04 Sep Tự hào tiếp nối truyền thống gia đình công chức thuế
Trong không khí toàn ngành đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành thuế (10/9/1945-10/9/2020) và 30 năm hệ thống thuế thống nhất, tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ đã gắn bó cùng với các cô chú đồng nghiệp của cha mẹ tại khu nhà tập thể của Phòng thuế Công thương nghiệp huyện Phú Lộc vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nơi ấy tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chan chứa tình yêu thương của cha mẹ và cả các cô chú đồng nghiệp của cha mẹ hồi ấy. Cũng bởi được tiếp xúc hàng ngày với những người lính thuế từ thuở bé, nên niềm tự hào về ngành thuế đã được nuôi dưỡng trong tôi từ bao giờ không hay.
Cuộc sống tuy vất vả nhưng tràn đầy niềm vui
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống ngành thuế, với cha, mẹ đều là công chức thuế. Cha, mẹ vào ngành tài chính những năm 80, sau đó chuyển sang ngành thuế khi có sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của ngành tài chính. Khi ấy, cả nhà chúng tôi gồm 4 thành viên được ưu tiên ở căn hộ tập thể khoảng 20m2 ngay trong cơ quan Phòng thuế Công thương nghiệp huyện Phú Lộc. Ở cùng trong khu tập thể của đơn vị còn có một chú người Quảng Trị, mọi người đặt biệt danh là K “cận” vì cặp kính của chú dày bằng đáy chai bia. Đêm đến chú lại bật các ca khúc hát về quê hương của ca sĩ Bảo Yến, Thu Hiền, đồng hương Quảng Trị với chú, bằng chiếc cát-sét cũ để vơi bớt nỗi nhớ vợ con nơi quê nhà.
“Căn cứ” của gia đình đóng ngay tại cơ quan nên tôi được gặp gỡ tất cả những đồng nghiệp của cha mẹ lúc đấy, khoảng 40 người vào những năm 90. Các cô các bác ở đấy rất thương chị em chúng tôi, cứ mỗi lần về cơ quan họp mặt thì người lại cho gia đình tôi cân khoai, cân sắn hay quả mít nhà mới hái. Món quà tuy không có giá trị nhiều về vật chất nhưng tôi cảm nhận rõ tình cảm giản dị và chân thành của những cô chú cán bộ thuế thời ấy.
Ngoài ngành công an và bộ đội, tôi thấy trang phục ngành thuế thời ấy cũng “oai phong lẫm liệt” lắm. Những lần cơ quan họp hành, gần 40 con người trong trang phục vải kaki màu xám ghi, mũ gắn sao chỉnh tề, nghiêm túc. Nhìn hoành tráng là thế, nhưng đời sống vật chất của cán bộ thuế ngày ấy cũng lắm vất vả, nhìn ai cũng hốc hác mặt mày, thế nên lúc ấy các bác các chú mới có tiêu chí để đùa nhau “bụng bự là sang”.
Thời ấy chưa có nhiều nhà hàng như bây giờ, để chuẩn bị mâm cỗ cho liên hoan sau các buổi họp hay đón đoàn công tác của các bác từ trên tỉnh về thì mọi người từ Bác Chi cục trưởng đến chú lái xe đều phải xắn tay vào chuẩn bị. Nhiều cô chú công tác ở các đội thuế cách xa trụ sở chi cục thuế vài chục cây số phải đạp chiếc xe đạp lọc cọc về cơ quan ở lại từ đêm trước để cùng tham gia. Căn bếp nhà tôi được trưng dụng, rồi mọi người phân công đi chợ, thổi lửa, nấu ăn, công việc bếp núc được lo chu đáo từ buổi chiều tối và bắt tay vào nấu nướng lúc rạng sáng hôm sau để kịp hoàn thành trước giờ vào họp. Tôi cũng hăng hái đảm nhận chân chạy vặt vì thỉnh thoảng sẽ được mẹ thưởng miếng thịt nóng hổi mới vớt ra. Không khí rôm rả không khác gì anh chị em trong gia đình đang chuẩn bị cho mâm cỗ đám cưới miền quê. Tuy vất vả nhưng tôi cảm nhận được các cô chú đều vui vẻ và xem nhau như một gia đình.
Được tham gia “công tác kiểm tra thuế” từ tấm bé
Hồi ấy cha tôi làm Phó Chi cục trưởng nên thỉnh thoảng lại được “ké” cha đi công tác. Với địa bàn huyện Phú Lộc trải dài gần 70 km, tôi đã được “lên rừng xuống biển” cùng với cha. Qua những chuyến đi “thăm ló, ngó đồng” để kiểm tra về thuế nông nghiệp hay trò chuyện với những cô chú cán bộ đi thu ở địa bàn mới thấy được nỗi vất vả của cán bộ thuế. Các chú bảo nếu không phải là người gan dạ và bãn lĩnh thì không trụ lại được địa bàn. Có đôi lần một số người quá khích đã xông vào trụ sở đội thuế để đe dọa cán bộ. Hay có lần cha và các chú phải thức trắng đêm để bắt những chuyến hàng lậu, không khác gì trong phim “Cảnh sát hình sự”. Sáng ra thấy nào là xe máy, thuốc lá cùng nhiều loại hàng hóa khác bị thu giữ và chất đầy kho cơ quan. Với đặc thù nghề nghiệp vất vả, đôi khi còn đối mặt với hiểm nguy, tôi nhận thấy các chú ở địa bàn hầu hết là những người dạn dày kinh nghiệm, có người còn là bộ đội từng chiến đấu ở các chiến trường xưa. Nếu không phải là những người có bản lĩnh và tinh thần yêu nghề, có lẽ các chú ấy đã rời ngành từ lâu.
Tôi vẫn còn nhớ như in có lần được theo cha đi kiểm tra sông, đầm vào ban đêm trên chiếc thuyền được “thửa riêng” cho cơ quan thuế. Cha và một vài chú lái chiếc thuyền chạy vi vu trên đầm Cầu Hai trong đêm trăng thanh gió mát để tác nghiệp. Sau một vài giờ tuần tra trên sông nước, mọi người cho thuyền cập bến và thưởng thức bữa ăn khuya bằng những con cá, tôm còn tươi xanh vừa mua được từ người dân đánh bắt ngay trên phá, và 2 cha con ngủ lại trên thuyền cho đến sáng hôm sau.
Tiếp nối truyền thống gia đình công chức thuế
Những năm tháng tuổi thơ lớn lên trong khu tập thể của Chi cục Thuế huyện Phú Lộc, bên cạnh các cô chú cán bộ thuế và sự tự hào về cha mẹ đã nuôi dưỡng, thôi thúc tôi quyết tâm phát huy truyền thống của gia đình. Năm 2011, tôi vỡ òa trong sung sướng khi nhận thông báo trúng tuyển thi kỳ công chức thuế và sau đó được điều động đến nhận nhiệm vụ tại Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy không nói ra nhưng tôi biết cha mẹ rất vui vì từ nay gia đình đã có người “nối dõi”.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cả cha và mẹ đều đã nghỉ hưu theo chế độ sau hơn 30 năm cống hiến, còn tôi cũng đã bước chân vào ngành thuế gần 10 năm. Trong không khí toàn ngành đang hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam, 30 năm hệ thống thuế hợp nhất và cũng là kỷ niệm 30 năm Cục Thuế Thừa Thiên Huế được thành lập (21/8/1990 – 21/8/2020), tôi cảm thấy tự hào khi kể về truyền thống của gia đình mình và cả những ký ức tuổi thơ gắn bó với khu tập thể của Phòng thuế Công thương nghiệp huyện Phú Lộc năm ấy. Với tôi, khu tập thể ấy như một mái nhà đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi và các cô chú cán bộ thuế ở đó như những người thân trong gia đình. Những ký ức đẹp đẽ này sẽ mãi là hành trang tiếp sức cho tôi bước đi vững chãi trên con đường công chức thuế của mình.