07 Dec Tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Cắt giảm thuế không tác động đột ngột đến nguồn thu
Tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc cắt giảm thuế nhập khẩu (NK) theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách.
Tuy nhiên, sẽ không có tác động đột ngột, do trong CPTPP có 7/10 nước đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, chỉ còn 3 nước chưa có hiệp định, song lộ trình giảm thuế kéo dài.
Xóa bỏ thuế quan 65,8% dòng thuế khi hiệp định có hiệu lực
Đối với thuế NK, theo Bộ Tài chính, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, trong đó: 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế NK với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Về thuế suất bình quân, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt CPTPP có mức thuế suất bình quân đạt 5,8% (năm 2019) cao hơn đáng kể so với 10 FTA đang thực hiện của Việt Nam. Tuy nhiên, với mức cam kết cắt giảm thuế sâu, đến năm kết thúc lộ trình cắt giảm thuế NK của FTA có lộ trình dài nhất (2029) thì thuế suất bình quân CPTPP chỉ còn 0,3%, thấp hơn nhiều so với mức thuế suất bình quân vào năm kết thúc lộ trình trong một số FTA (Hiệp định ASEAN- Trung Quốc 3%, Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc 4,1%, Hiệp định ASEAN – Australia – New Zealand 2%).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, các nhóm mặt hàng dự báo sẽ có sự dịch chuyển thương mại sang các đối tác CPTPP như sau: Australia – New Zealand: rượu bia, sắt thép, dược phẩm, thịt; Nhật Bản: thủy sản, sắt thép, linh kiện phụ tùng ô tô, ô tô, máy móc thiết bị, rượu, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng…; Chile: bánh kẹo, rượu bia, sắt thép, phương tiện vận tải, phụ tùng,…; Peru: một số hàng thủy sản, rau quả; Mexico: thịt, thủy sản, dầu mỡ động thực vật, nguyên liệu sản phẩm dệt may, rượu bia, sản phẩm chất dẻo,… Canada: một số sản phẩm lúa mỳ, ngô, sữa, hóa chất, dược phẩm, linh kiện phụ tùng ô tô, rượu bia, bánh kẹo, máy móc thiết bị,…
Đối với thuế xuất khẩu (XK), Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế XK với hàng XK sang các đối tác CPTPP với lộ trình lên đến 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế XK và áp dụng một mức trần thuế suất thuế XK, gồm: than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế XK.
Phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, việc cắt giảm thuế NK theo cam kết sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ không có tác động đột ngột, do trong CPTPP có 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam (Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Singapore), chỉ còn 3 nước là Canada, Mexico và Peru là chưa có FTA với Việt Nam và lộ trình giảm thuế NK tương đối dài (10 năm). Trong khi đó, Việt Nam được quyền đánh thuế XK đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu không lớn.
Trước khi bấm nút thông qua hiệp định, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần chuẩn bị kỹ về thể chế cũng như nâng cao năng lực của doanh nghiệp để tận dụng được các cơ hội mang lại. Theo bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mới là lợi ích lâu dài cho Việt Nam khi tham gia CPTPP.
Về mặt kinh tế, theo đánh giá của Chính phủ, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp GDP và XK của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch NK cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng XK nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về “được – mất” khi tham gia các FTA của Việt Nam, TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, CPTPP với những cam kết rất cao, tạo đà cải tổ nền kinh tế và cũng là động lực để Việt Nam xây dựng lại thể chế kinh tế, tạo lập môi trường kinh doanh mới. Tham gia CPTPP cùng với các quốc gia có sự phát triển tương đối cao cũng sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút nguồn vốn, tận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến từ các quốc gia này để bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ./.
* Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:
Nâng cao chất lượng hàng hóa nhắm đến thị trường các nước giàu
Tham gia CPTPP sẽ mở ra thị trường mới rộng hơn với 502 triệu người dân. Một điểm nhấn là các nước tham gia CPTPP rất giàu, GDP bình quân đầu người trên 30.000 USD, là cơ hội để chúng ta tạo ra sản phẩm chất lượng, với giá cả thích hợp (không phải hàng giá rẻ) mà phải nhắm đến thị trường này là hàng hóa chất lượng cao, tiêu chuẩn cao, thích hợp với người có thu nhập cao.
Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 quốc gia này là 10 nghìn tỷ USD, Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường này 34,2 tỷ USD, NK là 33,9 tỷ USD (năm 2017), có nghĩa đang xuất siêu vào thị trường này là 0,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với quy mô 10 nghìn tỷ USD thì dư địa đưa hàng hóa vào thị trường này còn rất lớn. Nhiều ngành như: May mặc, da giày, thực phẩm có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường này; nhưng một số hàng hóa thuộc ngành nông nghiệp lại bị cạnh tranh.
Để tận dụng cơ hội khi gia nhập CPTPP, chúng ta phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm đưa hàng hóa vào thị trường này. Những chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt trong thời gian qua đã bàn rất sâu, ban hành nhiều quy định, nhưng hậu kiểm lại chính sách tôi cho rằng đi vào thực tế còn chậm. Do đó, chúng ta cần bàn sâu hơn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phải hết sức cụ thể, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp – lĩnh vực sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới.
* Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu:
Thu ngân sách không bị ảnh hưởng quá lớn
CPTPP là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng nhất của Việt Nam. Với việc mở rộng các cam kết trong nhiều lĩnh vực cả về thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các vấn đề phi thương mại, cho thấy CPTPP là hiệp định toàn diện nhất trong số các FTA Việt Nam tham gia.
Ở khía cạnh tài chính, một trong những cam kết trong CPTPP đó là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, nhiều dòng thuế sẽ có mức thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Tài chính, khi thuế nhập khẩu (NK) sụt giảm. Tuy nhiên, theo tôi, ảnh hưởng này không quá lớn, bởi có thể sẽ được bù trừ từ các thị trường khác. Cụ thể, việc cắt giảm thuế NK đối với các mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giúp chi phí sản xuất của DN Việt giảm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao kim ngạch xuất khẩu (XK). Nhà nước sẽ tăng thu khi kết quả kinh doanh của DN tốt lên, cũng như tăng thu thuế XK.
Tuy nhiên, triển vọng gia tăng XK nhờ lợi thế từ việc giảm thuế mới chỉ là kỳ vọng về mặt lý thuyết. Do đó, DN Việt muốn biến triển vọng dự báo trên thành hiện thực cần có những chiến lược bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt; đồng thời, đáp ứng các quy định về hàng rào kỹ thuật thương mại, quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… nghiêm ngặt của các nước NK. Có như vậy, DN mới tận dụng được cơ hội từ việc Việt Nam tham gia CPTPP để đẩy mạnh XK, đa dạng hóa thị trường XK, cũng như đóng góp trở lại nhiều hơn vào NSNN.
* Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn:
Nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẽ hưởng lợi từ CPTPP
So với nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, CPTPP có một điểm khác biệt đó là trình độ phát triển của các nước có khoảng cách khá xa nhau. Việt Nam có trình độ phát triển ở mức thấp nhất với giá trị GDP/đầu người là 2,4 nghìn USD, trong khi nước đứng thứ 2 từ dưới lên là Peru có mức thu nhập gần gấp 3 là 6,7 nghìn USD.
Điều này có nghĩa các mặt hàng sản xuất dựa trên lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam sẽ ít bị cạnh tranh bởi các nước còn lại trong CPTPP. Nhiều nước có trình độ phát triển xấp xỉ như Việt Nam như Bangladesh, Pakistan lại nằm ngoài CPTPP nên nhiều mặt hàng là lợi thế của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ gỗ … sẽ gần như trở thành độc quyền tại một thị trường chiếm tới 14% GDP toàn cầu.
Các doanh nghiệp FDI sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế này, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ còn rất phức tạp. Với ý nghĩa đó, CPTPP sẽ mang lại hai lợi ích rõ rệt là thương mại và đầu tư cho Việt Nam. Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán kinh doanh trong lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ… sẽ là nhóm có hưởng lợi rõ nhất, còn khối doanh nghiệp hoạt động khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ làn sóng FDI.
Trần thắng – nhóm PV (thực hiện)
Thoibaotaichinh