11 May Thư gửi cha yêu
Đoàn công tác số 10 do Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Thuế và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thăm, tặng quà và động viên chiến sỹ và nhân dân tại các đảo và nhà giàn DK1 năm 2018 từ ngày 25/4/2018 đến ngày 4/5/2018. Khi đoàn dừng lại tại vùng biển đảo Gạc Ma, Lin co, Len Đao nơi mà cách đấy tròn 30 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ hải quân để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Trong giờ phút linh thiêng, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn đó, là con gái của liệt sỹ, với sự đồng cảm và xúc động dâng trào, tôi đã viết những dòng tâm sự với người cha thân yêu của mình.
Chẳng hiểu bố có ở bên cạnh để đánh thức con dậy sớm không, mà hơn 3 giờ sáng con đã tỉnh giấc. Thử cố ngủ lại nhưng đầu cứ nghĩ miên man mà không thể chợp mắt được.
6 giờ sáng nay 27/4, đoàn công tác Trường Sa số 10 của con làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao. Từ 5 giờ sáng, tàu đã đánh thức mọi người rồi phát đi thông tin ôn lại cuộc chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ vì sự vẹn toàn chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Kể từ giờ phút ấy, con thấy trong người cảm giác bồn chồn, hồi hộp, khó tả. Con đã rưng rưng nghẹn ngào chỉ trực rơi nước mắt.
Bố ơi, hôm nay con đã thực hiện được ước nguyện lớn lao nhất trong cuộc đời mình, một đứa con gái bé bỏng xuất thân từ làng quê Túc Duyên bé nhỏ của tỉnh Bắc Thái ngày xưa, nay đã trưởng thành được đến vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc để thắp nén tâm hương cho các anh hùng liệt sỹ.
Con và các thành viên trong đoàn vô cùng cảm phục trước tấm gương dũng cảm, ngoan cường, quyết không lùi bước của các chiến sỹ hải quân. Trước sự tấn công của kẻ thù, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma vẫn giữ vững lá cờ tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của binh chủng”. Cảm phục tấm gương của đồng đội, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, Thiếu tá thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng leo lên đảo đá Len Đao để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Các anh hùng liệt sỹ đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào lòng biển đảo quê hương, để lại phía sau niềm tự hào và nỗi tiếc thương không nguôi của những người cha, người mẹ, người vợ và những đứa con vẫn luôn hàng ngày đau đáu mong ngóng các anh trở về.
Bố có biết không, trong giờ phút thiêng liêng chuẩn bị làm lễ tưởng niệm, bầu trời đang trong xanh, vậy mà chỉ ít phút sau những hạt mưa bất chợt rơi xuống đủ ướt sàn tàu. Con nghe đồng đội của các liệt sỹ hải quân kể lại, lần nào làm lễ tưởng niệm trên vùng biển này cũng đều có mưa như vậy. Mưa ngớt, bầu trời đột nhiên xuất hiện những đám mây trắng lớn không biết từ đâu tụ lại, kết nối với nhau để lộ một khoảng không lớn xanh ngắt hình tam giác, như thế chân kiềng vững chắc. Bằng những linh cảm giống như ngày con đã đi tìm và mang hài cốt của bố về quê hương, con hiểu rằng các liệt sĩ muốn nhắn nhủ cho đoàn biết rằng, đó là sự hiện diện tượng trưng cho 3 đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, nơi mà họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.
Con đã khóc, nước mắt rơi rất nhiều nhưng cứ để nó chảy dài mà chẳng cần lau. Bố ạ, để giải phóng miền Nam cho đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập tự do, 49 năm trước, bố của con cũng đã dũng cảm xông lên phía trước chiến đấu và hy sinh. Song bố may mắn hơn các chiến sĩ hải quân nơi vùng biển Gạc Ma – Co Lin – Len Đao, vì xương cốt của bố còn nằm ấm trong đất mẹ. Và hơn thế nữa, con gái của bố đã gắng công tìm kiếm và đã đưa bố trở về với quê hương để Nhà nước, nhân dân và con cháu được chăm sóc phần mộ và tri ân. Nhưng bố ạ, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Gạc Ma đã khiến cho tất thảy những người con của Tổ quốc Việt Nam đời đời ghi nhớ công lao. Dù trong hoàn cảnh lịch sử nào thì hình ảnh những người con đất Việt ngã xuống để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cũng đều đã trở thành bất tử trong lịch sử của dân tộc. Con và biết bao đồng đội của các liệt sỹ, của các thế hệ, từ mọi miền của Tổ quốc đã đến đây thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, ghi tạc lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức tự hào lịch sử và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông.
Đoàn công tác của con ra thăm đảo lần này đúng dịp kỉ niệm 43 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, cũng là dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất. Mỗi thành viên trong đoàn công tác ai cũng cảm thấy may mắn và tự hào khi có mặt tại Trường Sa những ngày này. Trước khi đi, dù không nói ra, con dự định sẽ về quê, thắp cho bố nén hương nhân dịp tảo mộ, xin bố phù hộ để con lên đường may mắn, sóng yên biển lặng. Song vì phải chuẩn bị nhiều công việc, con không thực hiện được, nhưng con nghĩ, bố cũng không trách mắng con gái yêu của mình. Ngược lại, trong sâu thẳm con vẫn cảm nhận bố luôn ở bên cạnh, tiếp thêm cho con sức mạnh, niềm tin để con sống và làm việc có nghĩa cho cuộc đời, xứng đáng với sự hi sinh của bố, của các anh hùng liệt sĩ nói chung và đặc biệt là đối với các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ./.
Nguyễn Thị Hồng Chuyên- Phó Tổng biên tập Tạp chí Thuế
Tổng cục Thuế