Kết quả cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Thuế

Kết quả cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế 6 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Thuế

Kết quả cải cách TTHC 6 tháng đầu năm 2017

Thực hiện mục tiêu cải cách TTHC tại các Nghị quyết của Chính Phủ và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng Kế hoạch hành động với 08 nhiệm vụ, 32 giải pháp và 80 sản phẩm đầu ra. Với sự quyết tâm, nỗ lực toàn ngành thuế, 6 tháng đầu năm 2017 ngành thuế đã đạt được kết quả như sau:

Về thể chế chính sách:

Tổng cục Thuế đã xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế sửa đổi; đã nghiên cứu tham gia với Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính những vướng mắc, kiến nghị sửa đổi các Luật thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và Tài nguyên nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện TTHC thuế và đáp ứng thông lệ quốc tế; đã nghiên cứu xây dựng Đề án sửa đổi Nghị định về hóa đơn, trình Bộ ban hành công văn số 5395/BTC-TCT ngày 25/4/2017 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; rà soát để sửa đổi bổ sung các nội dung liên quan như cơ chế chính sách thuế, đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, quyết toán thuế, mẫu tờ khai, … quy định tại các văn bản như Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, phục vụ cho tái thiết kế quy trình nghiệp vụ; Xây dựng cơ sở dữ liệu thuế; đổi mới cơ chế thu và quản lý đối với doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh; thu trước bạ, thuế liên quan đến nhà đất…

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã ban hành 07 Thông tư, qua đó:

Đã đơn giản hóa TTHC: (1) Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC, theo đó, thủ tục đặt in/tự in hóa đơn được rút ngắn từ 10 ngày còn 04 ngày làm việc; (2) Thông tư 31/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng với nội dung hoàn trả các khoản do doanh nghiệp nộp thừa, bổ sung nội dung Cục trưởng Cục Thuế phải ban hành Quyết định gửi người nộp thuế trong ngày ký quyết định hoàn thuế, cơ quan Kho bạc nhà nước thực hiện việc chi trả tiền hoàn thuế trong thời hạn 1 ngày kể từ khi nhận được Quyết định hoàn thuế.

Đã giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, cụ thể: (3) Thông tư số 06/2017/TT-BTC sửa đổi khoản 1 Điều 34a Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế (đã được bổ sung tại Khoản 10 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC) đã giải quyết vướng mắc từ thực tiễn bằng việc hướng dẫn cụ thể rõ ràng hơn đối với quy định không tính tiền chậm nộp trong trường hợp người nộp thuế còn nợ tiền thuế do NSNN chậm thanh toán, (4) Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 hướng dẫn về khung giá tính thuế tài nguyên, (5) Thông tư số 20/2017/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư số 195/2015/TT-BTC, (6) Thông tư số 51/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 117/2012/TT-BTC về hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, (7) Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 về việc hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về quản lý thuế các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Thực hiện chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP:

Trong những tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử theo đúng tiến độ, trong đó đã tích cực thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và hóa đơn điện tử, kết quả như sau:

Về khai thuế điện tử: Tính đến hết ngày 23/6/2017, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc; với 595.343 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,77% trên tổng số 596.713 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 41,4 triệu hồ sơ.

Về nộp thuế điện tử: Phối hợp với 45 Ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến hết hết ngày 23/6/2017, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 587.463 doanh nghiệp trên tổng số 596.713 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,45%. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 577.488 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 96,78% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN từ 01/01/2017 đến nay là 254.100 tỷ đồng với 1.528.121 giao dịch nộp thuế điện tử.

Về hoàn thuế điện tử: Tính đến ngày 22/5/2017, cơ quan thuế đã giải quyết 351 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế GTGT là 2.516,1 tỷ. Đến ngày 01/6/2017, cơ quan thuế đã đăng ký cho 1.875 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Về triển khai hóa đơn điện tử: Đã tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp triển khai tại 02 Cục Thuế Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh trong việc đăng ký và xuất hóa đơn điện tử có xác thực, đã xác thực được 4.351.187 hóa đơn với số tiền thuế đã được xác thực 2.179.079.643.881 VNĐ.

Về triển khai thực hiện thí điểm khai điện tử hoạt động cho thuê nhà:

Đã triển khai thí điểm, tổ chức tập huấn, trực tiếp hỗ trợ cán bộ thuế tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí minh. Kết quả cho đến ngày 31/5/2017: số lượng Tờ khai vào hệ thống khai điện tử online cho thuê nhà điện tử đã đạt được: 12,567 tài khoản và 8,985 Tờ khai (trong đó: Hồ Chí Minh là 7.343 tài khoản và 3.979 tờ khai; Hà nội là 5.224 tài khoản và 5.006 tờ khai).

Về triển khai nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, hoạt động chuyển nhượng bẩt động sản: Để đảm bảo thời gian triển khai, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1093/TCT-CNTT ngày 27/3/2017 đề nghị các Ngân hàng được lựa chọn triển khai thí điểm chuẩn bị nhân sự, môi trường và phối hợp với Tổng cục Thuế kiểm thử. Hiện tại Ngân hàng AgriBank, Vietcombank đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với cơ quan thuế.

Tổng cục Thuế đã xây dựng, ban hành và cập nhật Bảng giá tính LPTB ôtô, xe máy thống nhất toàn quốc để áp dụng thu theo phương thức điện tử.

Tiếp tục triển khai thí điểm, dần dần mở rộng thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế:

Tổng cục Thuế đã ban hành các Quyết định về việc tiếp tục mở rộng triển khai thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại 32 chi cục thuế thành phố/thị xã/huyện. Đến thời điểm hiện tại đã có 48 Chi cục thuế thuộc 14 Cục thuế tỉnh, thành phố tham gia thí điểm UNTT đối với CNKD nộp thuế khoán.

Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ

Tổng cục Thuế đang rà soát để ban hành mới và sửa đổi các Đề án, Quy trình nghiệp vụ liên quan đến người nộp thuế theo đúng tiến độ, trong đó có: Quy trình bán lẻ, cấp lẻ hóa đơn; Quy trình kế toán thuế nội địa; Quy trình Đăng ký thuế; Quy trình Kê khai và nộp thuế; Quy trình hoàn thuế sửa Quy trình 905; Quy trình thanh tra, kiểm tra thuế; Quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Quy trình công khai các bước giải quyết khiếu nại và kết quả giải quyết khiếu nại trên trang thông tin điện tử ngành thuế; Quy trình, quy định nghiệp vụ về việc đánh giá, phân loại người nộp thuế theo rủi ro và hướng dẫn sử dụng kết quả đánh giá, phân loại người nộp thuế theo rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế: Thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế và hóa đơn; Đồng thời, đang xây dựng các Quy trình: Quy trình xử lý quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công; Quy trình khai và nộp điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Quy trình cập nhật Bảng giá tính LPTB ô tô, xe máy; Quy trình quản lý kê khai, nộp thuế DNL; Quy trình phân tích rủi ro áp dụng Bộ tiêu chí rủi ro theo Quyết định số 106/QĐ-BTC ngày 01/11/2016 của Bộ tài chính để áp dụng phân tích rủi ro từ năm 2017 lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho năm 2018 nhằm thực hiện nhiệm vụ đổi mới phương thức quản lý thuế theo thông lệ quốc tế theo nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo tỷ lệ, chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra đạt mức 20% tổng số các doanh nghiệp, đối tượng nộp thuế trọng yếu trên địa bàn, đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế.

Tổng cục Thuế cải cách công tác hỗ trợ người nộp thuế, đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hiểu rõ cơ chế chính sách, nhất là cơ chế chính sách mới và những điểm thay đổi:

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế đang xây dựng Quy trình và chế độ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp trong việc tiếp nhận, trả lời những nội dung liên quan công tác hỗ trợ người nộp thuế, trả lời những vướng mắc của người nộp thuế; triển khai Đề án một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế.

Đồng thời, biên soạn các tài liệu hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế và cung cấp trên Cổng thông tin dịch vụ của cơ quan thuế theo từng nhóm thủ tục, từng nhóm đối tượng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện thống nhất; tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Hiện nay Tổng cục Thuế đã thực hiện đăng tải công khai văn bản đến, văn bản đi của ngành Thuế trên website của Tổng cục Thuế để người nộp thuế biết, đồng thời góp phần công khai, minh bạch quá trình giải quyết văn bản của ngành thuế. Theo đó, nội dung của các văn bản pháp quy (Luật, Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị, Thông tư…), văn bản hướng dẫn/văn bản trả lời hỗ trợ (của Tổng cục Thuế, Cục Thuế), các TTHC… được đăng tải đầy đủ, kịp thời.

Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính:

Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, đánh giá 28 TTHC trong lĩnh vực Quản lý thuế TNCN và Đăng ký thuế, đề xuất đơn giản hóa đối với 15 TTHC, trong đó: 14 TTHC lĩnh vực QLT TNCN và 01 TTHC trong lĩnh vực Đăng ký thuế. Đối với nhóm TTHC, quy định liên quan đến lý lịch tư pháp và yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực: Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát 300 TTHC lĩnh vực thuế, trong đó đề xuất phương án đơn giản hoá đối với 6 TTHC có giấy tờ, công chứng, chứng thực trong thành phần hồ sơ nhằm tăng quyền lựa chọn cho người nộp thuế “Bản gốc, hoặc nộp bản sao có chứng thực, hoặc nộp bản sao từ sổ gốc, hoặc nộp bản sao kèm theo xuất trình bản chính để đối chiếu với bản chính” cho phù hợp với Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để trình Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hoá.

Thực hiện công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế; công khai quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế GTGT, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn quy định theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP:

Dịch vụ hoàn thuế điện tử, hồ sơ hoàn thuế điện tử được lưu trữ trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế, bao gồm tất cả các thông tin giao dịch điện tử phát sinh trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu các thông tin về hồ sơ hoàn thuế điện tử của người nộp thuế đã gửi cơ quan thuế; tra cứu các Thông báo, quyết định của cơ quan thuế đã gửi cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử và tra cứu quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế điện tử của mình, qua đó đã giúp đơn giản thủ tục hoàn thuế đối với người nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế; đồng thời góp phần công khai, minh bạch về cơ sở dữ liệu về hoàn thuế cũng như tính minh bạch việc giải quyết hoàn thuế tại cơ quan Thuế các cấp.

Công khai quá trình giải quyết khiếu nại lên cổng thông tin điện tử ngành thuế; Công khai quy trình thanh tra lên cổng thông tin điện tử của ngành thuế, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra.

Phối hợp với các Bộ/ngành, đơn vị có liên quan để kết nối điện tử, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính:

Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cấp mã tự động cho doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp sau thành lập; tiếp tục phối hợp với Cục CSGT, Cục Đăng kiểm trong việc xây dựng Quy chế phối hợp và đang hoàn thiện dự thảo Quy trình khai và nộp điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy.

Hoàn thiện tổ chức ngành thuế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ thuế

Nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật thi hành công vụ trong toàn hệ thống thuế, nhất là cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp, thực hiện kiểm tra, làm việc với người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật và kỷ cương công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 07/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ; Xây dựng Quy chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra thuế theo phương thức áp dụng công nghệ thông tin để giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra thuế.

Xây dựng và ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức thuế năm 2017 theo Quyết định số 45/QĐ-TCT, qua đó đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành thuế để nâng cao chất lượng đội ngũ của cán bộ thuế. Rà soát, cập nhật, bổ sung và ban hành 04 bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho công chức làm việc tại các chức năng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Kiểm tra, thanh tra thuế; Tuyên truyền, hỗ trợ NNT; Kê khai và kế toán thuế.

Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Thuế đã tích cực triển khai các công việc và cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ về các giải pháp và nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 200/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã được Chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng xã hội ghi nhận.

Tuy nhiên, trong thời gian tới Cơ quan thuế cần phải nỗ lực hơn nữa để công cuộc cải cách được đẩy mạnh, đồng bộ và đạt hiệu quả hơn, đồng thời

nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người nộp thuế. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, quản lý; đơn giản hóa các TTHC thuế, ứng dụng CNTT trong quản lý để giảm thời gian, giảm chi phí tuân thủ, giải quyết hồ sơ đúng hạn, giảm giờ thực hiện cho doanh nghiệp; áp dụng quản lý rủi ro để thanh tra, kiểm tra; rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy; đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cải cách trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý.

Các giải pháp cải cách TTHC cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017 để giảm thời gian và thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp

Cải cách về thể chế chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các vướng mắc, tồn tại về cơ chế chính sách để kiến nghị sửa đổi thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và đáp ứng thông lệ quốc tế cắt giảm thủ tục hành chính thuế; Chủ trì và tham gia xây dựng đề án theo kế hoạch của Bộ Tài chính đã duyệt; Sửa đổi Luật Quản lý thuế và Luật thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và Tài nguyên; Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Các Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật nêu trên…

Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ thuế đồng thời thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử để ứng dụng về công nghệ tin học trong tất cả các khâu quản lý thuế như tuyên truyền hỗ trợ, kê khai và nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, quản lý nợ, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại.

Xây dựng CSDL về thuế phục vụ cơ chế quản lý thuế theo rủi ro và liên thông với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính; Tập trung thực hiện Nghị quyết 36a/CP-CP về Chính phủ điện tử và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Nghiên cứu trình Bộ việc triển khai thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh; Tiếp tục xây dựng Thông tư về việc kết nối thông tin để thực hiện khai, nộp điện tử LPTB đối với ô tô, xe máy; Tiếp tục thực hiện hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử đạt cấp độ 4, phấn đấu đạt tối thiểu 70% về số thủ tục, 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT giải quyết trong quý IV/2017…

Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế; Công khai TTHC thuế.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC; Hoàn thiện tổ chức ngành thuế từ Trung ương đến địa phương: nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật của công chức thuế để đáp ứng yêu cầu cải cách thuế; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện TTHC và công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết TTHC; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thi hành công vụ./.

Vụ PC
TCT