tích cụ thể. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ.

Chức năng điều tra cho cơ quan thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác. Quy định này không chỉ tốt cho toàn hệ thống quản lý, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành, mà còn tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và đảm bảo tránh phiền hà cho DN làm ăn chân chính.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị nội dung này sẽ được cơ cấu thành một chương trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế về ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Chương này sẽ có 3 điều gồm: nhiệm vụ của cơ quan thuế trong việc ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế; thẩm quyền của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong phòng, chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế.

Thúy Nga
Tapchithue