02 Jun Sửa Luật Thuế Bảo vệ môi trường: Bước đi trong lộ trình cơ cấu lại thu chi ngân sách
Sau 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế cần sửa đổi.
Luật thuế BVMT đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường.
Cùng với xu thế hội nhập, với các yêu cầu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, việc sửa đổi Luật thuế BVMT là đòi hỏi cấp thiết để thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), điều chỉnh hệ thống chính sách thuế phù hợp với tình hình mới.
Bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu
Trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi sâu sắc: Hình thành các khu thương mại tự do, toàn cầu hóa đang là một xu thế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), các khoản thuế nhằm mục đích BVMT…), giảm dần tỷ trọng thuế trực thu; từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách quốc gia.
Theo yêu cầu của tình hình mới, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã đề ra một trong các mục tiêu cần thực hiện là: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu NSNN”; đồng thời đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “Thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế”.
Đồng thời, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đề ra một trong các mục tiêu thực hiện là: “cơ cấu lại NSNN theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”. Trong đó, một trong các giải pháp được Nghị quyết nêu rõ là: “tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”.
Điều chỉnh thuế nội địa là công cụ khả thi theo thông lệ quốc tế
Cụ thể hơn, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ đã đưa ra nội dung tập trung cải cách của chính sách thuế BVMT là: “… tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm góp phần hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái”. Chủ trương này cũng phù hợp với thực tế là nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia khi chúng ta phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế, trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; đồng thời chủ động ứng phó với diễn biến khó lường của giá dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây.
Hơn nữa, tại thị trường Việt Nam hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng tại website Global Petrol Prices vào ngày 22/5/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức 40/170 nước, nghĩa là có 130 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam. Lý do giá bán lẻ của Việt Nam đang ở mức thấp là do tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam tính đến ngày 2/5/2017 đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút) so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%; Nga khoảng 52%; Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83,%, Thái Lan khoảng 67%).
Như vậy, có thể thấy, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính về BVMT hướng tới phát triển bền vững; khắc phục những vướng mắc của Luật thuế BVMT hiện hành; thực hiện mục tiêu cải cách thuế BVMT, góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính và cơ cấu lại NSNN trong giai đoạn tới, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ; đồng thời phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế thì việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT là cần thiết./.
Qua tổng kết, đánh giá thực hiện cho thấy, Luật thuế BVMT năm 2010 (có hiệu lực năm 2012) đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành. Đó là góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
D.A
Thoibaotaichinh