Khai thác tiềm năng biển đảo, gắn với bảo vệ chủ quyền

Khai thác tiềm năng biển đảo, gắn với bảo vệ chủ quyền

Đoàn công tác Trường Sa số 10 do Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực đi thăm và làm việc với 12 đảo và nhà giàn DK 1 thuộc hệ thống quần đảo Trường Sa từ ngày 25/4/2018 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và cũng là dịp quần đảo Trường Sa tổ chức kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng đảo. Với hải trình hơn 1000 hải lý, chúng tôi – những công chức, cán bộ, phóng viên báo chí, diễn viên và các nghệ sỹ có cơ hội tìm hiểu thực tế về biển đảo.

Hành trình đi thăm các đảo tại quần đảo Trường Sa với đầy đủ các phương tiện, điệu kiện cần thiết, được thiên nhiên ủng hộ, vậy mà đứng trước biển trời bao la rộng lớn vẫn thấy mình quá bé nhỏ. Thế nên chúng tôi thật sự tự hào, cảm phục trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và tinh thần quả cảm của cha ông ta hàng trăm năm trước, trong điều kiện vật chất, kỹ thuật hạn chế, hàng trăm năm trước cha ông ta đã tổ chức vươn ra đại dương xác lập chủ quyền, biển đảo của đất nước. Ngay từ thời đó và đặc biệt là từ sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước đã có chính sách bài bản, nhất quán về biển đảo, xác lập và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, việc hàng năm thực hiện vẽ bản đồ, tìm kiếm tài nguyên, đo đạc hải trình, khai thông luồng lạch tại các đảo, đá, rạn san hô, cắm bia chủ quyền, đặt trạm thuế, trắc nghiệm địa lý, khí hậu… và hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa của Việt Nam. Nhờ những nỗ lực của thế hệ đi trước mà ngày nay, Việt Nam đã hiện diện là một quốc gia biển với đầy đủ nội dung về chủ quyền, trách nhiệm theo công ước và luật pháp quốc tế.

Trước sự biến đổi khôn lường của tình hình thế giới, khu vực và biển Đông khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển trở nên khó khăn nóng bỏng. Biển đảo như đứa con xa của đất mẹ Việt Nam chịu bao gian nguy song dữ. Song vượt lên trên những khó khăn gian khổ đó, chúng tôi vẫn thấy rất rõ ở các chiến sỹ hải quân đang ngày đêm đang canh gác biển trời tinh thần lạc quan, kiên trung, vững vàng và có niềm tin tuyệt đối trung thành với Tổ quốc.

Thấu hiểu những khó khăn hiểm nguy của các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển đảo, những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt từ đời sống vật chất đến tinh thần. Thông qua nguồn ngân sách, Nhà nước đã có nhiều chế độ hỗ trợ sinh hoạt đối với biển, đảo như: đầu tư hệ thống điện gió, hệ thống pin năng lượng mặt trời, nhà văn hóa đa năng, trạm thu phát sóng thông tin liên lạc, sóng truyền thanh, truyền hình; xây dựng trường học, trạm y tế. Đối với hoạt động đánh bắt hải sản, Nhà nước cũng hỗ trợ ngư dân đóng tàu, cung cấp nước ngọt miễn phí, hỗ trợ bán xăng dầu bằng giá trên đất liền. Nhà nước cũng đã xây dựng các cụm kinh tế khoa học – kỹ thuật trên biển, xây dựng âu tàu đảm bảo cho ngư dân tránh trú tàu thuyền, chế biến hải sản; cung cấp giống cây, rau xanh…Tuy nhiên, so với đất liền thì những đầu tư nói trên vẫn còn khiêm tốn, nhất là đối với các đảo nhỏ (đảo chìm), nằm cô lập, khí hậu đại dương khắc nghiệt. Mặc dù hiện trên đảo có một số nhà và nhà văn hóa cộng đồng nhưng trang thiết bị, kết cấu xây dựng cũng như nội dung sinh hoạt còn lạc hậu. Hiện nay, các vùng vỉa san hô trên biển của chúng ta còn khá rộng, gần ngang với diện tích đất liền nhưng mật độ xây dựng công trình trên đảo còn thưa, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho việc sinh hoạt, triển khai các hoạt động khai thác tài nguyên biển và một số nhu cầu khác. Vì vậy, nếu có điều kiện thuận lợi, Nhà nước cần sử dụng lượng ngân sách phù hợp để đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng các chương trình biển đảo.

Lần lượt đi thăm các đảo nổi, đảo chìm rồi nhà giàn DK1, đứng ở góc độ của người làm nhiệm vụ quản lý nguồn thu toàn bộ nền kinh tế, chúng tôi thật sự ấn tượng với tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Những năm qua, kinh tế biển đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Các hoạt động vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, dịch vụ biển, đóng tàu, khai thác thủy hải sản… đã đem lại nguồn thu khá lớn cho NSNN. Đặc biệt là nguồn thu từ dầu khí đã góp phần không nhỏ trong thời kỳ đầu đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển. Và tôi cũng nhìn thấy trong tương lai, tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam vô cùng lớn. Nếu được đầu tư nhiều hơn từ ngân sách, kết hợp với nguồn lực xã hội, chúng ta có thể phát triển mạnh hoạt động đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên biển, phát triển du lịch và các dịch vụ biển, phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời…Chúng ta không chỉ dừng ở việc xây dựng nhà văn hóa đa năng, mà cùng với nó còn là việc phát triển các trung tâm dịch vụ kinh tế kỹ thuật đa ngành nghề với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển. Chẳng hạn, với kết cấu địa lý rạn san hô, nước biển nông, nhiều tôm cá và hải sản quí hiếm cùng với sự đa dạng sinh vật biển trên khu vực quần đảo Trường Sa mà chúng ta đã được tận mắt chiêm ngưỡng như: đảo Thuyền Chài, Núi Le, Tiên Nữ…khiến tôi rất ấn tượng lạc quan. Những tiềm năng đó, nếu được đầu tư tốt đều có thể trở thành một thiên đường dịch vụ du lịch giữa đại dương chẳng kém gì Maldive của Male.

Đợt công tác và làm việc tại các đảo và nhà giàn DK1 thuộc hệ thống quần đảo Trường Sa lần này cũng là dịp để hiểu và chia sẻ những khó khăn gian khổ của các chiến sỹ hải quân ngày đêm canh giữ biển khơi, giữ vững chủ quyền đất nước. Đây cũng là dịp để những người làm công tác nghiên cứu, thực thi chính sách tham mưu với Chính phủ, Quốc hội bổ sung chính sách miễn giảm thuế hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế biển. Đồng thời, xây dựng một số cơ chế đặc thù nhằm khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên biển hiệu quả hơn./.

Chùm ảnh Đoàn công tác Trường Sa số 10

Đặng Ngọc Minh- Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Thuế