15 8월 Hóa đơn điện tử – Minh chứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh của người nộp thuế
Hóa đơn chính là chứng từ đặc biệt, vừa để ghi nhận giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa người bán và người mua, phản ánh khối lượng giao dịch của nền kinh tế, vừa là tài liệu để làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán, xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Do vậy, sự tuân thủ tự nguyện trong việc sử dụng hóa đơn của người dân và doanh nghiệp chính là tiền đề để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, là minh chứng ban đầu thể hiện việc tuân thủ chính sách, pháp luật thuế.
Tính từ thời điểm triển khai HĐĐT đến hết ngày 19/7/2024, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 8,54 tỷ hóa đơn. Đến nay, toàn quốc đã có 75.429 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 648,1 triệu hóa đơn. Kết quả này là thành tích đáng ghi nhận của ngành Thuế nhưng cũng đòi hỏi công tác quản lý thuế cần được thực hiện trong môi trường ứng dụng công nghệ số để có thể xử lý dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, kết hợp với sự tuân thủ tự nguyện của NNT để cùng hoàn thành nghĩa vụ thuế với NSNN.
Thời gian qua, thông qua cơ sở dữ liệu từ hệ thống hóa đơn điện tử, cơ quan thuế đã tăng cường điện tử hóa các biện pháp rà soát, quản lý trong việc sử dụng hóa đơn điện tử thông qua phân tích, tổng hợp dữ liệu mua vào/ bán ra trên hóa đơn, từ đó, phát hiện các hành vi vi phạm về hóa đơn dẫn tới các vi phạm khai sai, trốn thuế, đề nghị hoàn thuế chưa đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm trục lợi tiền thuế từ Ngân sách Nhà nước …
Hầu hết các vi phạm về thuế được phát hiện xuất phát từ việc NNT không giải trình được số thuế đã khai, nộp là đúng với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh do có dấu hiệu sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Từ đó, cơ quan thuế cần áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp như thanh tra, kiểm tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế,… nhằm đảm bảo chống thất thu Ngân sách Nhà nước.
Do vậy, để chứng minh cho số thuế mình đã khai, nộp là đúng, rút ngắn thời gian được hoàn thuế, tránh các vi phạm pháp luật về thuế, điều đầu tiên người nộp thuế cần thực hiện là sử dụng hóa đơn điện tử đúng theo quy định. Hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ càng minh bạch thì các quyền lợi từ NSNN càng được thực hiện nhanh chóng.
Hiến pháp năm 2013 có quy định “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”.
Theo quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế về phương thức “tự khai, tự nộp thuế”, người nộp thuế căn cứ các quy định của pháp luật thuế để xác định các loại thuế phải nộp; tự tính thuế, tự kê khai, tự nộp số thuế đã tính vào ngân sách Nhà nước, tự chịu trách nhiệm về các số liệu đã kê khai. Tờ khai thuế được người nộp thuế sử dụng để kê khai các thông tin nhằm xác định số tiền thuế phải nộp.
– Đối với thuế giá trị gia tăng, để xác định được số tiền thuế phải nộp thì hóa đơn mua vào – bán ra sẽ là một trong những minh chứng phản ánh được hoạt động mua vào, bán ra của người nộp thuế trong kỳ tính thuế nếu việc mua bán hàng hóa, dịch vụ là có thật; đồng thời nếu việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật thì việc sử dụng hóa đơn đã lập của người nộp thuế là không hợp pháp và sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
+ Đối với khấu trừ thuế GTGT đầu vào: điều kiện quan trọng chứng minh số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ đó là có hoá đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào và có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ hai mươi triệu đồng trở lên.
+ Đối với hoàn thuế GTGT: Hoàn thuế giá trị gia tăng là việc ngân sách nhà nước trả lại số tiền thuế đầu vào cho doanh nghiệp, tổ chức đã nộp khi mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh. Do vậy, hóa đơn GTGT mua vào hợp pháp là một trong những minh chứng thể hiện số tiền thuế mua vào của NNT đã nộp NSNN và sẽ được hoàn trả nhanh chóng.
– Đối với các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp: doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
+ Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Do vậy, việc tuân thủ tốt pháp luật về hóa đơn, đặc biệt là quy định “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua”, cùng với việc thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hóa, dịch vụ, từ đó, khai, nộp thuế đúng với hoạt động mua vào, bán ra, NNT đã minh bạch hóa giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, tự đẩy nhanh được tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế, tránh rơi vào danh sách có rủi ro cần thanh tra, kiểm tra thuế./