26 5월 Kiểm soát tốt chi phí lãi vay có thể hạn chế được chuyển giá
Theo các chuyên gia về thuế, nếu kiểm soát tốt nguồn thu, hạn chế giảm nguồn thu thông qua khấu trừ chi phí lãi vay và các khoản chi phí tài chính khác thì có thể hạn chế được chuyển giá và trốn thuế.
Thực tế cho thấy, tiền có tính lưu động và có thể thay thế được. Vì thế các tập đoàn đa quốc gia có thể đạt được lợi ích về thuế bằng cách điều chỉnh các khoản nợ trong một công ty thuộc tập đoàn. Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, nghiên cứu cho thấy, các tập đoàn có thể dễ dàng tăng vay nợ ở cấp độ các công ty riêng lẻ trong tập đoàn thông qua việc cấp vốn trong nội bộ tập đoàn.
Ngoài ra, công cụ tài chính cũng có thể được sử dụng để thực hiện các khoản thanh toán có tính kinh tế tương đương với lãi vay, nhưng có hình thức pháp lý khác, do đó tránh được hạn chế về việc khấu trừ lãi vay. Rủi ro về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) trong lĩnh vực này có thể phát sinh trong các trường hợp như: Vay nợ bên thứ ba nhiều hơn tại các nước có mức thuế suất cao; sử dụng các khoản vay nội bộ để tạo ra các khoản khấu trừ lãi vay vượt quá chi phí lãi vay thuần thực tế từ bên thứ ba của tập đoàn; sử dụng các khoản vay từ bên thứ ba hoặc nội bộ tập đoàn để tài trợ cho việc tạo ra thu nhập được miễn thuế.
“Để giải quyết những rủi ro này, kế hoạch hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Kế hoạch hành động BEPS, OECD năm 2013) yêu cầu đưa ra các khuyến nghị về thực tiễn tốt nhất trong việc thiết kế các quy tắc để ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế thông qua việc sử dụng các chi phí lãi vay”- ông Minh cho biết.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nghiên cứu đã phân tích tình hình thực tiễn và đề xuất cách tiếp cận giải quyết trực tiếp các rủi ro thông qua việc sử dụng các chi phí lãi vay. Cách tiếp cận này dựa trên một quy tắc tỷ lệ cố định để hạn chế việc khấu trừ của một công ty đối với các chi phí lãi vay thuần và các khoản thanh toán có tính kinh tế tương đương với lãi vay ở một mức tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định và khấu hao tài sản vô hình (EBITDA).
Tỷ lệ này ít nhất nên được áp dụng cho các công ty trong tập đoàn đa quốc gia. Dù thực tế là không phải tất cả các quốc gia đều có vị thế như nhau, nhưng để đảm bảo các quốc gia áp dụng một tỷ lệ cố định thấp vừa đủ để giải quyết BEPS, cách tiếp cận được đề xuất đã đưa ra một biên độ các tỷ lệ có thể áp dụng là từ 10% đến 30%.
Báo cáo cũng đưa ra các yếu tố mà các nước cần cân nhắc trong việc thiết lập tỷ lệ cố định trong biên độ này. Có thể bổ sung thêm vào cách tiếp cận này một quy tắc tỷ lệ tập đoàn trên toàn thế giới cho phép một công ty vượt quá giới hạn này trong những hoàn cảnh nhất định./.
Nhật Minh
TBTC